dimanche 5 mai 2019

Việt Nam Hoá Chiến Tranh - Đỗ Văn Phúc

This image has an empty alt attribute; its file name is T54-500x270.jpgBài thuyết trình của cựu Đại Úy Đỗ Văn Phúc tại Hội thảo về Việt Nam do Trung Tâm Việt Nam tổ chức ngày 25-27 tháng 4, 2019 tại Đại Học Texas Tech, Lubbock, Texas.
Kinh nghiệm và Nhận định của một người lính Bộ Binh Việt Nam


Việt Nam Hoá Chiến Tranh - Michael Do  

Phần dẫn nhập: Diễn biến chính của Chiến tranh Việt Nam
1954: Chiến tranh Đông Dương giữa Việt Minh và Pháp chấm dứt bằng Hiệp Định Geneve, đưa đến sự chia cắt nước Việt Nam ra hai miền với hai chế độ đối nghịch.
1954: Du kích Cộng Sản bắt đầu gây khủng bố ở khắp lãnh thổ miền Nam.
1960: Đại Hội 3 của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.
1960: Hoa Kỳ lập Phái bộ Cố vấn và Yểm trợ (Military Assistance Advisory Group, MAAG)
1964: Hoa Kỳ lập Bộ Tư Lệnh Viện Trợ (Military Assistance Command, Vietnam – MACV)
1965: Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân chiến đấu vào miền Nam.
1968: Cộng quân mở chiến dịch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ miền Nam. Trong năm nay, số binh sĩ Hoa Kỳ thương vong lên cao nhất là 14,592 người.
1969: Tổng Thống Richard Nixon đề xướng chính sách Việt Nam Hoá Chiến Tranh VN.
1972: Hoa Kỳ rút hết quân tham chiến khỏi Việt Nam.
1974: Hoa Kỳ cắt viện trợ cho miền Nam.
1975: Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Phần 1: Sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Chiến tranh Việt Nam tuy không có sự tuyên chiến, nhưng được xem là cuộc chiến dài nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.
Vào đầu thập niên 1960, Việt Cộng tổ chức những cuộc tấn công khủng bố tại khắp nơi ở miền Nam, đặc biệt nhắm vào dân thường để đe dọa và lôi kéo họ. Cho đến năm 1963, chúng mới bắt đầu tấn công quân sự qua trận Ấp Bắc ở tỉnh Định Tường. Quân đội miền Nam tại địa phương do yếu kém về tin tức tình báo đã thất thế trong trận này. Tuy thế, nhìn chung, các đơn vị của Quân Lực VNCH vẫn có đủ khả năng phòng thủ chống lại các hoạt động của Cộng quân.
Năm 1963, do nhận định sai lạc về tình hình chính trị miền Nam, Tổng Thống John Kennedy đã có một quyết định lầm lẫn khi bật đèn xanh cho một nhóm tướng tá phản bội, hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lật đổ nền Cộng Hoà đệ nhất. Sau biến cố này, miền Nam rơi vào khoảng trống chính trị, đưa đến hỗn loạn, bất ổn trong những năm kế tiếp. Các tướng tá chỉ lo tranh quyền đã tạo cơ hội cho cộng sản Bắc Việt ồ ạt đổ quân và trang bị vào miền Nam, đẩy đất nước đến bờ bến của sự suy sụp; tạo lý do cho Hoa Kỳ đưa quân trực tiếp tham chiến.
Năm 1965, Tổng Thống Lyndon Johnson ra lệnh Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng.  Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 16 ngàn năm 1964 lên 183,314 người năm 1965 và ở mức cao nhất là 553 ngàn người vào năm 1969.
Phần 2: Tại sao lại có chương trình Việt Nam Hoá Chiến Tranh?
Vào Tết Mậu Thân đầu năm 1968, Việt Cộng và quân Bắc Việt vi phạm thỏa thuận tạm ngưng bắn trong ba ngày Tết cổ truyền. Chúng đồng loạt mở các cuộc tấn công vào các thành thị miền Nam nhưng đã gánh lấy thảm bại với hàng trăm ngàn binh sĩ bị giết chết và hấu hết cơ sở hạ tầng tại miền Nam bị lộ diện và tiêu diệt. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, qua chiến thắng Tết Mậu Thân, đã chứng tỏ sự trưởng thành và khả năng chiến đấu bảo vệ miền Nam.
Tuy nhiên, vì sự thiếu tin tức hay tin tức bị xuyên tạc bởi báo chí tả khuynh, công luận Hoa Kỳ coi biến cố Mậu Thân là sự thất bại của Hoa Kỳ và đồng minh. Theo họ, đồng minh đã không có khả năng ngăn ngừa cuộc tổng tấn công! Thêm vào đó, con số binh sĩ Hoa Kỳ tử trận trong năm này lên tới 14,592 người đã tạo làn sóng chống đối mạnh mẽ. Họ áp lực lên chính phủ và quốc hội để chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Ứng cử viên Richard Nixon trong mùa bầu cử cuối năm 1968 cũng đã hứa hẹn chấm dứt sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi ngồi vào Toà Bạch Cung, Tổng Thống Nixon đã cùng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đề ra chính sách lấy tên do Bộ Trưỏng Quốc Phòng Melvin Laird đề nghị. Đó là Việt Nam Hoá chiến tranh. Chương trình này nhằm vào việc: ”Tăng cường quân số, trang bị và huấn luyện cho quân lực VNCH để họ đảm nhận nhiệm vụ chính trong chiến đấu; cùng lúc sẽ giảm dần quân chiến đấu Hoa Kỳ.” Nixon nhấn mạnh hai mục tiêu chính của chương trình trong bài diễn văn truyền hình ngày 3 tháng 11, 1969 như sau: “Gia tăng quân số, trang bị tiếp liệu, khả năng lãnh đạo chỉ huy, và khả năng chiến đấu của Quân Lực VNCH. Đồng thời, nới rộng thêm các chương trình bình định tại miền Nam Việt Nam.”
Phần 3: Vài kinh nghiệm trong năm đầu của kế hoạch Việt Nam Hoá.
Có một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên khi khoá 1 của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị mãn khoá vào đầu năm 1969 rơi vào năm đầu của kế hoạch Việt Nam Hoá. Hầu hết trong 168 tân sĩ quan CTCT được đưa ra một số trung đoàn thuộc các sư đoàn bộ binh bị xem là yếu kém của Quân Lực trong đó các sư doàn 2, 5, 9, 18, 23 và Liên Đoàn 5 Biệt Động. Riêng Sư Đoàn 5 BB, trấn nhậm một khu vực hiểm nghèo và đang bị vấn nạn đào ngũ nghiêm trọng, đã nhận 39 sĩ quan CTCT phân phối đến đủ 39 đại đội tác chiến. Những sĩ quan này có nhiệm vụ phát động các phong trào nhằm gia tăng tinh thần binh sĩ, giảm bớt nạn đào ngũ.
Sư Đoàn 5 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn 3 ở miền đông Nam phần, chịu trách nhiệm hành quân trong một vùng rộng lớn gần 5000 dặm vuông của ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Bao quanh vài thị trấn, quận lỵ nhỏ là những khu rừng bạt ngàn, rậm rạp, là nơi mà du kích cộng sản từng lập những mật khu hiểm nghèo của chúng từ thời chống Pháp. Trước năm 1969, vùng lãnh thổ này do Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ (biệt danh Big Red One) và Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ (1st Calvary) đảm trách. Riêng Sư Đoàn 1 BB chỉ trong chưa tới 4 năm chiến đấu tại đây, đã tổn thất hết 6,146 binh sĩ tử trận, hơn 16 ngàn bị thương và khoảng 20 binh sĩ bị địch bắt làm tù binh.
Trong năm 1969, chúng tôi có rất nhiều dịp hành quân chung với Sư Đoàn 1 BB Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 4/8 Việt Nam phối hợp với Tiểu Đoàn 2/28 Hoa Kỳ trong các hành quân lùng và diệt (search and destroy). Chúng tôi cùng đóng trong một căn cứ Gela, là căn cứ lớn nhất trong hệ thống các căn cứ hoả lực đủ tầm yểm trợ cho các đơn vị hoạt động trong vùng. Tại đây có các pháo đội đại bác 155 ly gồm 3 khẩu và 105 ly gồm 6 khẩu. Mỗi ngày, 4 đại đội (hai Việt, hai Mỹ) được trực thăng vận thả xuống những điểm cách căn cứ khoảng 15 cây số. Từ đó, di chuyển trở ngược về căn cứ, lục soát hàng chục mục tiêu được ấn định. Các đơn vị này sẽ về đến căn cứ vào lúc chiều tối để phòng thủ. Ngoài ra, còn có 2 đại đội khác được thả vào một vùng khác để hành quân lục soát dài ngày, thường là 15 ngày mỗi đợt. Trong mỗi đại đội bộ binh Việt Nam, có 1 trung đội Mỹ tăng cường; và trái lại, một trung đội Việt của đại đội đó thì được biệt phái cho đại đội của Mỹ. Nhờ những cuộc hành quân chung này, hai bên học hỏi được nhiều từ các bạn đồng minh của mình.
Cuối năm 1969, các đơn vị Việt Mỹ tái thiết con đường Liên Tỉnh Lộ 13 dài hơn 90 cây số từ Phú Giáo (Bình Dương) đến Phước Bình (Phước Long). Con đường này bỏ hoang từ hàng chục năm trước. Nền nhựa của mặt đường bị bom đạn cày nát, lỗ chỗ hố đạn, hố mìn. Bià rừng hai bên đường được khai quang bằng chất da cam một khoảng gần 100 mét bề ngang. Mỗi tháng vài lần, các chuyến xe đò chở khách và xe hàng liều lĩnh đánh bạc với tử thần để vượt qua con đường này. Trước đây, ngoài việc bị nổ tung do mìn, các xe cộ thường bị Việt Cộng chận lại để tuyên truyền, bắt giữ những đàn ông chúng tình nghi là quân, cán chính miền Nam, hay bắt các thanh niên mới lớn theo chúng để bổ sung quân số. Tiểu đoàn chúng tôi hành quân chung với một Chi đoàn chiến xa thuộc Thiết Đoàn 1 giữ an ninh một quảng đường dài 16 cây số. Chúng tôi thường bị Việt Cộng phục kích ở các khúc quẹo nhưng nhờ tinh thần binh sĩ hăng say và hoả lực yểm trợ mạnh, chúng tôi thường đẩy lui các cuộc phục kích đó, giết nhiều cán binh chính quy Bắc Việt.
Năm 1969 là năm cuối cùng chúng tôi có cố vấn Mỹ đi theo trong các cuộc hành quân.
Vào đầu năm 1970, Sư Đoàn 1 BB Mỹ di chuyển về Dĩ An chờ hồi hương giao căn cứ Lai Khê lại cho Việt Nam. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB cùng các đơn vị yểm trợ thống thuộc và Trung Đoàn 8 Bộ Binh tiếp nhận và dọn vào nhà mới.
Là một đồn điền cao su rộng lớn về hướng bắc cách Sài Gòn khoảng 50 cây số, Lai Khê với chu vi hơn 15 cây số, là một trong những siêu căn cứ quân sự ở miền Nam. Ngay cổng chính nam Lai Khê, lính Mỹ treo một bảng hiệu “Chào mừng quý vị đến thành phố hoả tiễn” (welcome to the rocket city). Vì Lai Khê cũng lại là căn cứ hứng chịu nhiều cuộc pháo kích nhất. Đa phần trong ngày, Việt Cộng bắn vào căn cứ ít nhất 3, 4 đợt gồm đủ loại hoả tiễn 107, 122 ly; vào ban đêm, chúng tặng thêm cũng vài đợt khác. Chỉ có căn cứ Khe Sanh trong cuộc bao vây 1972 mới qua mặt Lai khê về số lượng pháo bắn vào.
Cái khó khăn lớn nhất của Sư Đoàn 5 BB Việt Nam là vừa duy trì trách nhiệm thường lệ, nay nhận thêm trách nhiệm thay thế một lúc hai sư đoàn Mỹ mà trong đó Sư Đoàn 1 BB lại là sư đoàn có quân số và trang bị cao hơn bất cứ sư đoàn bộ binh nào khác của lục quân Mỹ. Để phòng thủ một căn cứ quá rộng như Lai Khê, Sư Đoàn 5 BB Việt Nam phải sử dụng gần hết một phần năm quân số chiến đấu. Số quân còn lại phải chia ra gánh vác một lãnh thổ mà trước đây là do ba sư đoàn (hai Mỹ, một Việt) đảm trách.
Vào tháng 4 năm 1970, Hoa Kỳ và Việt Nam song hành mở cuộc Hành Quân Toàn Thắng đánh sâu vào lãnh thổ Cambodia. Đây là cuộc hành quân quy mô nhất mà Quân Lực VNCH tổ chức và phối hợp chỉ huy. Quân bộ và thiết giáp đồng minh đã tấn công bất ngờ vào vùng hậu cứ an toàn của địch nên chiếm nhiều căn cứ hậu cần, tịch thu hàng trăm tấn súng đạn và luơng thực. Nhưng rất tiếc, khi các đơn vị bộ binh Mỹ chỉ còn cách trung tâm đầu não của Trung Ương Cục Miền Nam thì nhận được lệnh phải dừng lại và quay trở về. Đó là do tin tức về cuộc hành quân bị tiết lộ và Quốc Hội Mỹ cho rằng vi phạm các điều khoản về luật lệ hành quân ở ngoại quốc (Foreign Military Sales Act). Qua đầu năm 1971, Quân Đoàn 3 lại mở cuộc Hành Quân Toàn Thắng khác thọc sâu vào các tỉnh của Cambodia sát biên giới với Việt Nam. Tiểu đoàn chúng tôi ba lần giao tranh với Trung đoàn 174, Công Trường 5 Bắc Việt và lần nào cũng thắng đậm. 
Nhận định về kế hoạch Việt Nam Hoá.
Ai cũng phải thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là sự xung đột mang tính chất ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và lý tưởng tự do dân chủ. Nhưng đối với dân chúng Việt Nam mà đại đa số là nông dân ít học, không có nhận thức gì về chính trị và cũng chẳng mấy quan tâm; thì đem cộng sản quốc gia ra giải bày không mang kết quả. Đối với dân chúng, sau hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, họ có ác cảm với bất cứ người Tây Phương nào đến Việt Nam mà họ xem là những kẻ đi xâm lăng, đô hộ và bóc lột. Chính từ cách nhìn này mà bọn kẻ thù của chúng ta che dấu lý lịch cộng sản để khoác lên bộ mặt yêu nước chống ngoại xâm. Khi người Mỹ can thiệp vào Việt Nam, cộng sản đã thành công khi cưỡng đoạt chính nghĩa với chiêu bài “Chống Mỹ Cứu Nước.” Trong khi đó thì những khẩu hiệu chống cộng bảo vệ tự do dân chủ của chính phủ VNCH rất mơ hồ, rất khó hấp dẫn người nông dân chưa hề nghe, biết gì đến chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, có thể nói tóm tắt rằng Việt Cộng thắng được là nhờ sự lừa bịp và các hoạt động khủng bố; trong khi miền Nam thì không hoằng dương được chính nghĩa tự do dân chủ mà còn bị truyền thong Hoa Kỳ xuyên tạc, bôi nhọ. Trong 21 năm, quân dân miền Nam đã là nhân chứng của nạn diệt chủng do cộng sản thực hiện. Chúng giết người một cách vô tội vạ, không nương tay. Nhưng những hành vi này đã không được thế giới biết đến. Nhờ những hoạt động tuyên truyền xảo trá, chúng đã lừa bịp cả quốc tế và ngay cả công luận Hoa Kỳ. Hậu quả là miền Nam đã nhiều lần bị những cú dao đâm sau lưng từ giới truyền thông và chính khách đồng minh Mỹ.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào, yếu tố quyết định cho sự thắng lợi là sự quyết tâm, nhất quán trong sách lược và bền bỉ trong chiến đấu. Dù cộng sản miền Nam, ghép chung với Bắc Việt, cho thêm cả Trung Cộng, cũng chẳng thể nào so với Hoa Kỳ về tiềm lực quân sự; nhưng Hoa Kỳ đã không thắng được Việt Cộng, cũng chỉ vì Hoa Kỳ kém xa kẻ địch về sự quyết tâm chiến thắng.
Phía cộng sản, từ khi khởi động cho đến khi kết thúc cuộc chiến, chỉ có một sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng Sản; trong khi về phía Hoa Kỳ, trải qua 5 đời Tổng Thống mà mỗi vị đều có những chính sách khác nhau. Ngay cả trong một đời Tổng Thống cũng có khi chính sách thay đổi cho phù hợp với đòi hỏi của công luận. Khi ra tranh cử, hứa hẹn thế này, nhưng khi cầm quyền lại làm thế kia. Cùng một vị, khi thì tuyên bố ồn ào quyết tâm chiến thắng ở Việt Nam, thời gian sau thì đòi rút quân, xuống thang chiến tranh. Những sự thay đổi trong sách lược chiến tranh như đã nuôi dưỡng tiếp sức cho kẻ địch hồi phục nhanh chóng để sau cùng ngoài tầm cưỡng chế của chúng ta.
Đến năm 1964, Tổng Thống Kennedy và cả Tổng Thống Johnson đều cho rằng nên để cho người Việt chiến đấu vì “đó là cuộc chiến của họ[1]”, “để cho thanh niên Á Châu tự đánh lấy[2]”. Nhưng chỉ vài tháng sau, đầu năm 1965, khi được bầu lại vào Bạch Cung, Tổng Thống Johnson gia tăng nỗ lực chiến tranh và gửi quân tác chiến vào Việt Nam[3]!
Những lời tuyên bố tiền hậu bất nhất của các lãnh tụ Mỹ cho thấy Hoa Kỳ không có quyết tâm giành chiến thắng. Họ bỏ cuộc vì biết không thể thắng được trong một cuộc chiến dai dẳng với một kẻ thù lì lợm. Nhất là sau cuộc viếng thăm Hoa Lục năm 1972, Tổng Thống Nixon đã không còn xem miền Nam Việt Nam như một tiền đồn chống cộng của thế giới tự do nữa. Quốc Hội Mỹ do đảng Dân Chủ cầm đầu, năm 1974 đã nhẫn tâm giáng xuống lưỡi gươm cắt viện trợ, khai tử Việt Nam Cộng Hoà.
Khi bàn về mặt chiến lược, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng phe đồng minh trong suốt cuộc chiến chỉ áp dụng những chiến lược có tính phòng thủ hơn là tạo thế tấn công. Hoa Kỳ đã đánh mất nhiều cơ hội để chiến thắng. Chúng ta đã có nhiều lần dừng tay khi sắp đẩy quân thù xuống vực sâu của thảm bại! Vụ rút quân Mỹ khi chi còn vài cây số là ập vào tiêu diệt Trung Ương Cục miền nam là một thí dụ.
Chúng ta đánh nhau với một kẻ địch mà chúng ta chẳng biết chúng ở đâu, đông ít thế nào, phòng thủ ra sao? Chúng ta đi “tìm và diệt” nhưng cứ phơi mình ngoài ánh sáng để mò mẫm đi tìm chúng trong bóng tối! Ngược lại, kẻ địch biết chúng ta từ đường tơ kẽ tóc. Chúng sẽ né tránh khi không ở trong lợi thế mà chờ chúng ta đi lọt vào một trận địa do chúng chọn sẵn. Chúng sẽ huy động một quân số áp đảo có khi lên đến 10 chọi một. Trận địa pháo cũng dàn sẵn, chỉ chờ đúng lúc là tiền pháo, hậu xung với nhiều đợt biển người. Trong hoàn cảnh đó, quân ta phải cật lực lắm, gan dạ lắm và cũng phải may mắn lắm mới đương cự và sống sót!
Dù can trường, quân lực VNCH cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều yếu tố làm cho khả năng chiến đấu suy giảm. Lẽ ra, Hoa Kỳ nên ngay từ đầu, để cho quân đội Việt nam tự chiến đấu. Họ cần giúp đỡ tận tình về vũ khí, trang bị không để thua kém đối phương. Vì hạnh phúc, an ninh của cá nhân, gia đình và đất nước thanh niên Việt Nam có khả năng tự học hỏi, tự chiến đấu mà klhông phải lệ thuộc vào ai. Người lính Việt Nam đã bền bỉ chiến đấu hàng hai chục năm, sức chịu đựng và sự can trường từng được chứng minh rõ rệt qua các trận Huế, Quảng Trị, An Lộc, Tống Lê Chân…
Hơn hai trăm ngàn binh sĩ VNCH hy sinh trên chiến trường. Chính phủ Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận tinh thần chiến đấu của QLVNCH qua việc ân thưởng cho hàng ngàn quân nhân Việt Nam nhiều loại huy chương chiến công như Navy Cross, Air Medal, Silver star, Bronze star, Army Commendation, Đặc biệt, nhiều đơn vị QLVNCH được thưởng cả huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ. Sự hy sinh và lòng quả cảm của họ phải được ghi nhận.
Kết luận
Nhìn lại lịch sử cuộc chiến, chúng ta thấy có hàng ngàn thắc mắc, nuối tiếc nếu như các diễn biến đã xảy ra khác đi. Lịch sử có thể đã xoay chiều:
Nếu như Hoa Kỳ bền bỉ oanh kích phá nát con đường mòn Hồ Chí Minh để triệt tiêu tiếp vận của Bắc Việt đưa vào Nam?
Nếu như quân đội Mỹ không bị gọi giật lại, mà vẫn tiến vào Trung Ương Cục, tàn sát hết bọn lãnh đạo cộng sản chóp bu?
Nếu như Tổng Thống Hoa Kỳ không ra lệnh ngừng ném bom Hà Nội và Hải Phòng đêm Giáng Sinh 1972, khi mà nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt sắp phải đầu hàng vì kiệt quệ.
Nếu như Quốc Hội Hoa Kỳ không cắt hết viện trợ cho Quân lực Việt Nam để tiếp tục chiến đấu vào đầu năm 1975?
Vào giai đoạn của cuộc hoà đàm Paris, khi muốn thúc ép miền Nam ngồi vào bàn hội nghị, Tổng Thống Nixon đã viết cho Tổng Thống Thiệu hàng chục lá thư, lập đi lập lại những lời hứa hẹn sẽ có phản ứng mạnh về quân sự nếu phía cộng sản vi phạm các điều khoàn[4], nhưng đồng thời cũng có những lời đe dọa đến sinh mạng Tổng Thống Thiệu[5]. Do sự nôn nóng muốn đạt được thoả ước vì áp lực từ Quốc Hội, Tổng Thống Nixon đã nhượng bộ cho phía Việt Cộng rất nhiều. Hoa Kỳ đồng ý rút hết quân đội ra khỏi miền Nam trong vòng 60 ngày để đổi lấy một cuộc ngưng bắn cấp thời và lời hứa hẹn của phe cộng sản sẽ thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ VNCH cũng như sự hứa hẹn sẽ giải quyết các tranh chấp trong tương lai bằng phương pháp hoà bình qua trung gian của một tổ chức quốc tế.
Nhưng Thoả ước Paris ký chưa ráo mực, Cộng sản đã vi phạm ngay tức khắc bằng cách huy động hàng chục sư đoàn từ miền Bắc ồ ạt tràn qua vĩ tuyến 17, tấn công liên tục các đơn vị VNCH. Buồn thay, Hoa Kỳ phản bội lời hứá và không làm một điều gì để giúp VNCH chống lại. Quân lực VNCH không những thiếu thốn vũ khí, đạn dược mà còn dưới cơ về chiến cụ. (Nhắc lại, quân viện của Hoa Kỳ năm 1973 là 2.8 tỷ, bị cắt xuống còn 300 triệu vào năm 1974. Nhưng người lính tác chiến được cấp phát vài viên đạn để bắn một ngày. Xe tăng, cơ giới, phi cơ không có xăng dầu để chạy).
Như thế, chúng ta thấy rõ mỹ từ Việt Nam Hoá, chẳng qua là sự vuốt mặt, che đậy sự thất bại của một nước siêu cường. Hoa Kỳ đã bỏ cuộc và bỏ rơi cho đồng minh của mình đơn độc chống lại một kẻ thù hùng mạnh có sự giúp sức của hai đồng chí đại cường Liên Sô và Trung Cộng.
Năm 1975, quân Bắc Việt chỉ mất hai tháng từ khi mở màn cuộc tấn công lần chót, để chiếm hết miền Nam!
Để kết thúc, chúng tôi xin nhắc câu nói của chính khách lừng danh người Ý là Niccolo Machiavelli[6]: “Những cuộc chiến bắt đầu từ ý muốn của bạn, nhưng chúng không kết thúc như bạn mong muốn.”
Theo tôi, thắng hay thua một trận đánh là do tài ba dũng cảm của người tham chiến; nhưng thắng hay thua một cuộc chiến là do ý muốn của những chính trị gia ngồi an toàn trong các văn phòng. Thật là tàn nhẫn khi sinh mạng hàng trăm ngàn binh sĩ, cuộc sống của hàng triệu người dân, và số phận của một đất nước bị những kẻ quyền thế sử dụng làm món hàng trao đổi cho quyền lợi chính trị của họ.

[1] “I don’t think that unless a greater effort is made by the government to win popular support that the war can be won out there. In the final analysis, it is their war. They are the ones who have to win it or lose it. We can help them, we can give them equipment, we can send our men out there as advisors, but they have to win it, the people of Vietnam, against the communists.” JOHN F. KENNEDY, interview with Walter Cronkite, September 2, 1963
[2]We are not about to send American boys nine or ten thousand miles away from home to do what Asian boys ought to be doing for themselves.” LYNDON B. JOHNSON, speech at Akron University, October 21, 1964
[3]We do this [escalating U.S. military involvement in Vietnam] in order to slow down aggression. We do this to increase the confidence of the brave people of South Vietnam who have bravely born this brutal battle for so many years with so many casualties. And we do this to convince the leaders of North Vietnam–and all who seek to share their conquest–of a simple fact: We will not be defeated. We will not grow tired. We will not withdraw either openly or under the cloak of a meaningless agreement.” LYNDON B. JOHNSON, speech explaining his decision to send U.S. combat troops to Vietnam, April 7, 1965
[4]You can be completely assured that we will continue to provide your Government with the fullest support, including continued economic aid and whatever military assistance is consistent with the ceasefire provisions of this government…”  President Nixon’s letter to President Thieu October 16, 1972
I repeat my personal assurance to you that the US will react very strongly and rapidly to any violation of the agreement…” Nixon’s letter quoted in US Ambassador Ellsworth Bunker’s letter to President Thieu Nov. 15, 1972
[5]I would urge you to take every measure to avoid the development of an atmosphere which could lead to events similar to those which we abhorred in 1963 and which I personally opposed so vehemently in 1968” Nixon’s letter quoted in Bunker’s letter Oct. 6, 1972
[6]Wars begin where you will, but they do not end where you please” Niccolo Machiavelli

http://michaelpdo.com/2019/03/viet-nam-hoa-chien-tranh/
*
*     *¨¨
Hội thảo Chiến Tranh Vietnam tại Vietnam Center and Archive 
*
*     *
Hội thảo Chiến Tranh Vietnam tại Vietnam Center &  Archive Lubbock năm 2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire