mardi 31 janvier 2023

Sức quyến rũ trường cửu của NHẠC XUÂN MIỀN NAM TRƯỚC 1975: Chiến Tranh, Hoà Bình, Nước Mắt &...cả Nỗi Chết!

Vì sao miền Nam trước 1975 có một dòng nhạc gọi là nhạc Xuân, còn miền Bắc thì không?
Một câu hỏi mà muốn trả lời chắc phải bằng một tiểu luận hoặc 1 quyển sách, một câu hỏi về một lãnh vực mà ngày nay ít nhiều đã bị trùm phủ bởi những trí trá hư-nguỵ.


Chỉ biết rằng cũng chừng ấy bài, từng ấy giọng ca... nhưng nỗi bùi ngùi & cảm hứng “phải” nghe nhạc Xuân thì năm nào cũng là một nỗi bùi ngùi & háo hức mới…Có thể “e Tết lại không rượu mềm môi, không bánh không trà, chẳng hạt dưa”, “không có hoa mai không có hoa đào trang điểm trần ai...Không áo xanh áo đỏ thơm hương”...nhưng nhất thiết phải có…nhạc Xuân….Bắt đầu có thể rất sớm, sau đêm Noel …là…đến mùa nhạc Tết, “hát lên nhân loại trả buồn cho Đông”.
Trước năm 1975, nhạc Việt không màu, bởi trăm nghìn hồng tía nên không ai tô vẽ màu cho âm nhạc. Danh từ “nhạc vàng”cũng ít được sử dụng. Có chăng chỉ có ban Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn do nhạc Phó Quốc Lân phụ trách, “Nhạc vàng”trong chương trình ca nhạc này chỉ mang ý nghĩa những bài nhạc hay, được tuyển chọn cho chương trình này (*), hoặc số hiếm những cuốn băng có ghi nhạc vàng = “chương trình nhạc yêu cầu êm dịu”. Trong khi đó, miền Bắc sau này gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, được dán nhãn chính trị là nhạc “ru ngủ”, “đồi trụy”và “phản động”. Cũng trong ý hướng “bênh vực” cho “thứ” nhạc vàng ròng đó, bài viết ngắn này cũng muốn khơi chuyện thế nào là một nền văn chương & một bề dày âm nhạc miền Nam dát vàng, vàng của vàng son rực rỡ, vàng cùa vàng mười quý hiếm, không phải vàng của vàng vọt ủ ê hay vàng ệch của rã rời bải hoải!
Nói về âm nhạc miền Nam là phải nói về một bối cảnh nghệ thuật rực rỡ nghìn hoa đua nở của tất cả văn học nghệ thuật của bên này vĩ tuyến trong vòng vỏn vẹn chỉ 2 thập niên ngắn ngủi.
Cũng trong cùng 1 vùng cảm thức của “văn chương miền Nam” như vậy, để bàn về lời ca rất đặc sắc của những bài ca Xuân, tôi muốn dựa vào những hình ảnh mà nhà văn Trần Hoài Thư đã phân tích đến rốt ráo và tận cùng ý nghĩa của “nhân bản” qua những góc nhìn/ hình tượng “sáng” lên tính chất này của văn chương miền Nam: Tiếng khóc / Hoà Bình / Cây Súng. Nhạc Xuân cũng có những hình ảnh và những vùng cảm thức như vậy…
Trong đó, hình ảnh tiếng khóc/ cây súng - hai hình ảnh âm u & khốc liệt - lại là (một trong những) điều làm nhạc Xuân khó quên và có chất gây “nghiện” như nó đang và đã là! (và nói như nhà cảm-nhạc-bolero Trần Hữu Ngư: “Một bài hát hay, đứng được với thời gian, người nghe không thể nào quên là nhờ ở lời ca hay nốt nhạc? Có lẽ ca từ là yếu tố quan trọng để khắc ghi hình ảnh, cảm xúc… rồi nhờ giai điệu (mélodie) chuyển tải vào lòng người. “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc”, nếu bài hát chỉ là những nốt nhạc thì nó sẽ trở thành “Những bài quên không bao giờ ca”!”)
Nếu như “Thơ thời chiến không chỉ sắt và máu, là bắn giết, là huy chương. Nó còn mang theo trái tim cùng với ba lô và súng đạn. Trái tim ấy cứng như thép khi lâm trận, nhưng cũng mềm như lụa sau khi hết trận. Người lính miền Nam khác người lính miền Bắc là ở chỗ đó. Văn chương miền Nam cũng khác với văn chương miền Bắc là ở chỗ đó…” (**) như ước mơ đơn giản, ngát hương hoà bình trong bài thơ Một Bông Hồng Nở Giửa Tim Anh – Phạm Cao Hoàng
“…em yêu dấu đây là lần thứ nhất
trong đời mình anh thấy quá hân hoan
anh muốn nói với muôn người trên mặt đất
rằng nơi đây sắp hết điêu tàn
và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên
có thể nào sáng mai trên phố cũ
người ta bảo nhau hôm nay hòa bình
người ta dắt nhau trên đường trẩy hôi
riêng một bông hồng nở giửa tim anh…”
hay Kim Tuấn “những điều ghi được trong giấc ngủ”:
“Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh.
Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.
Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực. Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở. Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.
Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc. Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền. Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh. Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc….”
… thì nhạc Xuân cũng vậy, vẫn cái mộng ước hoà bình buồn và lắng ấy, ước mơ Hoà Bình lớn đến nỗi có 2 tác giả cùng có một ước muốn về 1 mùa Xuân Hoà Bình – 2 tác giả : Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân viết 2 bài cùng chủ đề với những ca từ nghe…buồn muốn khóc !
“Nếu mùa xuân này quê hương HOÀ BÌNH
Người người vui chơi, hội hè suốt đêm suốt sáng
Nếu mùa xuân này quê hương hòa bình
Nhà nhà hân hoan, mừng người thân mình quay về…”
(Nếu Xuân này hoà bình – Nhật Ngân)
“Nếu xuân này hoà bình
Cây nở hoa không chờ đợi mùa
Anh tìm em không cần hẹn hò
Yêu cho đầy ắp đôi tay chờ
Mẹ sẽ giăng đôi tay già nua
Đón con về từ ngoài sa trường
Mừng đầy vơi khóc như trẻ thơ
Cha tìm con giữa đời lạc loài
Con gọi cha xanh lời vụng dại
Cha con cười vỡ đêm Xuân dài”
(Nếu Xuân này hoà bình – Trầm Tử Thiêng)
“Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông HOÀ BÌNH, HOÀ BÌNH
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi”
(Ly rượu mừng – Phạm Đình Chương)
“Anh ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
HẾT RỒI MÙA CHIA LY cho tình Xuân vừa ý
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây”
(Mùa Xuân đầu tiên – Tuấn Khanh)
“Giờ đây, mùa Xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ
Vui ca tung gieo nguồn sống
ĐẮP XÂY TỰ DO…”
(Xuân miền Nam – Văn Phụng)
“Ôi nhớ xuân nào THƯỞ TRỜI YÊN VUI
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi”
(Xuân này con không về - Trịnh Lâm Ngân)
“Đầu Xuân xin chúc QUÊ HƯƠNG YÊN BÌNH thành đô đến nơi đồng xanh,
Ý lành nước non vươn màu xanh mới đón Xuân thắm trong niềm vui ...”
(Đầu Xuân lính chúc – Hoài Linh & Tấn An)
“Tiền đồn heo hút nhắc em kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi "em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?"
Năm nao đêm giao thừa ngày KHÓI LỬA CHƯA KÍN QUÊ HƯƠNG,
Và đôi ta nhỏ bé, thức xem giao thừa,
Kể chuyện vu vơ và thức trong mộng mơ…”
(Phút giao mùa – Trần Thiện Thanh)
“Tôi chúc muôn người mọi đều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng THANH BÌNH
Để người anh lính chiến quay về với gia đình
Tìm vui bên lửa ấm…”
(Cánh thiệp đầu Xuân – Lê Dinh & Minh Kỳ)
"Đợi hai ba năm nữa, QUÊ MÌNH THÔI KHÓI LỬA,
mời xuân đến với tôi, giờ còn nặng hai vai,
thân chinh nhân hồ hải, hỏi xuân có gì vui,
(Tôi chưa có mùa Xuân – Châu Kỳ)
Và tiếp sau, hãy nói đến một điều thú vị trong nhạc Xuân (mùa lẽ ra phải vui, thế mà….):tiếng khóc, tiếng khóc bùng trỗi dậy và ướt đẫm những bài nhạc Xuân.
Hình ảnh của nước mắt, của đau đớn trở thành “nhân bản” và …tình cảm thế nào…trong nhạc Tết?
Cũng như trong văn chương thời chiến:
“Về phương diện vật lý, tiếng khóc, làm rung bần bật đôi vai mềm, làm môi vị mặn, làm đôi mắt sưng vù. Nhưng về phương diện tinh thần, những giọt nước mắt chính là những giọt nước cứu rỗi. Con tim bị đau, bị cứa… thì tiếng khóc phải bật ra, phải ào tuôn, phải làm đá phải mòn, phải khóc để mà chia sẻ. Đó là phương thuốc cứu rổi mầu nhiệm.
Và đó có lẽ là lý do thi ca thời chiến miền Nam lai láng những tiếng khóc…” 
 “Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu”
(Lê Thị Ý, Thương Ca 1)
Không phải là những tiến lên, những xung phong, những nhanh tay gặt lúa, những vui mừng khanh khách đủ chỉ tiêu cho một mùa Xuân vinh quang & thắng lợi… Nỗi buồn trong nhạc Xuân, từ những bài hát cũ, nhưng năm nào nghe lại cũng mới…là một thứ đặc sản giản dị mà sang cả của miền Nam, nỗi buồn (& mộng ước hoà bình như đã viết ở trên) là hai phương tiện cứu rỗi tâm hồn của người miền Nam khi Tết đến Xuân về. Nhạc (Xuân) miền Nam là loại nhạc đứng về phía nỗi buồn, về phía nước mắt, về cả phía …những cái chết (lạ lùng thay, người ta thường tránh nói về mất mát trong 3 ngày tết 4 ngày Xuân, nhưng nhạc Xuân thì được ưu ái…chừa ra, khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta…” vui Xuân” bằng cách mở nhạc Xuân, và trong nhạc Xuân…có cả nỗi chết!!!)
Hãy nghe lại đi, hãy nhìn lại đi: ràn rụa lệ tuôn, ràn rụa thâm âm của nỗi buồn, nhưng buồn không phải để héo úa, mà là buồn để mãn khai, để đón chờ, để con tin rung lên, để “suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa Xuân”, khóc để “ta đón đợi Xuân Hồng ngày mai”…À, mà có khóc đâu, đó là nụ cười với nàng Xuân đấy chứ : “Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men”:
“Bàn tay nâng niu hoa cúc/ Bàn tay hiu hắt GIỌT LỆ ĐẦY” (Mùa Xuân đó có em – Anh Việt Thu)
“ Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho XÁC CHẾT ngậm cười, cho NƯỚC MẮT thôi rơi.”
(Đan áo mùa Xuân – Phạm Thế Mỹ)
“Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đâm bông
Riêng ai buồn thương hắt hiu còn trông mong
Và Xuân thay áo mấy mùa đợi chờ
MẮT HUYỀN LỆ RƯNG RƯNG, sầu héo đến bao giờ”
(Xuân tha hương – Phạm Đình Chương)
“Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn Xuân về lòng BUỒN MÊNH MANG”
(Mùa Xuân của mẹ - Trịnh Lâm Ngân)
“Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
BUỒN TÌM VỀ tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây”
(Nhớ một chiều Xuân – Nguyễn Văn Đông)
“Anh ơi em là hoa hoa biết nói
Giữa tuổi Xuân thắm tươi
Vẫn không yêu kiếp người .
Anh đi trong ngày Xuân hay bóng tối
Hồn em như chới với
Mắt em như LỆ RƠI”
(Những kiếp hoa Xuân – Anh Bằng)
“Con đã thấy mùa Xuân trong lòng mẹ
Mẹ đã tìm mùa Xuân trong mắt cha
Mẹ RƯNG RƯNG ôm Xuân nồng hội ngộ
Cha mừng Xuân trong sắc áo sương pha”
(Tôi đã gặp mùa Xuân – Trầm Tử Thiêng)
“Xuân tôi ơi ! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai CHẾT trong địa cầu” (Xuân ca – Phạm Duy)
“Bài Xuân này xin hát quanh năm
Hát say mê reo mời Xuân về
áo đua bay theo mùa hội hè
Tìm gặp đây lao xao tâm sự
chuyện thời xưa thời loạn ly
Hát suy tôn ƠN NGƯỜI DƯỚI MỘ
đã xuôi tay môi cười xong nợ
rời mùa Xuân tìm mùa Xuân”
(Bài Xuân này xin hát quanh năm – Trầm Tử Thiêng)
“Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ RƯNG RƯNG lòng nhớ thương” (Xuân thì – Phạm Duy)
...
Và cây súng? Một vật vô tri vô giác nhưng là biểu tượng thảm khốc của chết chóc, của chiến tranh..., thế mà trong văn chương miền Nam, nó có hồn, nó rưng rức, nó chấp nhận căn phần trong một định mệnh bên này không muốn…
“hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không? “
(Nguyễn Dương Quang – Đêm cuối năm viết cho má)
“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
(Chiến tranh Việt Nam – Nguyễn Bắc Sơn)
Cái sự “uỷ mị” “nhân bản” ấy, phải chăng làm thành thứ “nhạc vàng” và một “bên thua cuộc”… Súng không còn là vật tiêu diệt, mà giờ súng ở đó, như một bầu bạn, như một nhân chứng, như một chia sớt …
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoá lá rơi” (Phiên gác đêm Xuân – Nguyễn Văn Đông)
“ Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.” (Đan áo mùa Xuân – Phạm Thế Mỹ)
“E Tết lại không rượu mềm môi
Không bánh không trà chẳng hạt dưa
Chắc lại mừng Xuân bằng quân lương khô
Ðón giao thừa bằng đèn hỏa châu rơi” (Thư Xuân trên rừng cao – Trịnh Lâm Ngân)
“Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời

Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa…” (Xuân thì – Phạm Duy)
...
Ừ, mà sao lạ nhỉ? Người ta không thấy ...hân hoan, không thấy muốn ...quay trở về, không thấy muốn ngồi xuống chiêm nghiệm lại thăng trầm 1 năm, muốn thắp một nén nhang cho những người đã khuất, muốn sắm sửa thêm cho gia đình một món gì đó, muốn mua cho đàn em chút quà mọn ngày đầu năm, muốn quên đi những chuyện không may, và không hay đã xảy ra khi.... nghe "Mùa xuân này về trên quê ta..."...hay "Lặng nghe nước reo âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng" hoặc "Mùa xuân người cầm súng lộc giắc đầy trên lưng /Mùa xuân người ra đồng trải dài nương lúa ", mà người ta cứ nghe ba cái nhạc Xuân gì xưa cũ.
Nhạc Xuân gì xưa như trái đất, nghe (tưởng) sầu thúi ruột nhưng hay…ve kêu!

“Tôi xin cảm ơn người
Cảm ơn ai, đã đem.. luyến thương.. nồng ấm... đến với...” nhân gian!

Nguyễn Trường Trung Huy
huyvespa@gmail.com
Đêm 30 giao thừa (Tết Dương Lịch), “niềm vui đến không bến bờ…”

P/s: Tất cả những điều nói ra trên đây, đều bắt gặp trong chùm ca khúc Xuân của Trầm Tử Thiêng, tính ra ông có khá nhiều bài nhạc Xuân từ trong nước ra đến hải ngoại, xin được làm 1 collection và tặng mọi người (tính ra các bài Xuân của ông, vài bài thoạt nhìn là nhớ ra ngay và tưởng là có nhiều version chính thức ở hải ngoại, nhưng thật ra cũng khá hiếm, vd như Mùa Xuân Trên Cao chỉ có 2-3 version, hoặc bài Mùa Xuân Đi Qua (TTT lấy bút danh Tôn Nữ Thuận An - và hình như là bài duy nhất ông viết với bút danh Tôn Nữ này) hay Mùa Xuân Không Đợi sau 1975, mỗi bài chỉ có 1 version (Hồng Hạnh thu trong CD Lời đầu năm cho con bài Mùa Xuân Đi Qua, Khánh Ly thâu trong CD Asia Tết bài Mùa Xuân Không Đợi …), hoặc Tôi Đã Gặp Mùa Xuân cũng ít ca sĩ thu (Hương Lan, Ngọc Lan….), bài Bài Xuân Này Xin Hát Quanh Năm chỉ có version Khánh Ly hát trong tape Shotgun Xuân 1975. Một điều thú vị là có 2 bài Nếu Xuân Này Hoà Bình – 1 của Trầm Tử Thiêng, 1 của Trịnh Lâm Ngân. 
Mùa Xuân Đi Qua -Tôn Nữ Thuận An -Băng Châu
*
*     *
MÙA XUÂN KHÔNG ĐỢI - Trầm Tử Thiêng - Khánh Ly
*
*     *
Mùa Xuân Trên Cao - Phương Dung
*
*     *
Nếu Xuân Này Hòa Bình (Trầm Tử Thiêng - Hồng Hạnh)
*
*     *
Thư Xuân Hải Ngoại | Duy Khánh 
 
Appendix:
(*) có tham khảo nhận xét của Lê Hữu trong “Nhạc vàng: Bên thắng cuộc”
(**) Tính nhân bản trong thơ văn miền Nam thời chiến - Trần Hoài Thư
http://huyvespa.blogspot.com/2020/01/thu-giai-ma-suc-quyen-ru-truong-cuu.html 
 
  
 
 
  
 
 VNX tổng hợp (31/1/2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire