LỆ THU ,tiếng hát một thời lừng lẫy trong thế giới ca nhạc Việt Nam giờ đây, một mình đơn độc trong căn nhà vắng lặng, nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời của một nghệ sĩ tiếng tăm, chị đã nhận ra một điều bất hạnh cho một kiếp cầm ca, nhất là đối với chị đã trên 40 năm mang tiếng hát của mình để tạo niềm vui cho đời, cho người.
🌹Người con cầu tự
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, chào đời tại Hải Phòng ngày 16 tháng Bảy năm 1943. Thân mẫu chị đã sinh được tất cả tám người con, nhưng bảy người con đầu đều đã qua đời vào năm lên 3 tuổi. Lệ Thu là người con duy nhất sống được sau khi thân mẫu chị thụ thai trong một trường hợp rất đặc biệt như lời chị kể: "Trước khi sinh Thu, bà cụ đi đến chùa mới cúng vái gì đó. Cụ bảo là trong khi chờ đợi đến phiên mình cúng vì quá đông người, cụ nằm ngủ thiu thiu thì thấy một ông quan mặït đỏ tía tai, mặc áo long bào ẵm đứa bé trao cho cụ. Thế là cụ thụ thai Thu. Cụ thụ thai Thu thì nuôi được. Thế nhưng cụ cũng phải bỏ vào trường bà 'sơ' để cho 'sơ' nuôi chứ không dám nuôi ở nhà sợ lại 'đi đoong' nữa."
"Người ta qua đây người ta cầy hộc bơ ra, người ta đi làm bởi vì thấy trước cái nghiệp dĩ, cái ngành nghề, cái sinh hoạt của âm nhạc không có được liên tục như ở Việt Nam. Đáng lẽ mình phải nhìn thấy điều đó ngay để chuẩn bị cho mình một tương lai. Nhưng Thu dở quá, Thu không có chuẩn bị gì hết."
🌹Tình cờ ở Bồng Lai
Lớn lên trong một gia đình chị gọi là bất hạnh như vậy, Lệ Thu sống bằng sự đùm bọc của người mẹ là người vợ thứ của thân phụ chị. Vì gặp nhiều khó khăn do người vợ cả gây ra, hai mẹ con chị đã phải rời bỏ quê quán để vào Sài Gòn từ năm 1953. Nhờ sự tần tảo của mẹ, Lệ Thu theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers vào năm 59, và một sự tình cờ đưa đẩy đã khiến cô học trò Bùi Thị Oanh đến với âm nhạc: "Một hôm, sau khi đi học về, bạn bè rủ đi chơi. Caœ đám kéo lên phòng trà Bồng Lai ngồi ăn, buổi chiều ở trên cái sân thượng. Bạn bè gọi người coi như là MC lúc đó giới thiệu Thu, bảo là yêu cầu cô này lên hát đi, cô ấy hát hay lắm. Xong rồi bọn nó cứ đẩy Thu lên hát. Bài đầu tiên là bài 'Dang Dở.' Vừa hát xong, ông giám đốc Bồng Lai ... ký giao kèo ngay. Thế là khởi đầu sự nghiệp từ đó."
Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng chỉ một thời gian sau vì quá yêu nhạc nên chị đã quyết định thôi học luôn để đi theo con đường ca hát.
Hát ở Bồng Lai được khoảng hai năm, Lệ Thu bắt đầu "cất cánh tung bay" về hát tại Trúc Lâm trà thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, cũng là nơi cộng tác của nhiều giọng ca tên tuổi khác như Lệ Thanh và Thanh Thúy. Tiếng hát của Lệ Thu bắt đầu gây được tiếng vang qua những nhạc phẩm tình cảm với một giọng ca đặc biệt, khác hẳn những ca sĩ cùng thời.
🌹Cộng tác với vũ trường Tự Do
Đến năm 62, Lệ Thu sang cộng tác với vũ trường Tự Do. Nhờ từng theo học chương trình Pháp và có một số vốn liếng Anh văn khá vững vàng – theo học một thời gian ở trường Khải Minh – nên trong thời gian cộng tác với vũ trường này Lệ Thu đã chuyển sang trình bầy những nhạc phẩm ngoại quốc, nổi bật nhất là "La Vie En Rose," "A Certain Smile," "La Mer," "Love Is A Many Splendored Thing."
Trong thời kỳ này rất hiếm những giọng ca có thể hát được cả ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp nên Lệ Thu đã được khán thính giả dành cho rất nhiều cảm tình.
Cũng trong thời gian này, Lệ Thu thành hôn với một thanh niên tên Sơn, du học từ Pháp về. Hai người đã có với nhau hai con gái là Trang và Tú, hiện đều đã có gia đình và có cơ sở thương mại riêng và việc làm vững chắc ở Nam California.
Lệ Thu càng ngày càng nổi tiếng để trở thành cái đinh của những vũ trường lớn ở Sài Gòn, ngoài việc được biết đến qua những chương trình ca nhạc trtên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam. Những vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz được khách nồng nhiệt chiếu cố trong thời gian từ 68 đến 71 một phần lớn nhờ ở tiếng hát Lệ Thu. Sân khấu và ánh đèn nơi vũ trường đã có một sức lôi cuốn lạ kỳ với chị.
Lệ Thu đã bỏ ra rất nhiều thời giờ để tập dượt một nhạc phẩm ưa thích: "Hồi ở Việt Nam, mỗi lần thích một bài nào đó là Thu tập miệt mài tới sáng đêm. Đi hát về 1, 2 giờ đêm vẫn còn tập hát cho đến sáng. Thí dụ như bài 'Serenade' chẳng hạn."
🌹Jo Marcel – Vũ trường Queen Bee
Năm 68, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm chị còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.
Đến giữa năm 69, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, để sau đó chị trở thành một nữ ca sĩ đắt giá nhất trong thời kỳ này nhờ lôi cuốn được một số khách kỷ lục. Những băng nhạc có tiếng hát Lệ Thu do Jo Marcel thực hiện, cũng có số bán vượt xa những băng nhạc khác phát hành cùng thời.
Sự nổi tiếng của Lệ Thu đã đưa đến sự tranh chấp của hai vũ trường Ritz và Tự Do trong vấn đề dành độc quyền tiếng hát của chị. Do một điều khoản trong giao kèo ký kết với Jo Marcel của Ritz, Lệ Thu đã không thể về hát tại vũ trường Tự Do với tiền lương mỗi tháng 1 triệu đồng, chưa kể đến số tiền thưởng riêng 2 triệu do sự thỏa thuận với giám đốc vũ trường này là Nguyễn Văn Cường. Do đó Lệ Thu đã cộng tác với Jo Marcel thêm một năm nữa, trước khi về hát với Tự Do cũng với số tiền thù lao kỷ lục như đã thỏa thuận từ trước. Lệ Thu trở lại với Tự Do vào năm 70 và kéo dài cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau. Từ đó cho đến biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu vẫn giữ cho mình được một ngôi vị cao.
🌹Một thoáng phù du
Bây giờ nhớ về thời kỳ vàng son đó, Lệ Thu không hề tỏ ra tiếc nuối vì đối với chị tất cả chỉ là một thoáng phù du: "Điều tôi cho là quan trọng nhất là gì? Chính là cái tâm hồn của mình. Bởi vì tâm hồn của tôi nó nhậy cảm lắm. Tôi chỉ mong tìm được sự an bình thôi...chứ những cái hào nhoáng, những cái vinh quang cũng như những cái thăng, cái trầm, những cái tủi, cái vinh nó chỉ có một thoáng rồi thôi."
Lệ Thu thú nhận là rất thờ ơ trong việc ghi chép những gì liên quan đến những sinh hoạt của chị, đến cuộc sống tình cảm của chị "vì vậy cho nên Thu bỏ lửng mấy cái chuyện đáng lẽ là mình không nên bỏ lửng như vậy." Lý do như chị vừa nói đến từ cuộc sống đơn độc hiện nay bởi sự kém may mắn về đường tình cảm cũng như gia đình.
Sau khi đổ vỡ với người chồng đầu tiên, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương mà kết quả cũng không được tốt đẹp như cuộc hôn nhân trước đó, sau khi đã có với nhau một con gái tên Thu Uyển. Đường chồng con của chị đã khiến Lệ Thu thốt ra những lời chua xót: "Làm cái gì thì cũng cần có vợ có chồng với nhau. Còn Thu, Thu kém may mắn về cái đường gia đình quá à."
Nhìn lại một thời huy hoàng đã qua khi những ca khúc như "Ngậm Ngùi," "Hương Xưa," "Thu Hát Cho Người," "Hạ Trắng" hay "Serenade" đã đưa tên tuổi chị lên cao để trở thành một giọng ca rất được nhiều người hâm mộ, Lệ Thu tự an ủi để cho đó là một sự phù du của cuộc đời mặc dù không phải chị không thỉnh thoảng quay về với dĩ vãng.
Ai từng quen biết Lệ Thu đều phải công nhận chị là một người lạc quan và hay khôi hài, tuy nhiên hiện nay trong hoàn cảnh bơ vơ, đơn độc nơi xứ người Lệ Thu đã không tránh khỏi những bùi ngùi lo lắng khi nhìn tới khoảng thời gian còn lại.
Sau biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương đi trình diễn đó đây cho đến năm 79. Một năm trước đó chị cũng đã từng mở một quán cà phê mang tên con gái út của chị là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Quán Thu Uyển đã thu hút được rất nhiều khách hàng, tìm đến để thưởng thức lén lút những âm thanh quen thuộc trước đó.
🌹Đến Pulau Bidong
Vào tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biên. Sau sáu ngày lênh đênh trên biển cùng với một vài nghệ sĩ khác như Ngọc Minh và Hoàng Thi Thao, Lệ Thu đã đến được Pulau Bidong và sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai người con gái lớn của chị cũng vượt biên đến đảo Galang và một thời gian sau cũng được đoàn tụ với chị tại Nam California.
Những ngày đầu trên miền đất lạ, Lệ Thu cảm thấy rất bơ vơ, không biết sẽ phải đương đầu với tương lai mình ra sao. Chị nhớ khán giả, nhớ những đêm vũ trường đã mang đến cho chị những niềm vui đầy ý nghĩa của một cuộc đời ca hát cho người mua vui.
🌹Tái ngộ khán thính giả ở Beverley Hills
Vào tháng Mười năm 1980, Lệ Thu đã tìm lại được một niềm vui lớn khi tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills với một số người tham dự kỷ lục.
Một thời gian ngắn sau đó Lệ Thu đã được mời sang Paris trình diễn, và liên tiếp được khắp nơi mời đón. Ngoài ra, Lệ Thu còn cộng tác với nhiều vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's.
Năm 1981, Lệ Thu đứng ra thực hiện băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tựa đề "Hát Trên Đường Tử Sinh" gồm những ca khúc về tỵ nạn, liền đó là băng nhạc "Thu Hát Cho Người" gồm một số nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi chị.
Đến khi nhạc phẩm "Mười Năm Tình Cũ" ra đời thì chính tiếng hát của Lệ Thu đã khiến cho nhạc phẩm này của Trần Quảng Nam trở thành quen thuộc. Ngoài ra nhạc phẩm "Xin Còn Gọi Tên Nhau" cũng đã khiến tên tuổi của Lệ Thu tìm lại được chỗ đứng trong sự mến mộ của khán giả tại hải ngoại.
Theo Lệ Thu thì chị không có số buôn bán. Sau khi lấy được mảnh bằng về ngành thẩm mỹ, chị đã đứng ra điều hành một trung tâm thẩm mỹ, nhưng chỉ được một thời gian cũng phải đóng cửa. Mấy năm gần đây chị lại mở một quán ăn nhưng cũng không tồn tại được bao lâu. Những sự thất bại đó đến từ sự thiếu chăm sóc vì những lần đi hát ở xa.
🌹Một mình trong căn nhà vắng
Những ngày đầu tiên chị cư ngụ ở thành phố Costa Mesa, rồi dọn về Garden Grove và mua nhà ở đây với các con. Sau khi các con chị thành tài và ra ở riêng, chị phải bán căn nhà vào năm 1999. Hiện Lệ Thu đang ở một căn nhà thuê ở thành phố Fountain Valley, và sống trong cảnh đơn độc. Chị cho biết con cái thương yêu chị rất nhiều, nhưng cũng như các bậc cha mẹ gặp cảnh "nước mắt chảy xuôi," mỗi người con của chị đều có một đời sống riêng, không giúp gì được chị trong một môi trường sống khác biệt hẳn với trước kia.
Những ngày gần đây, tình trạng sức khỏe của chị có phần sa sút nên đã phải từ chối một số lời mời trình diễn. Theo lời bác sĩ điều trị thì Lệ Thu lâm vào một tình trạng căng thẳng quá độ: "Bác sĩ nói là bị stress quá, buồn phiền lo lắng quá. Rồi nó xuống tinh thần, bạch huyết cầu của Thu bị thiếu quá, nên sức đề kháng trong cơ thể không có nữa. Thành ra cái sự bi quan đó nó làm cho bị down."
Có người cho rằng Lệ Thu đã trải qua một cuộc sống buông thả nên đã đưa đến tình trạng sức khỏe như hiện nay. Trước những lời đồn đại như vậy, chị lên tiếng: "Trong suốt cuộc đời của Thu, Thu không bao giờ biết uống chứ không phải nói là uống được một giọt rượu, không bao giờ hít một điếu thuốc lá, không biết hít một hơi thuốc lá chứ đừng nói là một điếu. Và cũng không bao giờ nhấp một ngụm cà phê. Vấn đề không phải là mình kiêng, nhưng mà là không uống được, không làm được!"
Khi nhớ đến khoảng thời gian đầu ở hải ngoại, Lệ Thu đã không dấu được sự tiếc nuối vì không có được những kinh nghiệm của những người đi trước để chuẩn bị cho tương lai mình. Có thể do bản tính lạc quan, chị đã nhìn đời với một con mắt quá dễ dãi: "Bây giờ thì nghề cũng trả thầy mà chữ cũng trả thầy. Lâu quá rồi thì nó cũng lụt đi chứ. Tuy rằng mình có giỏi giang, mình có chữ nghĩa, không bị trở ngại về ngôn ngữ, nhưng mà lớn tuổi rồi, có làm gì được đâu."
Lệ Thu nhìn lại mình, nhìn lại quãng đời đi qua như những thoáng phù du với một niềm bi quan tột cùng. Tâm trạng của chị đã được thể hiện rõ ràng trong một số nhạc phẩm của nữ nhạc sĩ Diệu Hương, trong CD mới nhất với tựa đề "Lặng Nhìn Ta Thôi," phát hành trong năm 1999.
LỆ THU , tiếng hát đầy quyến rũ đã từng là hơi thở của những người yêu nhạc sẽ là một tiếng hát đáng được vinh danh với tất cả ý nghĩa trang trọng của nó.
Trường Kỳ ( 1999)
* *
Lệ Thu (playlist)
*
* *
Lệ Thu Hải Ngoại - Những Tình Khúc Bất Hủ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire