dimanche 20 mai 2018

Trầm Tử Thiêng Lời Kinh Khổ từ lòng Mẹ Việt Nam - Ngô Quốc Sĩ


Thi Ca Yêu Nước - Trầm Tử Thiêng Lời Kinh Khổ từ lòng Mẹ Việt Nam 
Ngô Quốc Sĩ – Hải Sơn & Minh Nguyệt trình bày 
Radio DLSN 

Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh quán tại Đại Lộc, Quảng Nam và lớn lên ở miền Nam. Anh bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1958 cho đến cuối đời với trên 200 ca khúc, bao gồm các đề tài về tình yêu, quê hương, chiến tranh và thân phận của dân tộc VN và hàng trăm ca khúc viết cho thiếu nhi .
Trầm Tử Thiêng bị kết án là “nhạc sĩ phản động”, đã bị cộng sản bắt bỏ tù, cuối cùng, đã vượt biên đến bến bờ tự do năm 1985, định cư tại Little Saigon, tiểu bang California. Anh đã hợp tác với Mây Productions, Hollywood Night và Trung Tâm Asia.
Cũng như hầu hết các nhạc sĩ khác, Trầm Tử Thiêng đã nhấn những nốt nhạc tình thật tha thiết. Hẳn nhiên có yêu thì có hẹn, có thấp thỏm đợi chờ:
Mãi nhìn em.
Nhớ chuyện ngày nào.
Mình đợi mình chờ.
Anh mãi chờ em.
Những chiều nao.
Hai đứa hẹn hò.
Buổi trường tan.
Đứng đợi em yêu.
Đợi chờ lúc này, nhưng không mấy yên tâm, nên phải ân cần dặn dò cho mai sau, xin cùng nhau đi trọn đường đời, chớ thay lòng đổi dạ:
Hãy dìu nhau.
Đi hết đoạn đường
Xin chớ thay lòng.
Đêm ngày tương tư.
Bao tháng năm.
Một điều khá bình thường, là trong tình yêu, người con gái thường bị thiệt thòi nhiều hơn, bởi lẽ trai anh hùng có thể “năm thê bảy thiếp” có thể ghé nhiều bến, còn phận nữ nhi thì chỉ một lần rồi biền biệt:
Tôi làm con gái.
Buồn như lá cây.
Chút hồn thơ dại.
Xanh xao tháng ngày
Một lần qua đây.
Rồi không trở lại.
Ôi mùa xuân này.
Thương cảm cho phận nữ nhi thiệt thòi, Trầm Tử Thiêng cũng đã đem tình thương hiến dâng cho tất cả những ai là người, bất kể là trai viết nên lịch sử hay người em gái môi thắm ngọt ngào:
Bảy ngàn đêm góp lại thành lời.
Tường tận tình đời.
Qua bảy ngàn đêm,
những người trai thành sử rạng ngời.
Những người em thắm ngọt son môi.
Thương cảm cho phận gái, cho người đời, Trầm tử Thiêng đã dành một mối thương cảm đặc biệt cho những người Việt tị nạn xấu số, may gặp được bàn tay bao dung tại Làng Việt Nam Phi Luật Tân:
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Một vòng tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng bước càng xa

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người .
Hát cho tình đời, tình người, Trầm Tử Thiêng lại hát cho quê hương khổ đau như một điệu nhạc buồn văng vẳng tiếng quốc kêu. Trong tiếng quốc kêu ai oán, có pha chút căm hờn, tủi hận vì quê hương đã bị cướp mất, chết trong tức tưởi:
Con quốc Việt Nam ca bài sông núi hờn căm
Từ khi từ khi quốc kêu điêu tàn, thương người ở tận biên ngàn
Tiếng quốc chính là tiếng mẹ thương cho những đứa con Việt Nam xông pha trong lửa đạn, ngậm ngùi ra đi khi mộng hồ hải chưa tròn:
Con quốc ca rằng bom nổ đạn bay
Mười năm mười năm lửa hai mươi tròn
Thương đời bão nổi mưa cồn
Ơi người đi người đi con quốc kêu vời vợi tâm hồn
Thương đời chiến sĩ Việt Nam
Nhất là thương cho nỗi cô đơn của những người cha già phải xa con yêu dấu chỉ vì chiến tranh , biền biệt ngàn trùng trong chia cách lẻ loi:
Con quốc sầu an đêm nao than vắn thở dài
Từ khi từ khi quốc sinh ra đời, cha thì ở tận biển trời
Hỡi người đi còn đi sông núi ơi biền biệt xa rời
Thương đời con quốc lẻ loi
Tiếng quốc kêu thảm thiết chính là tiếng Tổ Quốc đang réo gọi trong lòng dân Việt trước cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị đọa đày trong máu và nước mắt:
Hình bóng cố hương nghìn năm gọi ta như sóng xô bờ
Thành những bước chân mộng du men theo lối về quê cũ
Để nghe con sông, con suối với mái tranh cây đa đầu làng
Cùng trách những câu thật đau: người đi đi mãi mới về
Cuộc sống lưu vong vui ít buồn nhiều. Trầm Tử Thiêng, cũng như toàn thể dân Việt tị nạn, đã cảm thấy lạc lỏng, trống vắng, vì đã dành hết con tim cho quê hương đọa đày bên kia đại dương. Sống trong phồn hoa, xe ngựa dập dìu nơi đất khách, dân Việt lại càng thổn thức niềm đau nhớ về quê nghèo yêu dấu đã mất:
Đời sống với bao nổi trôi, buồn đau pha lấp tiếng cười
Nhiều lúc giữa nơi phồn hoa, bon chen guốc giày xe pháo
Lòng chưa quên nơi chân đất bước ra ngang như trên quê nghèo
Giờ có trách ai thật đau, thì con tim vẫn thua dài

Hình bóng cố hương nghìn năm gọi ta như sóng xô bờ
Càng tiếc nhớ bao thời xưa, quê hương bếp hồng, lửa ấm
Tình ta khôn nguôi mơ ước, nối bên đây, bên kia chung lòng
Để mãi mãi trong ngày mai, đường quê hương nối thêm dài
Rồi tiếng quốc ảo não đã biến thành lời kinh từ lòng mẹ khổ đau. Mẹ Việt Nam dao cắt ruột đứt vì Tổ Quốc bị giày xéo, con cháu tan tác vất vưởng bốn phương. Mẹ đã chấp tay nguyện cầu cho đàn con còn giữ được tuổi trẻ, không đánh mất niềm tin vào tương lai:
Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng xa thật êm đềm
Mẹ cầu cho con . Vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho em. Tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất..
Còn hy vọng là còn ngày về. Dù có rách ruới tả tơi sau bao gian nan cùng khốn, dân Việt vẫn mơ một ngày về vinh quang, sạch bóng thù, về trong tình người đầy ắp, trong vòng tay yêu thương nồng ấm:
Người sẽ về. Dù rách rưới tả tơi .
Người về một giờ một đông thêm
Người đi càng giây càng thưa dần
Rồi ngày sinh ly . Rồi đêm từ biệt.
Còn lại đêm nay với vòng tay tình yêu người và người
Trầm Tử Thiêng. Anh đã ra đi. Anh sẽ vắng bóng trong đoàn nguời trở về. Nhưng tất cả sẽ ghì siết anh vào lòng. Chúng ta có nhau..Mẹ Việt Nam sẽ cười vui nhìn đàn con hội ngộ, với ngọn tre vắt vẻo, với tiếng dế thì thầm, tiếng sáo diều êm ả.

Ngô Quốc Sĩ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire