samedi 8 octobre 2022

Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Mỹ Thể – Tiếng hát lưu luyến của một thuở vàng son

Xứ Huế là nơi đã sản sinh ra nhiều giọng hát đã trở thành huyền thoại, từ thế hệ thập niên 1940 là danh ca Minh Trang, Minh Diệu, sau đó là Mộc Lan, Hà Thanh, Thanh Thúy, và Mỹ Thể.

 Mặc dù Mỹ Thể kém danh tiếng nhất trong số những nữ ca sĩ có xuất thân từ Huế, nhưng giọng hát đặc biệt của cô vẫn luôn được khán giả yêu nhạc vàng nhớ đến với những ca khúc Đường Xưa Lối Cũ, Xe Hoa Một Chiếc, Con Đường Xưa Em Đi, Lá Thư Không Gửi…

Mỹ Thể hát Chia Ly (Chuyện Buồn Tình Yêu)

Ca sĩ Mỹ Thể tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể, sinh quán tại Huế. Từ nhỏ bà không nghĩ sẽ đi theo con đường ca hát vì bên nội vốn là dòng dõi hoàng tộc nên rất khó và không cho theo đường ca hát vì quan niệm xướng ca vô loài. Năm lên 2 tuổi, thân phụ của Mỹ Thể qua đời, bà theo mẹ về quê ngoại ở Phan Thiết.

 

Sống cùng với mẹ, vốn là người yêu thi ca và nghệ thuật nên tư tưởng rất cởi mở, Mỹ Thể mê hát từ nhỏ và đã được mẹ khuyến khích khi có ý định theo con đường văn nghệ.


Sau khi học một thời gian ở Phan Thiết, Mỹ Thể vào Sài Gòn năm 1958 khi được 17, 18 tuổi để hoàn thành các lớp bậc trung học ở các trường Việt Nam Học Đường và Gia Long trước khi về lại Phan Thiết. Sau đó, cũng tại đây, Mỹ Thể đã gặp gỡ rồi kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng và sống chung trong 11 năm. Nguyễn Hữu Sáng cũng là một người con của xứ Huế, là em ruột của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, và là tác giả của ca khúc nổi tiếng Sao Em Vô Tình: 

Đã biết em vô tình mà lòng anh vẫn yêu 
Đã biết em hững hờ mà anh vẫn nhớ thương
Mỹ Thể hát Phố Vắng Em Rồi

Ca sĩ Mỹ Thể bắt đầu đi hát từ đầu thập niên 1960, ban đầu là hát trong các chương trình tân nhạc phụ diễn Xổ Số Kiến Thiết, sau đó cộng tác với các chương trình văn nghệ quân đội như Đoàn Văn Nghệ Bảo An cùng những nghệ sĩ quen thuộc khác như Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Việt, Trần Quang, Kim Vui,… Sau thời gian đó Mỹ Thể gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và đoàn Hoa Tình Thương.
Mỹ Thể hát Xe Hoa Một Chiếc

Từ năm 1965 đến 1969, Mỹ Thể cộng tác với các chương trình ca nhạc phát thanh của anh chồng là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và một số ban khác, đồng thời cộng tác với một số phòng trà.
Mỹ Thể hát Đường Xưa Lối Cũ

Từ những 1968 đến 1970, tên tuổi Mỹ Thể bắt đầu nổi bật tại các vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Maxim’s, Palace và Đêm Màu Hồng. Sau khi cộng tác với vũ trường Ritz của Jo Marcel thì tiếng hát của bà đã lên đến đỉnh cao để rồi ngay sau đó được rất nhiều trung tâm băng nhạc mời thu thanh và nhiều vũ trường khác mời hát.
Mỹ Thể hát Khuya Nay Anh Đi Rồi

Ngoài những hoạt động như thu băng hoặc hát ở vũ trường và đài phát thanh, giọng hát đặc biệt của Mỹ Thể còn rất được yêu thích qua các đại nhạc hội và các chương trình truyền hình,…
Mỹ Thể hát Sầu Lẻ Bóng

Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao thì đến năm 1972, Mỹ Thể đã ngưng mọi hoạt động sau khi trình diễn tại hội chợ Thát Luông (Lào) và nghỉ hát luôn cho đến ngày rời Việt Nam ra đi năm 1975.


Sang hải ngoại, ban đầu Mỹ Thể định cư ở Mỹ, video đầu tiên có sự góp mặt của Mỹ Thể ở hải ngoại mang tựa đề “Đường Xưa Lối Cũ”, ngoài ra bà còn góp tiếng trong một số CD khác, đáng kể là CD “Những Buổi Chiều Vàng” và “Ai Lên Xứ Hoa Đào” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 1997.


Năm 1989, Mỹ Thể lập gia đình lần thứ hai với một viên chức ở Pháp và chuyển sang định cư tại đây, bà tiếp tục đi hát và lưu diễn. Năm 1996 thì bà trở lại Mỹ và nghỉ đi hát.


Mỹ Thể đã giã từ cuộc đời vào ngày 08 tháng 10 năm 2000 tại Paris, sau khi được đưa từ Orlando sang để chữa trị căn bệnh ung thư. Cho đến nay, khán giả sẽ không bao giờ quên được tiếng hát tràn đầy tình cảm với cách luyến láy rất đặc trưng của bà.
băng nhạc Mỹ Thể thu âm trước 75

Đông Kha (nhacxua.vn)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire