samedi 7 avril 2018

‘Chiếc áo sầu hai vạt’ trong những khúc tình ca - Cát Linh, phóng viên RFA

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg0oXHSSklYH9863N7XsWSrEcd9v1LuXNX0uuVpyyaOBAgs7breU2UCjIDnFNdVbBhSpGyGKsEBBSaGR3tPwg-9ZTWnaMILX9xLpOiOhiHXtJ3Fw3OUhpPFR44yU1Kr38Cgyf8tR11CcqU/s400/AoDaiTrenBaiBien.jpgĐã từ lâu, hình ảnh tà áo dài nhẹ nhàng, tha thướt đã gắn liền với cái đẹp của người thiếu nữ Việt Nam. Và cũng chính chiếc áo chỉ với hai tà giản dị đã được khắc hoạ rất nhiều trong âm nhạc Việt Nam. Mỗi một người nhạc sĩ đều có cách riêng để thể hiện cái đẹp của tà áo dài. Có người gắn hình ảnh chiếc áo với một người con gái, có người gắn với một câu chuyện tình, có người khắc họa cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam qua sự biến đổi cùng năm tháng của chiếc áo dài.
Mời quí vị cùng nghe những ca khúc nổi tiếng chuyên chở hình ảnh của chiếc áo hai vạt truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.


‘Chiếc áo sầu hai vạt’ trong những khúc tình ca 
Cát Linh, RFA

 Không phải ngẫu nhiên mà chiếc áo dài của người thiếu nữ Việt Nam lại là hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong sáng tác của các nhạc sĩ Việt. Từ các thi nhân cho đến nhạc sĩ, ít nhất một lần, chiếc áo dài đã được tung bay trong ca từ và giai điệu của các tác phẩm của họ.
Có ai trong chúng ta mà chưa một lần nghe hoặc thầm hát Áo lụa Hà Đông của Ngô Thuỵ Miên phổ thơ Nguyên Sa? Câu chuyện được truyền nhau như cổ tích vì không có nguồn cụ thể, đó là vào năm 1930, một cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở miền Bắc. Cô gái nào cũng được quyền tham dự, với một điều kiện duy nhất, đó là họ phải mặc áo lụa Hà Đông. Người được đăng quang trong cuộc thi ấy là cô thôn nữ xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, có tên gọi là Lý Lệ Hằng, mưu sinh ở Hà Nội bằng nghề hát ở các quán rượu. Cô gái này sau đó trở thành người tình của quốc vương Bảo Đại. Thế nhưng mãi đến 20 năm sau, Nguyên Sa vẫn còn tương tư nét đẹp của cô thôn nữ yêu kiều, và bài thơ Áo lụa Hà Đông đã ra đời.
Điều thú vị là trong Áo lụa Hà Đông, cả Nguyên Sa lẫn Ngô Thuỵ Miên đều  không nhắc rằng chiếc áo làm cho họ thấy nắng Sài Gòn đẹp hơn là chiếc áo dài lụa Hà Đông. Thế nhưng, ca khúc Áo lụa Hà Đông cho đến tận bây giờ đã vô hình trở thành ca khúc nói đến cái đẹp của người thiếu nữ trong tà áo dài Việt Nam.
Khác với Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên đã mượn những vần thơ bay bổng để được đưa em về dưới mưa, được ngắm nhìn áo dài sầu hai vạt khi chấm bùn lưa thưa. Để rồi cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng phải rung động trước hình ảnh hiền hoà ấy, rồi từ đó, ca khúc “Em hiền như Ma-souer” ra đời, nghiễm nhiên trở thành bài ca thú tội cho những anh chàng phải trở thành tội đồ vì yêu.



000_8H69G.jpg

Rất nhiều ca sĩ Việt Nam chọn áo dài làm trang phục duy nhất khi lên sân khấu. (minh họa)
‘Đưa em về dưới mưa Nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ
Chắc ta gần nhau chưa? (Em hiền như Ma-soeur)
“Chiếc áo sầu hai vạt” trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên không những đã làm lay động trái tim của biết bao thanh niên trai tráng bên này sông, bên kia núi; mà còn là hình ảnh ẩn dụ để người nghệ sĩ nói lên cái đẹp của người phụ nữ, hoặc những cuộc tình chưa một lần dám nói.
Đó là nhà thơ Phạm Thiên Thư.
“Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết.”
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay…” (Ngày xưa Hoàng Thị)
Hoàng Thị Ngọ của Phạm Thiên Thư cũng đã được chính cố nhạc sĩ Phạm Duy vẽ thành một bức tranh tuyệt tác ca ngợi nét đẹp học trò của những thiếu nữ trong tà áo dài trắng. Người thiếu nữ với chiếc cặp nhỏ ôm nghiêng cùng với tà áo trắng đi dưới đường mưa nho nhỏ, vai nhỏ tóc dài, theo thời gian đã trở thành kỷ niệm thời áo trắng dành cho tất cả mọi người.
Dường như Ngày xưa Hoàng Thị đã không còn là ca khúc dành riêng cho một Hoàng Thị Ngọ của Phạm Thiên Thư, mà bất cứ ai cũng có thể xao xuyến bồi hồi nhìn thấy lại hình ảnh của mình, của những người bạn trường lớp năm xưa mỗi khi nghe ca khúc này. Ký ức khó phai của một thời mơ mộng.
Nếu Phạm Thiên Thư mượn tà áo dài để nói lên những cảm xúc thầm kín thì Phạm Duy nhìn thấy giấc mơ thanh bình nơi những miền quê hiền hoà qua hai tà áo thướt tha của người thiếu nữ. Đó cũng là tình yêu trong các ca khúc tình ca quê hương của ông.
“Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười…” (Quê Nghèo)
Sẽ không thể tìm thấy chiếc áo dài nào với hai tà thô cứng. Trải qua biết bao năm tháng, áo vẫn giữ nguyên tính chất dịu dàng với hai tà áo đơn sơ. Chiếc áo dài được khắc hoạ như tấm lòng thuỷ chung son sắc. Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã vẽ nên một cuộc đời thăng trầm của chiếc áo, của một đời áo mẹ áo em. Chiếc áo thơm lành dẫu em sống đời quê mùa. Từ áo tứ thân đến áo thắt lưng lụa đào. Từ áo trắng trong của mùa tựu trường đến áo thiên thanh khoác lên ngày bước sang ngang.
“…Được mặc áo dài, thoáng đôi năm em đẹp ngẩn ngơ. Một ngày nắng hồng em sang ngang mặc áo thiên thanh. Tình nào lỡ làng, ai yêu em một lời dấu kín!! Áo bước lên xe hoa, nút tháo đêm tân hôn. Áo trao anh hương trinh đêm vợ chồng. Phận mười hai bến nước, em xin chia tròn ấm lạnh. Đời trải bao mưa nắng, áo phai nhưng tình nào phai...”
Có lẽ cũng chính vì hình ảnh thuỷ chung, cao đẹp của chiếc áo dài đã ngự trị trong thơ nhạc từ bao thế kỷ nay, mà rất nhiều ca sĩ Việt Nam thế hệ trước cũng chọn áo dài làm trang phục duy nhất khi lên sân khấu. Nữ ca sĩ Lệ Thu, một trong những ca sĩ chưa bao giờ chọn một trang phục nào khác ngoài chiếc áo dài mỗi khi trình diễn cho biết, áo dài mang lại cho bà một cảm giác tự tin và gần với khán giả hơn bất kỳ phục trang nào.
“Tôi nghĩ là áo dài đã chọn người Việt Nam. Bao nhiêu năm tôi đi hát là bấy nhiêu năm tôi gắn bó với chiếc áo dài…
Dù chúng ta có đi bất cứ nơi nào, chỉ cần nhìn thấy một vạt áo dài mềm mại, là chúng ta đã thấy một trời quê hương ở đó. Dù có trải qua bao nhiêu tháng năm nữa, chiếc áo sầu hai vạt ngày xưa của Nguyễn Tất Nhiên mãi mãi là người tình thuỷ chung của người nghệ sĩ, là kỷ niệm đáng yêu của tuổi học trò, là hình ảnh tôn vinh cái đẹp của người thiếu nữ Việt Nam.
*
*     *
Mother’s day: Những lời Hát Ru của Mẹ 
Cát Linh, RFA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire