Cho đến bây giờ, mặc dù trải qua nhiều năm tháng cùng với những thay đổi về hoàn cảnh xã hội và thời cuộc, Mai Hương vẫn luôn giữ cho mình một chỗ đứng cao trong giòng âm nhạc Việt Nam.
Tiếng hát phảng phất nét sang cả với một âm vực đặc biệt của Mai Hương hình như chỉ thích hợp với những sáng tác phẩm giá trị, từng một thời lôi cuốn được rất nhiều khán thính giả của các chương trình phát thanh và truyền hình tại Việt Nam trước năm 75. Và tiếng hát đó cho đến nay vẫn luôn là một tiếng hát được nhắc nhở đến với nhiều cảm phục trên phương diện tài nghệ, với nhiều cảm tình dựa trên khả năng dẫn dắt người nghe về kỷ niệm của những ngày xa xưa.
Mai Hương chào đời tại Đà Nẵng, mặc dù gia đình chị gốc Hà Nội. Thân phụ chị – Ông Phạm Đình Sỹ – là một viên chức thuộc ngành quan thuế nên thường hoán chuyển nhiều nơi, đó là lý do chị được sinh ra ở miền Trung. Một thời gian sau, cả gia đình chuyển ra Huế, rồi trở lên miền thượng du Bắc Việt trong thời kỳ kháng chiến. Mãi cho đến năm 51, toàn thể gia đình chị mới trở về Hà Nội và chỉ một năm sau lại chuyển vào Sài Gòn, hai năm trước khi làn sóng di cư bắt đầu.
Mai Hương sinh trưởng trong một đại gia đình nghệ sĩ. Song thân chị là Phạm Đình Sỹ và Kiều Hạnh, hai tên tuổi lớn trong giới sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Thân phụ chị là anh cả của ban hợp ca Thăng Long, sau khi về hưu đã phụ giúp mẹ chị về phần thực hiện những chương trình văn nghệ dành cho nhi đồng trên các đài phát thanh và truyền hình.
Riêng thân mẫu chị là một kịch sĩ lừng danh, hoạt động từ khi còn rất trẻ trong các đoàn văn nghệ hậu phương vào những năm 40, cùng thời với Thế Lữ của nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” và cũng là ông họ của Mai Hương. Mặc dù thân mẫu Mai Hương là một kịch sĩ, nhưng chị lại không chịu ảnh hưởng của ngành này mà lại chịu nhiều ảnh hưởng từ các cô chú về lãnh vực ca hát.
Các cô chú Mai Hương chính là những tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam như Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng. Chính nhờ vậy, Mai Hương đã tỏ ra có năng khiếu rất sớm để bước đến với ca nhạc từ khi còn trẻ. Từ năm 1953, chị đã dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á. Sau khi phần Việt Ngữ của đài này ngưng hoạt động, Mai Hương sang cộng tác với chương trình nhi đồng của nữ ca sĩ Minh Trang trên đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc đó còn được gọi là Đài Phát Thanh Quốc Gia.
Tuy có khiếu về nhạc nhưng Mai Hương trước đó không hề nghĩ là mình sẽ trở thành một ca sĩ. Đối với chị, việc trở thành một giọng ca tên tuổi sau này hoàn toàn đến từ những sự đưa đẩy không nằm trong dự liệu. Tuy nhiên lý do chính là Mai Hương đã được những nhạc sĩ trưởng ban văn nghệ của các đài phát thanh để ý từ khi còn hát trong chương trình thiếu nhi để sau đó mời chị cộng tác với các “ban nhạc người lớn”.
Song song với thời gian cộng tác với các chương trình thiếu nhi, Mai Hương theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc được khoảng 3 năm, dưới sự hướng dẫn của những giáo sư tên tuổi. Chị học violon với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba và hợp xướng với thầy Hải Linh. Vì bận thi tú tài 1 nên chị phải bỏ dở dang việc học nhạc. Tuy nhiên chị đã có được một căn bản khá vững vàng nên khi cộng tác với những chương trình tân nhạc lớn, Mai Hương không gặp phải một khó khăn nào.
Vào năm 61, khi được 19 tuổi, Mai Hương lập gia đình nên đã không tiếp tục theo học trường Nguyễn Bá Tòng. Chồng chị khi đó là công chức tùng sự tại Nha Hàng Không Dân Sự. Mai Hương cho biết chỉ quen biết người chồng tương lai 3 tháng trước khi tổ chức lễ thành hôn tại nhà hàng Đồng Khánh vào tháng 9 năm 1961.
Hai người tuy là hàng xóm trong cùng một con hẻm trên đường Bùi thị Xuân, nhưng chưa hề nói truyện với nhau bao giờ. Mai Hương cho biết cuộc hôn nhân của chị đều đến từ sự xếp đặt của gia đình mà không phải đến từ tình yêu thật sự.
Nhưng sau 47 năm chung sống, Mai Hương đã hoàn toàn tìm được hạnh phúc trọn vẹn bên chồng và 4 người con, gồm 1 trai và 3 gái. Nhưng không một ai trong số 4 người con của chị đi theo con đường của mẹ. Tất cả cũng không hề có một căn bản nhạc lý, ngoài hai người con gái có một giọng hát tốt. Và cũng do sự cách biệt giữa hai thế hệ cùng môi trường xã hội, những người con của chị tỏ ra không thích hợp với loại nhạc do chị trình bầy. Nhưng bù lại, chồng chị là người luôn khuyến khích Mai Hương trên con đường nghệ thuật.
Trong khi đó, những ca khúc được trình bầy bởi tiếng hát Mai Hương đã là những ca khúc có khả năng làm say mê những khán thính giả lớn tuổi như chính chị nhận xét: “Khán thính giả của tôi đại đa số là người lớn tuổi. Đó là điều dĩ nhiên vì giọng hát của mình là giọng hát cũ, bài hát mình cũng là bài hát cũ thì đương nhiên đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó, lớn tuổi và yêu loại nhạc tiền chiến”.
Đặc biệt, Mai Hương là một giọng ca nổi tiếng, nhưng khi còn ở Việt Nam chị ít khi xuất hiện trước khán giả. Tên tuổi chị được biết đến nhiều đều từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, Mai Hương còn hát trên những đài Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do cùng đài Truyền Hình Việt Nam. Có thể nói Mai Hương đã cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quí Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành,vv… chưa kể chị còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và xướng ngôn viên.
Mai Hương trình diễn trên sân khấu lần đầu tiên trong vở kịch thơ “Tấm Gương Nhi Nữ” cùng với các cô chú Thái Thanh, Khánh Ngọc, Hoài Trung và Hoài Bắc. Khi còn trong lứa tuổi nhi đồng, vào năm 1954, 1955, Mai Hương đã hát một mình lần đầu tiên trước khán giả nhạc phẩm “Hận Ly Hương” của Hoa Ngọc Long.
Riêng trong lãnh vực vũ trường, Mai Hương mới chỉ ký giao kèo duy nhất dài 6 tháng với vũ trường Tự Do vào năm 70 – sau khi sanh người con gái thứ 3 tên Mai Khanh – qua lời mời của Khánh Ly, lúc đó phụ trách chương trình cho vũ trường này.
Đêm cuối cùng trước khi mãn hạn giao kèo, vũ trường Tự Do bị nổ vì nạn khủng bố, trong khi chị đang trình bầy nhạc phẩm Love Story. Và chị cho biết là sau đó không bao giờ dám bước lên phòng trà hoặc dancing.
Mai Hương cùng chồng và 4 con rời Việt Nam vào ngày 22 tháng 4 năm 75. Sau một tuần ở đảo Guam, cả gia đình sang thẳng Nam California, tạm trú tại trại Pendleton một thời gian ngắn trước khi bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Chỉ một năm sau, Mai Hương đã được mời đi trình diễn. Buổi trình diễn đầu tiên của chị trước khán giả Việt Nam tại hải ngoại diễn ra ở thành phố New Orleans.
Và cũng trong năm 76, chị đã được mời hát tại thành phố Seattle. Qua những nhạc phẩm như “Giòng Sông Xanh” và “Giấc Mơ Hồi Hương”, vv… Mai Hương đã được khán giả đón nhận rất nhiệt tình. Nhất là với “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành là một nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của chị trong số rất nhiều nhạc phẩm chị đã trình bầy…
Vào năm 1980, băng nhạc đầu tiên của Mai Hương được phát hành tại hải ngoại mang tựa đề “Giấc Mơ Hồi Hương” do Trung Tâm Trường Hải thực hiện, một thời gian sau được trung tâm Tú Quỳnh đưa vào CD và cho đến nay vẫn được nhiều người đặt mua. Tổng cộng cho đến nay, đã có tất cả trên 10 CD với tiếng hát của Mai Hương đã được phát hành, trong số có một CD chị hát chung với hai người bạn thân là Kim Tước và Quỳnh Giao, từng hát chung trên rất nhiều chương trình phát thanh và truyền hình tại Sài Gòn.
Ngoài ra CD mang tựa đề “Tìm Nhau Bốn Mùa” này còn có sự cộng tác đặc biệt của nam ca sĩ Duy Trác. Đa số những nhạc phẩm Mai Hương trình bầy trong những CD này là những nhạc phẩm tiền chiến, rất thích hợp với tiếng hát của chị vì “tôi cảm thấy cái giọng của tôi thích hợp với nhạc tiền chiến, tôi lại yêu thích nhạc tiền chiến và các nhạc sĩ tiền chiến thành ra mình cảm thấy hợp thì mình hay hát”.
Thêm vào đó là những CD “Serenade” (nhạc cổ điển lời Việt), “Lỡ Chuyến Đò” (nhạc tiền chiến), “Những Tình Khúc Tuyệt Vời Của Dương Thiệu Tước”, “Bóng Ngày Qua” (nhạc tiền chiến), “Vàng Phai Mấy Lá”, “Nhặt Cánh Sao Rơi”, “Khúc Nhạc Ly Hương”, “Đi Chơi Chùa Hương”, “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”, vv…
Ngoài nhạc tiền chiến gắn bó với tiếng hát mình, Mai Hương còn có khả năng trình bầy được nhiều loại nhạc khác, nhất là trong thời gian chị cộng tác với những đài phát thanh ở Sài Gòn…
Cũng do đó, Mai Hương từng hát trong những chương trình dạ vũ qua đủ mọi thể điệu. Tuy nhiên chị đưa ra nhận xét: “muốn thưởng thức hoặc muốn nghe lời hát hay, ý nhạc đẹp thì nên nghe khi không có khiêu vũ thì người ta mới chú tâm nghe được cái hay, cái đẹp của bài hát đó. Còn nếu vào phòng trà hay dancing thì người ta mải để ý nhẩy nhót, hay truyện trò, uống nước nọ kia, nên đâu có biết bài hát đó ra làm sao”.
Cuộc sống êm đềm của Mai Hương cứ thế trôi qua trong những ngày hạnh phúc bên cạnh người bạn trăm năm trên vùng đồi Rowland Heights thơ mộng, là nơi chị tìm được sự thanh thảnh cho tâm hồn với những sinh hoạt bình thường của một ngày trong cuộc sống của một người phụ nữ đảm đang.
Sau gần 50 năm sống hạnh phúc bên nhau, cặp vợ chồng Mai Hương – Trương Dục có thể được coi là một trong những cặp vợ chồng nghệ sĩ sống bền bỉ với nhau nhất. Điều đó đáng để cho Mai Hương tự hào về niềm hạnh phúc của mình.
Bây giờ ở trên đất Mỹ xa xôi, mỗi khi hồi tưởng về Việt Nam, Mai Hương không tránh được những bồi hồi khi nhớ về những ngày chị cho là đẹp nhất là thời gian tiếng hát chị cùng những nghệ sĩ đồng lứa tuổi cũng như những nghệ sĩ thuộc lớp trước đã tạo cho nền tân nhạc Việt Nam được một thời kỳ vàng son qua làn sóng điện…
Trường Kỳ
*
* *
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire