Trong 3 người thì Hoài Trung có vẻ kém danh tiếng hơn, nhưng khán giả vẫn chưa thể nào quên một giọng tenor với phong cách trình diễn đặc biệt, tiếng hát ngân dài và có khả năng giả tiếng ngựa hí hoặc các âm thanh khác khi hát bè trong hợp ca. Ông cũng có tài chọc cười nên cứ thấy ông xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã cười ồ. Hoài Trung cũng là một diễn viên tham gia trong nhiều phim điện ảnh và thoại kịch.
Ngoài 3 cái tên chủ chốt này, thỉnh thoảng ban Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Hoài Bắc) và cả nhạc sĩ Phạm Duy – là một trong những ca sĩ đầu tiên hát tân nhạc.
Điều đặc biệt của ban Thăng Long là các thành viên đều là những anh chị em họ Phạm (hoặc dâu rể). Thân phụ của họ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung của ban Thăng Long) và 1 người con gái đã không may qua đời sớm khi đi tản cư ở Sơn Tây.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Khi đặt chân vào đến phương Nam, những anh chị em nhà họ Phạm muốn lập một ban nhạc gia đình để đi hát, họ đã chọn cái tên Thăng Long, gợi nhớ về vùng đất Hà Nội, là cố hương gốc gác của họ. Cái tên Thăng Long cũng gắn liền với thời thanh xuân của các anh chị em họ Phạm ở vùng tản cư.
Để nói rõ hơn về nguồn gốc của cái tên Thăng Long, hãy cùng đi ngược về quá khứ vào những năm đầu thập niên 1940, khi ông Phạm Đình Phụng còn ở Hà Nội và mở một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là Mai Lộc. Thuở đó có một câu bé mới 13 tuổi tên là Nguyễn Cao Kỳ thường đến Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline với Phạm Đình Chương 14 tuổi, và Thái Thanh lúc đó mới 9 tuổi thường ngồi một bên để nghe mấy ông anh dạo đàn, thỉnh thoảng còn bị Phạm Đình Chương bắt hát để họ luyện đàn. Nguyễn Cao Kỳ sau đó thành tướng không quân, rồi phó tổng thống, nhưng luôn giữ một tình bạn thâm giao thuở thiếu thời với nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Đến năm 1946, bắt đầu thời kỳ loạn lạc, nhiều gia đình Hà Nội phải dắt díu nhau đi tản cư, ông bà Phạm Đình Phụng cùng 2 người con trai, 3 người con gái ra vùng Sơn Tây, sau đó dừng chân ở một vùng xuôi gọi là Chợ Đại. (Lúc này người con trai đầu là Phạm Đình Sỹ, cùng vợ là Kiều Hạnh, các con là Mai Hương, Bạch Tuyết cũng đã từ Huế ra miền thượng du phía Bắc). Tại Chợ Đại, ông Phụng mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long, bán các món phở và cà phê. Trong những người con của ông bà Phụng có cô gái tên là Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy sau này. (Sau này có người nói rằng Thái Hằng cùng với quán cà phê Thăng Long trở thành nhân vật chính trong ca khúc nổi tiếng Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân).
Trong hồi ký Phạm Duy, ông kể lại:
“Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Quang Thái, vào trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi – đang tản cư ở Chợ Đại – làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình…”
Chỉ một vài năm sau đó, tất cả các anh chị em họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh (lúc này đi hát với tên là Băng Thanh) đều gia nhập các ban văn nghệ quân đội Việt Minh của Liên Khu IV, hai ông bà chủ quán Thăng Long quyết định rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được sống gần gũi các con. Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, thuê lại căn nhà lá và mở một quán phở, vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.
Tháng 5 năm 1951, đại gia đình họ Phạm quyết định “dinh tê” về Hà Nội. Lúc này Phạm Duy đã cưới Thái Hằng, và cùng đi chung còn có gia đình anh cả Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh từ miền thượng du đi xuống. Chỉ 1 tháng sau, đại gia đình Thăng Long quyết định vào vùng đất hứa Sài Gòn để định cư. Tại đây những anh em nhà họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Thanh thành lập ban nhạc lấy tên là Thăng Long, đặt theo tên quán phở gia đình ở vùng Chợ Đại, Chợ Neo trước đây.
Rồi cũng trong một tâm trạng lưu luyến về dĩ vãng chưa xa lắm, Phạm Đình Viêm lấy nghệ danh là Hoài Trung để nhớ về Khu 4, Phạm Đình Chương lấy nghệ danh là Hoài Bắc để nhớ về cố xứ. Còn cô út Băng Thanh chính thức lấy nghệ danh là Thái Thanh cho giống với người chị Thái Hằng.
Lúc này Thái Hằng đã lập gia đình, bận bịu con nhỏ nên không thể theo hát cùng ban Thăng Long thường xuyên, mà chỉ thỉnh thoảng góp mặt. Tương tự là Khánh Ngọc – vợ của Hoài Bắc. Vì vậy nòng cốt của ban Thăng Long thành lập từ những năm 1950 cho đến năm 1975 là 3 người: Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh. Thời gian đầu họ đến cộng tác với đài phát thanh Pháp Á ở đại lộ de La Somme (sau này là đại lộ Hàm Nghi) ở gần góc đường với đường Công Lý. Ban Thăng Long nhanh chóng đạt được thành công với lối hát khác biệt, có phần bè mới lạ và hấp dẫn. Họ lại có nguồn nhạc phong phú được sáng tác “cây nhà lá vườn” bởi 2 tên tuổi lừng danh là Phạm Duy và Phạm Đình Chương, mang được tính thời đại một cách sắc nét.
Ngoài thù lao hát ở đài phát thanh và phòng trà vốn còn rất hạn chế ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, thì ban Thăng Long kiếm sống chủ yếu là tiền thu thanh trong đĩa nhạc, lúc này vẫn còn là đĩa đá, chứ chưa có dĩa nhựa (vinyl) như sau này.
Ban Thăng Long cũng là một trong những ban nhạc/ca sĩ đầu tiên trình diễn theo hình thức phụ diễn ở rạp chiếu bóng. Nghĩa là các ca sĩ lên hát tân nhạc (gọi là phụ diễn) cho khán giả nghe trước khi phim bắt đầu được chiếu. Đầu tiên là rạp Nam Việt ở chợ cũ góc đường de la Somme và Chaigneau (sau này là Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm), lối phụ diễn này của ban Thăng Long thành công ngay lập tức. Ngay sau đó là rạp Văn Cầm ở Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và Thanh Bình ở khu chợ Thái Bình – Quận Nhứt liên tục mời ban hợp ca Thăng Long đến phụ diễn.
Thời điểm đó người Sài Gòn vẫn rất mê cải lương, nhưng tân nhạc bắt đầu được ưa chuộng, mà sân khấu đầu tiên chính là ở các rạp chiếu bóng, vì những người đi xem phim chiếu rạp như vậy đa số là dân Tây học rất thích tân nhạc, nên ban Thăng Long có dịp giới thiệu hàng loạt những sáng tác của Phạm Đình Chương, Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ thời tiền chiến khác.
Từ lối hát phụ diễn này, thừa thắng xông lên, ban Thăng Long tổ chức những Đại Nhạc Hội hát tân nhạc ở các rạp vốn được xem là “lãnh địa” của cải lương như rạp Nguyễn Văn Hảo hay Aristo. Lúc này không chỉ là hát phụ diễn nữa mà chương trình ca diễn của ban Thăng Long phong phú hơn nhiều. Các màn đơn ca, hợp ca, hay nhạc cảnh của ban Thăng Long cùng các nghệ sĩ khác được mời tới diễn chung, như Trần Văn Trạch, Phi Thoàn, Xuân Phát, và cả ban vũ Lưu Bình – Lưu Hồng (sau này gắn bó với Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ).
Với những hoạt động tân nhạc sôi nổi ngay từ khi mới chân ướt chân ráo đến Sài Gòn từ xứ Bắc, có thể nói ban hợp ca Thăng Long đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tân nhạc ở Sài Gòn thập niên 1950. “Quái kiệt” Trần Văn Trạch – người có thời gian cộng tác cùng ban Thăng Long kể lại: “Mỗi xuất hiện của Ban Hợp Ca Thăng Long là một cơn nóng sốt đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”
Đạt được thành công to lớn ở phía Nam, những anh chị em nhà họ Phạm bắt đầu “Bắc tiến”, mà thực ra là sự trở về Thăng Long của ban nhạc mang tên Thăng Long, lúc này cùng theo đoàn hát mang tên là Gió Nam, với ý nghĩa là một làn gió mới đến từ phương Nam để đi trình diễn ở Hà Nội. Vì Nhà Hát Lớn giới hạn về không gian, nên rất nhiều thanh niên không mua được vé, phải trèo qua cửa sổ để nghe Gió Nam hát. Trong những người thanh niên đó có Lê Quỳnh, lúc đó hãy còn rất trẻ và hâm mộ tiếng hát Thái Thanh cuồng nhiệt. Đến sau này, khi di cư vào Sài Gòn năm 1954 và trở thành nam tài tử nổi tiếng bậc nhất Miền Nam, ông đến hỏi cưới Thái Thanh và được gia đình ông Phạm Đình Phụng đồng ý.
Ban Hợp Ca Thăng Long đứng trên đỉnh cao cho đến đầu thập niên 1960 thì có một sự cố đau lòng diễn ra trong nội bộ gia đình họ Phạm đã làm rúng động báo giới Sài Gòn. Vụ việc này có thể ai cũng đã rõ nên xin không tiện nói, chỉ biết rằng sau tai tiếng này, cuộc đời Phạm Đình Chương bước sang một giai đoạn khác. Chia tay vợ với vết thương lòng to lớn, ông sống những ngày gần như cắt đứt mọi sự liên lạc, chỉ tiếp xúc giới hạn với 1 vài bằng hữu thân thiết. Gia đình Phạm Duy cũng rời đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan để về cư xá Chu Mạnh Trinh.
Từ thập niên 1960 trở về sau, Hoài Bắc – Phạm Đình Chương sáng tác rất ít, nếu có thì cũng là những ca khúc u sầu như Người Đi Qua Đời Tôi, Khi Cuộc Tình Đã Chêt, hay Nửa Hồn Thương Đau. Nhiều người nói rằng ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được ông viết ngay sau khi chia tay Khánh Ngọc, nhưng sự thật không phải vậy. Dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài, và ông chỉ sáng tác Nửa Hồn Thương Đau sau đó đúng 10 năm (1970) và được giới thiệu trong cuốn phim điện ảnh Chân Trời Tím qua tiếng hát Thái Thanh, được lồng vào phần trình diễn của minh tinh Kim Vui trong phim.
Cũng từ thập niên 1960, dù không hoạt động sôi nổi như trước, nhưng Ban Hợp Ca Thăng Long vẫn thu băng dĩa và trình diễn ở phòng trà Đêm Màu Hồng do Hoài Bắc Phạm Đình Chương mở ở Hotel Catinat có 2 mặt tiền đường, số 69 Tự Do và số 36 Nguyễn Huệ.
Cuối năm 1974, ban Thăng Long cùng giọng ca Thái Thanh được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện riêng một băng nhạc duy nhất, đó là Sơn Ca 10.
Sau năm 1975, thời cuộc đổi thay, mỗi người mỗi ngả. Thái Thanh kẹt lại ở Việt Nam trong 10 năm, từ 1975 đến năm 1985. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương cũng đến năm 1979 mới sang đến Hoa Kỳ. Năm 1976, Hoài Trung cùng với nghệ sĩ Vũ Huyến (tức nhạc sĩ Vũ Minh, tác giả ca khúc Cô Hàng Nước, và cũng là thành viên AVT hải ngoại) và cô cháu ruột Mai Hương thành lập ban Thăng Long hải ngoại. Từ 3 người Thăng Long năm cũ, giờ chỉ còn một Hoài Trung, cùng cới 2 thành viên mới họ đã tái hiện lại ban hợp ca Thăng Long với những ca khúc đã gắn liền với tuổi, đặc biệt là bài Ngựa Phi Đường Xa ở dưới đây:
Ban Thăng Long hải ngoại trình diễn
Trong bài Ngựa Phi Đường Xa bên trên, chúng ta có thể thấy ông Hoài Trung trình diễn tuyệt kỹ tiếng ngựa hí rất hay đã từng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Khi Hoài Bắc sang Mỹ năm 1979, nghệ sĩ Vũ Huyến trở lại AVT, nhường lại vị trí thành viên ban Thăng Long cho Hoài Bắc – Phạm Đình Chương.
Năm 1991, Hoài Bắc Phạm Đình Chương qua đời ở tuổi 62
Năm 2002, Hoài Trung Phạm Đình Viêm qua đời ở tuổi 83
Đến năm 2020, cô em út Thái Thanh – linh hồn của ban hợp ca Thăng Long qua đời ở tuổi 86. Tháng 11 cùng năm 2020, cô cháu gái của họ là Mai Hương – cũng là thành viên ban Thăng Long hải ngoại – đã về cõi vĩnh hằng. Tất cả những người đã tạo lập thành ban nhạc huyền thoại năm xưa nay đều đã thành người thiên cổ, nhưng tên tuổi và những đóng góp của họ dành cho tân nhạc vẫn trường tồn với thời gian.
Đông Kha (nhacxua.vn)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire