Tuy nhiên Bắc Việt Nam đã bỏ bàn Hội nghị khiến Hoa Kỳ gây áp lực để kéo họ trở lại “nói chuyện hòa bình” bằng một cuộc ném bom dữ dội vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972 và sau đó các phe tham chiến mới quay trở lại Paris để ký một hiệp ước chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình cho Việt Nam có hiệu lực từ ngày 27/01/1973…
Trong thời gian trước và sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ở miền Nam có khá nhiều nhạc sĩ sáng tác những ca khúc mang một niềm hy vọng về ngày hòa bình tươi sáng sắp thành hiện thực!
Mặc dù đoán trước nền hòa bình ở Việt Nam sắp đến cũng chỉ là một sự “mặc cả chính trị” và thực chất cũng chỉ là một nền “hòa bình giả tạo”, nhưng cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, nhạc sĩ Phạm Duy cũng cảm thấy có một “niềm vui” mặc dù cảm giác mong manh khi ông nhận chân ra những chuyến “đi đêm” giữa Kissinger và Chu Ân Lai cũng như với Lê Đức Thọ được báo chí miền Nam đăng tải hồi ấy, ông vẫn sáng tác một loạt gồm 10 ca khúc về hòa bình lấy chủ đề là “Bình ca” và toàn bộ những ca khúc trong tập “Bình ca” này đều do gia đình ông trình bày. Trong 10 bài “Bình ca”, có lẽ Bình ca số 2 hay “Sống sót trở về” là ca khúc sâu lắng nhất nói về những người lính VNCH với hy vọng nền hòa bình diễn ra thì họ sẽ trở về với những công việc bình dị thường ngày với những hoài niệm về một thời chinh chiến đã qua… Tuy nhiên tất cả những hoài bão ước mơ về một nền hòa bình chỉ là ảo vọng khi hơn hai năm sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết thì vẫn còn rất nhiều người lính không có cơ may “sống sót trở về” nữa …
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire