vendredi 25 novembre 2022

Lên đường nhập ngũ - Nguyễn Ngọc Chính

“Bia lên ta thấy thân người
thấy ta thấy địch thấy đời lãng du
thấy tay dư, thấy chân thừa
thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không”
(Nguyên Sa)
“Bia lên!” là một khẩu lệnh dùng trong xạ trường tại các trung tâm huấn luyện Quang Trung và Thủ Đức. Sau khẩu lệnh “Bia lên!” sẽ xuất hiện tấm bia hình người bằng giấy carton để các khóa sinh ngắm và bắn. Bài thơ trên của Nguyên Sa có lẽ viết sau khi bị gọi động viên vào quân ngũ để bắt đầu cuộc đời cầm súng. Nói một cách văn hoa thì đó là thời quân ngũ, một thời gian mà 99% thanh niên miền Nam phải trải qua.
Tháng 9/1968, tôi bị động viên vào khóa 4/68 Thủ Đức để bắt đầu thời quân ngũ, kéo dài tới 30/4/1975, ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Có thể nói đây là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tôi nói riêng và cả vận nước nói chung. Trong giai đoạn này, hàng hàng lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ khi cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt. Trong khi đó, nước Mỹ bước vào giai đọan ‘Việt Nam hóa chiến tranh’ để từ từ rút quân ra khỏi ‘vũng lầy’ Việt Nam. 

Để theo kịp tình hình quân sự, khóa 27 Thủ Đức là khóa cuối cùng huấn luyện sinh viên sỹ quan tại Trường Bộ binh Thủ Đức và bắt đầu từ khóa 1/68 trở về sau phải qua giai đọan 1 huấn luyện tại Quang Trung kéo dài 6 tuần rồi sau đó mới qua giai đọan 2 tại Thủ Đức. Khóa cuối cùng của Trường Bộ Binh Thủ Ðức là khóa 3/75, lớp sĩ quan này chưa kịp đeo lon chuẩn úy thì Sài Gòn sụp đổ.

Trong suốt giai đọan 1 tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung tôi thích nghi một cách mau chóng cuộc sống nhà binh và khi lên Thủ Đức hiểu được thế nào là huấn nhục để đến ngày ra trường có thể hãnh diện khi mang trên cổ áo cặp lon chuẩn úy.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời làm quen với quân ngũ là cách điểm danh của ông Thượng sĩ già tại Quang Trung. Vì nhiều khi trùng tên nên ông phải đọc tên khóa sinh kèm theo tên cha, tên mẹ, cũng vì thế nên mới có chuyện tiếu lâm: “Nguyễn Khoái Lạc, cha Chơi, mẹ Sướng!”.

Huy hiệu
Trung tâm Huấn luyện Quang Trung

Tôi cũng biết thế nào là ‘chà láng’ ở Quang Trung. Mỗi khóa sinh được phát 1 cái gamen bằng inox, một nửa để đựng cơm và phần nắp chia làm hai ngăn đựng thức ăn. Trong thời gian chưa học quân sự các anh lính mới tò te được lệnh ra giao thông hào dùng gamen inox để... ‘chà láng’ giết thì giờ! Giao thông hào bằng đất ở Quang Trung ngày càng bóng láng dưới bàn tay chà láng của tầng tầng lớp lớp khóa sinh, hết khóa này đến khóa khác!
   
Quân trường với khẩu Garant M1 dài quá khổ,
“ôm mà mệt” (1968)

"Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là một thằng dốt nát
Trong mười mấy năm trời ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay…
(Nguyên Sa)

Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức khai giảng khóa đầu tiên năm 1951 và kéo dài đến ngày 30/4/1975. Trong thời gian 24 năm đó, trường đã đào tạo hơn 55.000 sĩ quan cho quân đội quốc gia thuộc đủ mọi quân chủng như Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân và thuộc đủ mọi binh chủng như Pháo Binh, Quân Cụ, Truyền Tin…

Nếu trong suốt 24 lịch sử, hơn 55 ngàn sĩ quan tốt nghiệp Thủ Đức, thì giai đọan III, nhất là sau lệnh Tổng Ðộng Viên, đã chiếm đến gần 50 ngàn để có đủ số sĩ quan cần thiết cung ứng việc chỉ huy cho 1 triệu quân…. Tính đến ngày Sài Gòn sụp đổ, có khoảng 5.000 sĩ quan đã hy sinh vì tổ quốc trên các chiến trường.

Lính mới tò te!

Người ta nói, ở trường Bộ binh Thủ Ðức, những đứa con thân yêu ấy đã trở về với Lòng Đất Mẹ, trên mặt tượng của Trung Nghĩa Ðài với 4 chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” có hiện thêm một đường kẽ nứt.

Trường Bộ binh Thủ Đức là một trong hai trường đào tạo sĩ quan trừ bị do chính quyền Pháp thành lập vào tháng 10/1951 mang tên École d’Officiers de Réserve để đào tạo nhân sự chỉ huy người Việt cho Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Năm 1952 trường sáp nhập với trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định được chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, trường Nam Định sau đó giải tán.

Khi Quân lực VNCH hình thành năm 1955, Thủ Đức có các trường chuyên ngành như Thiết giáp, Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Quân cụ, Thông vận binh (Quân xa sau này) và Quân chánh. Năm 1961, khi chiến tranh Việt Nam ngày càng lan rộng, các trường chuyên môn càng phát triển và Thủ Đức với nhiệm vụ đào tạo chung nên trường đổi tên là Liên Trường Võ khoa Thủ Ðức cho đến khi nền Đệ nhất Cộng hòa chấm dứt vào năm 1963.

Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào năm 1963, Thủ Đức lại mang tên cũ: Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức nhưng chỉ một năm sau được chính thức gọi là Trường Bộ binh Thủ Đức. Kể từ năm 1969, việc đào tạo sĩ quan trừ bị của Trường Thủ Đức được bổ xung thêm Trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Đồng Đế, Nha Trang.

Huy hiệu
trường Bộ binh Thủ Đức

Trong khi Trường Võ bị Đà Lạt đào tạo sĩ quan ‘hiện dịch’, những người tình nguyện chọn binh nghiệp cho cuộc đời mình, thì Trường Bộ binh Thủ Đức là lò huấn luyện sĩ quan ‘trừ bị’, một cách nói văn hoa cho tầng lớp thanh niên bị động viên vào quân ngũ nếu không muốn bị coi là thành phần ‘trốn quân dịch’, sống chui nhủi bên lề xã hội. Nói như thế để hiểu rằng Thủ Đức là nơi quy tụ nhiều thành phần xã hội và chính trị của một Việt Nam đang đắm mình trong chiến tranh.

Sinh viên sĩ quan Thủ Đúc có thể là những thanh niên mới lớn, vừa tốt nghiệp trung học, chưa kịp vào giảng đường đại học đã tới tuổi phải đi lính. Đó cũng có thể là những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư không còn được hoãn dịch nên bị động viên vào quân đội. Họ cũng có thể là những sinh viên tranh đấu cho lý tưởng ‘phản chiến’, không ‘đỏ’ nhưng cũng không ‘xanh’. Cũng có thể đó là những người đã sớm ‘giác ngộ cách mạng’ được tổ chức gài vào bộ máy quân đội của miền Nam!     

***

Ngày đầu tiên từ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung lên trường Bộ binh Thủ Đức chúng tôi được các khóa đàn anh ‘dàn chào’ sẵn tại vũ đình trường. Khi vừa xuống xe GMC, chúng tôi tập họp theo hàng lối với đầy đủ quân trang, quân dụng và bắt đầu màn chạy… chào sân cờ. Mới đầu còn giữ được đội hình nghiêm chỉnh nhưng sau đó những người yếu sức rớt lại phía sau và những người khỏe tràn lên phía trước. Dù khỏe hay yếu vẫn phải hoàn thành thủ tục chạy một vòng sân cờ để bắt đầu một giai đoạn mới.

Bức ảnh kỷ niệm hai bố con
chụp tại quân trường Thủ Đức

Ở Thủ Đức phải trải qua 4 tuần huấn nhục bởi các khóa đàn anh, mục đích tạo cho người lính tinh thần kỷ luật “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Không thiếu gì những cảnh sinh viên sĩ quan khóa đàn anh, người nhỏ tí đứng trước khóa đàn em to lớn như ông hộ pháp đang hì hục hít đất hay ‘thụt dầu’. Những cảnh như vậy chỉ ở quân trường mới có chứ hoàn toàn không thể nào diễn ra ngoài đời thường.

Cũng từ Thủ Đức tôi học được những điều nhỏ nhặt nhất mà khi còn ngoài xã hội dân sự không thể nào người ta tưởng tượng nổi. Làm thế nào để đánh giầy cho bóng là một ví dụ. Câu trả lời là dùng xi-ra, bông gòn và nước. Cứ kiên nhẫn chà từng tí một, chẳng khác nào nghề ‘chà láng’ giao thông hào học được khi còn ở Quang Trung!

Châm ngôn của Trường Bộ binh Thủ Đức là “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Mỗi trung đội do một sĩ quan cơ hữu chịu trách nhiệm hướng dẫn, vô phúc cho những trung đội có các ông chuẩn úy vừa tốt nghiệp Fort Benning, Georgia, trở về Việt Nam. Những ông này lúc nào quân phục cũng nghiêm chỉnh, trên túi áo gắn huy hiệu Fort Benning với lưỡi gươm, phía trên có dòng chữ Follow Me. Sĩ quan Fort Benning có đủ các ‘món ăn chơi’ đem từ bên Mỹ về để hành xác khóa sinh.

Huy hiệu Fort Benning

Hít đất, bơm dầu, chạy vòng sân chỉ là những món ăn chơi tương đối nhẹ nhàng. Khủng khiếp nhất là hình phạt dã chiến vào ban đêm với đầy đủ ba lô và súng đạn. Sĩ quan trung đội trưởng trực tiếp giám sát hình phạt, chẳng hạn như khoá sinh phải đến một địa điểm nào đó trong quân trường, lấy một vật làm tin rồi trở về trình diện trong một thời gian đã định trước. Cũng may, tôi chưa từng chịu một hình phạt dã chiến như vậy.

Sinh viên sĩ quan học tại quân trường rất nhiều môn như chiến thuật, võ thuật… nhưng có lẽ nổi bật hơn cả là ‘đọan đường chiến binh’ đòi hỏi phải có một nền thể lực đầy đủ hay ‘bò hỏa lực’ thì cần có sự can đảm vì phải trườn, bò dưới hàng rào kẽm gai trong khi trên đầu súng trung liên nổ dòn. Vẫn biết đạn không nằm trong tầm bò nhưng vẫn đòi hỏi lòng dũng cảm để vượt qua hết đọan đường qui định. Chỉ bò tới và dứt khoát không có đường lui.

Bò hỏa lực

Lớp học ngoài bãi cũng có nhiều chuyện khôi hài. Thường thì có những hạ sĩ quan lớn tuổi biểu diễn các bài học trong vai trò ‘trợ giảng’ và đến giờ nghỉ họ luôn có mặt các ‘đội binh tóc dài’ ngoài bãi với nhiệm vụ bán nước giải khát, họ chính là vợ, con của những hạ sĩ quan kiêm biểu diễn viên đó. Bãi học xa hay gần ‘đội quân’ này đều biết vì đã có ‘nội tuyến’ trong hàng ngũ cán bộ giảng dậy. Quân trường biết rõ chuyện này nhưng có lẽ để tạo điều kiện cho gia đình cán bộ kiếm thêm đồng ra đồng vào nên dù vẫn biết nhưng vẫn làm ngơ.

Thư từ trong quân đội hoạt động theo Khu bưu chính, gọi tắt là KBC, ký hiệu của mỗi đơn vị được hiển thị qua 4 chữ số theo sau. Chẳng hạn của trường Bộ binh Thủ Đức là KBC 4100 (Bốn ngàn một trăm), sinh viên sĩ quan chúng tôi gọi đùa là “Bốn người một mâm” vì khi vào ‘nhà bàn’ sinh viên cứ ngồi 4 người một carée cơm. Khi tôi về trường Sinh ngữ Quân đội thì có KBC 3095 trong khi Quân đội Mỹ có APO (Army Post Office) theo sau là 5 chữ số.  

Sau thời kỳ huấn nhục, khóa sinh được gắn alpha để chính thức trở thành sinh viên sĩ quan. Cuộc sống của sinh viên sĩ quan tương đối có phần thoải mái hơn nhiều, được đi phép cuối tuần để thăm gia đình và bát phố Sài Gòn. Chúng tôi ra phố với bộ lễ phục màu vàng, trên cầu vai mang alpha hình con cá nên thời đó có tên… lính con cá để chỉ những sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tuy lễ phục không đẹp bằng trường Võ bị Đà Lạt nhưng cũng đủ để sinh viên sĩ quan hãnh diện mỗi khi bát phố Sài Gòn vào những ngày cuối tuần nếu không bị ‘cấm trại’.

Khóa đàn anh gắn alpha cho đàn em
tại quân trường Thủ Đức

Quân trường có nhắc nhở sinh viên sĩ quan về Sài Gòn mỗi khi vào chỗ đông người, quán xá hay gặp tang lễ phải chào theo kiểu nhà binh nhưng xem ra lời khuyên này ít được sinh viên thực hiện. Trong khi đó, sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt thực hiện nghiêm chỉnh lệnh này. Đó cũng là một chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng nói lên được sự khác biệt giữa Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị, và Đà Lạt vốn là lò huấn luyện sĩ quan hiện dịch cho quân đội VNCH.

Sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt

Gia đình tôi ở Ban Mê Thuột nên mỗi lần ra phép tôi chỉ ghé lại 158 Cống Quỳnh, đối diện với trường Hưng Đạo, nay là Trường Nghệ thuật Sân khấu. Ở đó có gia đình người thân cùng quê với mẹ tôi từ lúc còn ở ngoài Hà Nội. 158 Cống Quỳnh là một tiệm sửa máy may đồng thời cũng là nơi bà cô tôi mở dịch vụ may áo dài khá nổi tiếng vào thời đó.

Trong suốt thời gian ở Thủ Đức, vợ tôi và đứa con đầu lòng chỉ về Sài Gòn thăm tôi một lần duy nhất vào kỳ ra phép cuối tuần. Sau khi ở chơi tại 158 Cống Quỳnh, vợ chồng tôi kéo nhau đi thuê phòng tại một khách sạn trên đường Nguyễn An Ninh, cạnh chợ Bến Thành. Thằng cu Hùng, đứa con đầu khi đó mới 3 tuổi, la hét ỏm tỏi mỗi khi thấy bố mẹ ôm nhau… Sau lần nghỉ phép đó, khi tôi trở về Thủ Đức ngồi trong lớp học mà mắt lúc nào cũng díp lại vì… buồn ngủ!  

Cuộc sống của sinh viên sĩ quan sau thời gian huấn nhục có phần thoải mái hơn. Sinh viên có thể bỏ bữa cơm ở ‘nhà bàn’ với món chủ đạo là cá mối để xuống khu gia binh ăn những bữa cơm ngon hơn nhưng cũng tốn tiền hơn.

Buổi tối sinh viên còn có thì giờ ngồi nhâm nhi cà phê trong khu gia binh và nghe nhạc Khánh Ly qua máy ghi âm Akai, phương tiện âm thanh hiện đại nhất vào thời đó. Đó cũng là thời của Khánh Ly-Trịnh Công Sơn đang ăn khách với những bản tình ca ướt át của một thế hệ thanh niên lên đường cầm súng.  
http://chinhhoiuc.blogspot.be/2012/09/len-uong-nhap-ngu.html 


 TRƯỜNG SĨ-QUAN TRỪ-BỊ THỦ-ĐỨC

alt


Vào ngày khai-giảng, Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức xây cất chưa xong.  SVSQ khóa 1 Thủ-Đức phải tạm trú trong các nhà lá. Trường Sĩ-quan Nam-Định chỉ đào-tạo một khóa. Sinh-viên khóa 2 Nam-Định được đưa vào Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức.
Trường tọa-lạc trên khu đồi Tăng Nhơn Phú, cách chợ Thủ-Đức khoảng hai cây số.
Chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại tá Phạm Văn  Cẩm, xuất-thân Trường Thiếu-sinh-quân. Trong giai-đoạn 1951-1954, các sĩ-quan tốt  nghiệp mang cấp bậc thiếu-úy và có thể chọn ở lại Bộ-binh hay chuyển sang các quân-chủng Không-quân, Lục-quân hoặc binh-chủng Nhảy Dù.
Hơn 4000 sĩ-quan được đào-tạo trong giai đoạn này (từ khóa 1 đến khóa 5, sinh-viên tốt nghiệp với cấp bậc thiếu-úy; từ khóa 6 trở đi, sinh-viên tốt nghiệp với cấp-bậc chuẩn-uý.)

Giai-đoạn 1955-1963:
Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức được đổi tên thành Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức, ngoài sĩ-quan Bộ-binh, trường còn đào-tạo sĩ-quan Thiết-vận, Quân-chính, Quân-cụ, Quân-nhu, Quân-y, Dược, Truyền-tin, Công-binh, Thông-vận–binh (xa binh). Thời gian huấn-luyện: 38 tuần.

Từ 1955 đến1961, Liên trường Võ-khoa Thủ-Đức cung-cấp:
- 2/3 tổng-số sĩ-quan Bộ-binh.
- 80% cán-bộ (sĩ-quan và chuyên-viên Quân-nhu
- 89% cán-bộ Quân-cụ
- 95% cán-bộ Thiết giáp và Truyền-tin
- 97% cán-bộ Pháo-binh
- 90% cán-bộCông-binh

Tháng 10-1961, một số trường chuyên-môn được tách ra. Liên Trường Võ-khoa Thủ-Đức chỉ còn ba trường là Bộ-binh, Thiết-giáp, Vũ-thuật và Thể-dục Quân-sự.
Giai-đoạn 1964-1975:
Giữa năm 1963, giữa khóa 15, Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức được đổi tên thành Trường Bộ-binh Thủ-Đức. Mỗi năm, Trường có ba khoá huấn-luyện. Sau biến-cố Tết Mậu Thân và sắc lệnh tổng động viên ban hành ngày 19-6-1968, hàng năm Trường Bộ-binh Thủ-Đức đào-tạo 6 đến 8 khóa, do nhu-cầu chiến-trường. Từ năm 1951 đến 1967, mỗi năm chỉ có một khóa, đánh số từ 1 đến 27. Đến năm 1968, một năm có nhiều khóa, nên đánh số theo năm (1/68; 2/68, ...)
Chương-trình huấn-luyện chia thành hai giai-đoạn: Trong giai đoạn 1, khóa-sinh được gọi là Tân Khóa-Sinh Dự-bị Sĩ-quan, thụ-huấn tại Trung-tâm Huấn-luyện Quang-Trung. Sau khi hoàn tất giai-đoạn 1, các TKS/DBSQ đủ tiêu-chuẩn được chuyển sang Thủ-Đức học tiếp giai-đoạn 2. Về sau, các Tân Khóa-Sinh được huấn-luyện giai-đoạn 1 ngay tại Thủ-Đức.  Các sĩ-quan tốt nghiệp được mang cấp bậc chuẩn-uý trừ-bị
Trong giai-đoạn này, vì số lượng SVSQ quá lớn, thiếu trường sở và huấn-luyện-viên, nhiều khóa sĩ-quan trừ-bị đã được đào-tạo tại trường Hạ-sĩ-quan Đồng-Đế. Cuối năm 1973, Trường Bộ-binh Thủ-Đức chuyển sang căn cứ huấn-luyện mới tại Long-Thành. Công tác di-chuyển hoàn tất vào đầu năm 1974.
Tháng 4-1975, dưới quyền điều-động của Đại-tá Liên-đoàn-trưởng Lộ Công Danh, các SVSQ từ Long Thành di-chuyển về Tăng Nhơn Phú. Pháo-binh phòng-thủ nhà trường đã trực-xạ, bắn cháy 3 chiếc thiết giáp của VC và 2 tân khóa-sinh dùng lựu-đạn lân-tinh đốt cháy chiếc còn lại. Ngày 1-5-1975, lực-lượng phòng-thủ mới buông súng theo lệnh của TT Dương Văn Minh ban hành ngày 30-4 trước đó.

Phù-hiệu Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức:

alt
Nền xanh da trời biểu-hiện sự thanh-khiết từ tư-tưởng đến hành-động, và ý-chí cao-cả của thanh-niên đối với quê-hương.
Ngọn lửa hồng biểu-hiện lòng dũng-cảm, chí cương-quyết, đức hy-sinh.
Thanh kiếm biểu hiện cho cấp chỉ-huy
Bốn chữ “ Cư an tư nguy” – sống yên (không quên) lo nguy, được ghi thêm vào theo đề nghị của Đại-tá Lam Sơn trong thời gian ông làm Chỉ huy trưởng (1962).
Câu này trích từ Hệ từ hạ của Khổng-tử:

Nguy gỉa an kỳ vĩ gỉa dã
Vong gỉa bảo kỳ tồn gỉa dã
Loạn gĩa hữu kỳ trị gỉa dã
Thị cố quân-tử an nhi bất vong nguy,
Tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo gia


Nghĩa là:  

 Người bị nguy là bởi cứ yên vui nơi ngôi phận mình
 Bị mất là bởi chỉ tới cái hiện có
 Bị loạn bởi tin cậy cái trị có sẳn,
 Bởi thế, người quân-tử lúc sống yên không quên cái nguy,
 còn không quên lúc mất 
 Khi thịnh-trị không quyên cảnh loạn suy,
 như vậy mới yên thân mà giữ được nước nhà

Câu từ dài ấy được rút lại còn 8 chữ: “ Cư an lự nguy, xử trị tư loạn” và gọn hơn nữa, 4 chữ: “CƯ AN TƯ NGUY”
Những Chỉ-huy-trưởng Việt Nam trường SQTB Thủ-Đức
- Đại-tá Phạm Văn Cẩm
- Thiếu-tướng Lê Văn Nghiêm
- Thiếu-tướng Nguyễn Văn Chuân
- Thiếu-tướng Hồ Văn Tố
- Đại-tá Lam Sơn Phan Đình Thứ
- Trung-tướng Trần Ngọc Tám
- Thiếu-tướng Bùi Hữu Nhơn
- Trung-tướng Trần Văn Trung
- Trung-tướng Phạm Quốc Thuần
- Thiếu-tướng Lâm Quang Thơ
- Trung-tướng Nguyễn Vĩnh Nghi
- Trung-tướng Nguyễn Văn Minh
- Đại-tá Trần Đức Minh
CÁC GIAI-ĐOẠN HUẤN-LUYỆN
 Chương-trình huấn-luyện quân-sự tại Thủ Đức nhằm đào-tạo sĩ-quan chỉ-huy trung-đội, gồm:
- Bộ binh căn-bản (18 tuần): vũ khí cá-nhân, cá nhân chiến-đấu, đội hình tác-chiến, . . .
- Bộ-binh trung-cấp (28 tuần): Vũ-khí cộng-đồng như đại-liên, súng cối 60 ly, 81 ly, súng phóng hỏa-tiễn; vượt sông, chiến-thuật, bản đồ, la-bàn, pháo-binh, chiến-tranh-chính-trị, quân-pháp, . . . 

THÀNH-QUẢ CỦA TRƯỜNG BỘ-BINH  THỦ-ĐỨC
 Theo niên giám của trường, trong 25 năm, các trường sĩ-quan trừ-bị đã đào tạo khoảng 55,000 sĩ-quan, trong đó khoảng 15.000 nguời biệt-phái về các ngành chuyên môn (hầu hết là giáo chức)
Các vị tướng xuất-thân từ các trường  Sĩ-quan trừ-bị:

Khóa 1 Nam-Định gồm có:
 -Trung –tướng Nguyễn Đức Thắng (Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn)
 -Trung-tướng Lê Nguyên Khang (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
 -Trung-tướng Nguyễn Bảo Trị (Tổng Cục-trưởng Quân-huấn)
 -Thiếu-tướng Nguyễn Cao Kỳ, (Tư lệnh Không Quân, Chủ-tịch Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương)
 -Thiếu-tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh Cảnh Sát)
 -Thiếu-tướng Nguyễn Duy Hinh (Tư lệnh Sư-đoàn 3 Bộ-binh)
 -Chuẩn-tướng Vũ Đức Nhuận
 -Chuẩn-tướng Phan Phụng Tiên
 -Chuẩn-tướng Nguyễn Văn Điềm

Khóa 1 Thủ-Đức:
 -Trung-tướng Trần Văn Minh (Tư-lệnh Không-quân)
 -Trung-tướng Đồng Văn Khuyên (Tổng Cục trưởng Quân-vận)
 -Thiếu tướng Nguyễn khắc Bình (Tổng Giám-đốc Cảnh-Sát Quốc-gia)
 -Chuẩn-tướng Phạm Hữu Nhơn
 -Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính

Khóa 2 Thủ-Đức:
 -Chuẩn-tướng Bùi Quý Cảo (Tổng Giám-đốc Tài-chánh và Thanh-tra quân-phí

Khóa 3 Thủ-Đức:
-Thiếu-tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư-lệnh Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam lọt vào tay Cộng-Sản Bắc Việt)

Khóa 4 Thủ-Đức:
 -Trung-tướng Ngô Quang Trưởng (Tư-lệnh Quân-đoàn I)
 -Thiếu-tướng Bùi Thế Lân (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
 -Thiếu-tướng Lê Quang Lưỡng (Tư-lệnh Nhảy Dù)
 -Chuẩn-tướng Hồ Trung Hậu
 -Chuẩn-tướng Trần Quốc Lịch

Khóa 5 Thủ-Đức:
 -Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng (Tư-lệnh phó Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam bị cưởng chiếm bởi Cộng Sản Bắc Việt)

Khóa 16 Thủ-Đức:
 -Chuẩn-tướng Cảnh Sát Trang Sĩ Tấn (Chỉ-huy-trưởng BCH Cảnh Sát Đô-thành Sàigòn)
Với 23 vị tướng và 55 ngàn sĩ-quan (số tử vong khoảng 15,000), các trường đào-tạo sĩ-quan trừ-bị đã đào tạo cho đất nước những chiến-sĩ chĩ-huy xứng-đáng với châm ngôn Cư An Tư Nguy, sống yên vui phải biết nghĩ tới lúc khó khăn, muốn hưởng hòa-bình phải chuẩn bị chiến-tranh.
Sau 28 năm bị thua cuộc bởi sự sắp đặt của Hoa-kỳ và thế giới Cộng-sản, cựu SVSQ các trường sĩ-quan trừ-bị vẫn đoàn-kết, nhắc nhau hướng về quê cũ trường xưa, vì Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm, chung sức kiến tạo một nước Việt Nam Tự Do, Phú Cường và Không Cộng-Sản.

* Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức Ở Hải Ngoại
 P.O.Box 38754 – Houston, TX 77238-8754
 Tel: 281.590.1251, 713.697.6571 -  Fax: 281.987.8881 – Email: SVSQ-THUDUC@hotmail.com

* Hội Cựu Sinh Viên Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức – Washington
 P.O.Box 18094 – Seattle, WA 98118 
 Tel: 206.778-0145  - Email: svsqthuducwa@hotmail.com
Ngoài ra có các Liên Hội và Hội đã thành lập Ban Chấp Hành đang hoạt động:
-Liên Hội Úc Châu gồm: New South Wales, Victoria, West Australia, Queenland, South Australia, Toronto-Canada, Paris-France, Tokyo-Japan, Houston-Texas, Đông Bắc Hoa Kỳ-Washington DC, Orlando-Florida, San Jose-CA, San Diego-CA, Orange County-CA, Sacramento-CA, New Orleans-Louissiana, Philadelphia-Pennylvania, Boston-Massachusettes, và một số Hội đang trên đà chuẩn bị Đại Hội Thành Lập Ban Chấp Hành trong năm 2003.

Tài liệu tham khảo:
-Lịch sử Chiến-tranh Việt-Nam, từ trận đầu Ấp Bắc (1963) đến Sàigòn (1975), của TS Nguyễn Đức Phương, Làng Văn 2000
-Lịch-sử trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức, GS Nguyễn Đình Tuyến, Đặc San Thủ-Đức Houston, 1997
-Danh-sách do cựu SVSQ Nguyễn Bửu Thoại cập nhật
-Quân-sử 4, Phòng Bộ Tổng Tham-mưu, Sàigòn 1972
-Office of the US Army Advisor, Report, 1964
-La victoire oubliée, J. Favreau, Nasan, Paris, 1999

Seattle, ngày 12 thang 6 năm 2003
Đặng Ghi/Khóa 25
Đúc kết.
 
 
...Bây giờ chúng tôi đã mất hết, may chỉ còn lại cái danh dự của một con người. Danh dự đã nuôi dưỡng chúng tôi, giúp chúng tôi còn đứng thẳng mà không hổ thẹn với con cháu và người bản xứ.
Danh dự của một người cựu sĩ quan trẻ tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Ðức. Vì chúng tôi đã chu toàn bổn phận rất khiêm nhường của một người lính. Chúng tôi đâu có để nơi chúng tôi gìn giữ bị mất. Chúng tôi đâu có để pháo địch bắn vào thành phố khi chúng tôi được lệnh bảo vệ vòng đai. Chúng tôi không có ra lệnh rút lui mà chỉ ra lệnh xung phong chiếm mục tiêu. Chúng tôi không bao giờ cãi lệnh dù cái lệnh ấy là cái lệnh thí quân ngu xuẫn. Chúng tôi đã đánh giặc với trái tim đầy nhân bản. Chúng tôi không hổ thẹn bỏ rơi đồng đội. Chúng tôi đã ngẩng đầu khinh mạn dù chúng tôi ở trong tù tội... Chúng tôi cũng mang trên vai những tấn nợ như cả miền Nam đã mang. Chúng tôi cũng đã vác thập tự giá trên những triền đá sắc của quê hương đất nước như cả một thế hệ đã vác.  (Trần Hoài Thư trong Thủ Đức Gọi Ta về)

 




Hình ảnh Thủ Đức
Huy hiu ca Trường Bộ Binh Thủ Đức
Quân Phục Đại Lễ cho Khóa 1 đến Khóa 23
 
Quân Phục Đại Lễ cho Khóa 24 đến Khóa năm 1975
Rước Quốc-Quân kỳ
Quỳ  xuống các Sinh Viên Sĩ Quan !




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire