Từ lâu, tôi đã có dịp bày tỏ lòng
ngưỡng mộ và khâm phục về việc đặt tên cho các đường phố tại Sài Gòn vào
năm 1956, ngay sau khi chúng ta dành được độc lập từ tay thực dân Pháp.
Vì đây là một công việc quá xuất sắc và quá hoàn thiện, nên tôi vẫn
đinh ninh rằng đó phải là một công trình do sự đóng góp công sức và trí
tuệ của rất nhiều người, của một ủy ban gồm nhiều học giả, nhiều sử gia,
nhiều nhà văn, nhà báo…
Nhưng
thật là bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc, khi qua tài liệu đính kèm của
tác giả Nguyễn Văn Luân, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử này đã
được hoàn thành bởi… một người. Người đó là ông Ngô Văn Phát, Trưởng
Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh Sài Gòn.
Nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát và việc đặt tên đường phố Sài Gòn
Trong
những năm làm việc tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn, tôi có dịp góp phần trông
coi việc xây dựng và tu bổ đường xá, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Sài Gòn Tây
(Chợ Lớn) gồm 6 quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Sài
Gòn Đông (Sài Gòn) gồm 5 quận 1, 2, 3, 4 và 9. Hàng ngày họp với các ông
cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau
cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ
nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi
gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Qua bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây như:
- Boulevard Charner
- Boulevard Galliéni
- Boulevard Kitchener
- Boulevard Norodom v.v
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho Chính Phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để
đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn
được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt
trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao
nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô
cùng hiếm hoi.
Việc
đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao
cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên Vua “Trần
Nhân Tôn” và Tướng “Trần Hưng Đạo”, người làm dưới trướng của Vua, để
đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi nhỏ
như vậy còn thấy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con
đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc
bấy giờ công việc này được giao cho Ty Kỹ Thuật mà Phòng Hoạ Đồ là phần
hành trực tiếp. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn
Phát**, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ
chức Trưởng Phòng Hoạ Đồ.
Thuần Phong Ngô Văn Phát hình phụ bản Như Việt Lưu
Năm
1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô
Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô
làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con
đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên
đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc
ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng
hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các
đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân
nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với
địa thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái
nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa tình vừa lý,
đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể
ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói
ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
- Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.
- Đường đi ngang qua Bộ Y Tế thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
- Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp Đình Sài Gòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công Lý và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.
- Đại Lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô Chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại Lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
- Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
- Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước của các ngài.
- Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.
- Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa.
- Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.
- Cụ Nguyễn Du, mà thầy đồ Thiệp, người dạy học vỡ lòng cho tôi, khi nói chuyện với cha tôi, bao giờ cũng gọi với danh xưng Cụ Thánh Tiên Điền. Cuốn truyện Kiều của cụ ngày nay được chúng ta dùng như là khuôn mẫu cho tiếng Việt, khi có sự tranh luận về danh từ hay văn phạm, người ta thường trích một câu Kiều làm bằng. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm, lại đi ngang qua công viên đẹp nhất Sài Gòn, vườn Bờ Rô, và đi ngang qua Dinh Độc Lập, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô cũng được đổi tên thành Vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang.
- Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, cũng cho mang tên một con đường ở địa thế rất quan trọng, đi ngang qua một công viên góc đường Tự Do, và đi trước mặt Toà Đô Chánh.
- Trường nữ Trung Học Gia Long lớn nhất Sài Gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Trường nữ mà lại mang tên nam giới! Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn làm một chút gì cho trường nữ Trung Học công lập lớn nhất thủ đô có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Chùa Xá Lợi nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan thấy cũng nhẹ nhàng.
- Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có bệnh viện Da Liễu có lẽ cũng xứng hợp.
Ông Nhà Văn – Trưởng Phòng Họa Đồ quả là sâu sắc.
Rất
tiếc là lúc vào làm việc thì Thuần Phong Ngô Văn Phát đã về hưu nên tôi
không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này mới có dịp đọc tiểu sử của
ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm
được việc quá xuất sắc và hi hữu này.
Cũng chuyện đặt tên đường
Vua
Lê Thánh Tôn đã mở mang bờ cõi nước ta từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình
Định. Rồi sau đó, chúa Nguyễn Hoàng và con cháu đã vượt đèo Cù Mông,
đánh chiếm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vĩnh viễn xóa sổ
nước Chiêm Thành khỏi bản đồ thế giới. Rồi còn tiếp tục mang về cho dân
tộc cả một đồng bằng Nam Phần mênh mông bao la, từ Đồng Nai đến Cà Mau,
Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc…
Cũng phải
kể luôn cả “Hoàng Triều Cương Thổ” (vùng đất mà thực dân Pháp dành
riêng cho các vua nhà Nguyễn) là vùng Cao nguyên Trung phần trù phú màu
mỡ hiện nay. Dĩ nhiên công cuộc mở mang bờ cõi này cũng bao gồm cả các
quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa nữa.
Nghĩa
là hơn một nửa diện tích đất liền của Việt Nam hiện nay là do dòng họ
của Chúa Nguyễn Hoàng đã mang về cho dân tộc Việt Nam!
Riêng
Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, là người đã có công rất lớn trong công
cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là Chúa Hiền Vương đã đóng
góp rất nhiều công sức trong việc bình định và chinh phục vùng đất Gia
Định ngày xưa. Gia định ngày xưa bao gồm Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa,
Vũng Tàu, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long, Long An, Mỹ Tho, Gia Định,
Sài Gòn… bây giờ. Cho nên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lấy tên của
Ngài để đặt cho một trong hai con đường chính từ hướng Bắc dẫn vào trung
tâm Thành Phố Sài Gòn. (Chế độ sau này đã thay Hiền Vương bằng tên của
Võ Thị Sáu – Đường Nguyễn Hoàng bị đổi thành Trần Phú…).
Loại
bỏ tên của Chúa Nguyễn Hoàng, của Chúa Hiền Vương và các vị ân nhân của
dân tộc trong công cuộc Nam Tiến ra khỏi bản đồ Sài Gòn và các thành
phố Miền Nam là điều mà tục ngữ ca dao bình dân gọi là “ăn cháo, đá
bát”.
Đấy là chưa nói tới giấc mộng…
Tây Tiến chưa thành. Hai vị trung thần nhà Nguyễn là Lê Văn Duyệt và
Trương Minh Giảng đã mở mang bờ cõi nước ta tới tận biên giới… Thái Lan
bây giờ, đã thiết lập thêm một Trấn mới là Trấn Tây Thành, (hai Trấn kia
là Trấn Bắc Thành và Trấn Gia Định Thành). Phải chăng chính vì vậy mà
ngay từ khi vừa giành được chủ quyền từ tay thực dân Pháp, hai con đường
lớn từ trung tâm Sài Gòn hướng về Bà Quẹo để sang thẳng đất Miên qua
ngả Gò Dầu, đã được mang tên hai vị Anh Hùng Tây Tiến nổi danh này. Đó
là đường Trương Minh Giảng và đường Lê Văn Duyệt. Phải chăng đó cũng như
là một nhắc nhở cho các thế hệ mai sau về một sứ mạng chưa thành, một
“Mission unaccomplished”…
Vũ Linh Châu và Nguyễn Văn Luân
Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Ai đã đặt tên cho các đường phố Sài Gòn trước 1975?”
Theo TongPhuocHiep.com (Trang web của nhóm cựu học sinh trường trung học Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long)
Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Ai đã đặt tên cho các đường phố Sài Gòn trước 1975?”
Theo TongPhuocHiep.com (Trang web của nhóm cựu học sinh trường trung học Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long)
Tiểu sử nhà văn Ngô Văn Phát:
Nhà văn, nhà họa đồ Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, Tố Phang, Đồ Mơ, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Thuở
nhỏ ông học ở Bạc Liêu, Sài Gòn, đậu bằng Thành Chung rồi nhập ngạch
họa đồ ngành công chánh. Ông ham thích văn chương từ ngày còn ngồi trên
ghế nhà trường, từng có thơ đăng trên Phụ Nữ Tân Văn, họa mười hai bài
Thập Thủ Liên Hoàn của Thương Tân Thị… Có lúc ông dạy Việt Văn tại
trường Pétrus ký Sài Gòn.
Năm 1957 ông
có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia – Britannica ở Luân Đôn (Anh
Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn.
Năm
1964 chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác
cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn). Cùng năm này Trường Cao học
Sorbonne (Paris), ông cũng có chuyên đề Nguyễn Du et la métrique
populaire (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur
Nguyen Du (Tạp luận về Nguyễn Du).
Những năm 70 ông được mời giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.
Ông mất trong năm 1983 tại Sài Gòn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire