dimanche 23 août 2020

”Một chút giai thoại về bài hát Mộng Dưới Hoa”

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng tân nhạc Việt Nam – đây tôi không có tham vọng trình bày về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng v,v…, ông bèn âm ư nho nhỏ trong miệng, rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy.


Khi phần nhạc đã hoàn chỉnh thì chỉ có một số lời thơ được giữ nguyên văn, ngoài ra chính ông và thi sĩ Đinh Hùng đã gọt giũa lại rất nhiều. Đến phần điệp khúc, thì cấu trúc của bản nhạc lại thay đổi, không thể dùng 7 chữ được vì chỉ có 6 nốt, nên ông đã yêu cầu Đinh Hùng đặt lời mới cho đoạn đó. Dĩ nhiên công việc này không quá khó khăn với nhà thơ và cũng có phần đóng góp của chính Phạm Đình Chương. Từ đó hai đoạn điệp khúc 6 chữ đã được lồng vào giữa bài hát, một cách rất khéo léo, tự nhiên và nhất quán, nghĩa là vẫn giữ được không khí rất lãng mạn và cổ điển của bài thơ.
Nhớ lại hồi còn ở trong nước, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, vợ chồng tôi đều đến phòng trà Đêm Màu Hồng để nghe ban Thăng Long trình diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe chính tác giả bài hát này. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi.” Nói xong câu đó ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.
Có thể nói bài hát Mộng Dưới Hoa là một hòa hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc của hai người bạn và cũng là hai thiên tài về thi ca và âm nhạc của chúng ta. Đây cũng là một trong những bản tình ca tuyệt đẹp của nền tân nhạc Viêt Nam. Tuy nhiên trong tuyển tập 20 bài thơ phổ nhạc nhan đề MỘNG DƯỚI HOA xuất bản năm 1991 tại Orange County, Phạm Đình Chương lại ghi chú tên bài thơ là Dưới Hoa Thiên Lý. Có thể nhạc sĩ đã nhớ lầm chăng?
Sau đây chúng ta thử đọc lại cả nguyên bản bài thơ và phần lời của bản nhạc.
Nguyên bản bài thơ: Tự Tình Dưới Hoa
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng.
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say.
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi.
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi.
Em muốn đôi ta mộng chốn nào?
Ước nguyện đã có gác trăng sao.
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào.
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Dành riêng em đấy. Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa.
Rồi buổi ưu sầu em với tôi,
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đi.
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.
Lời bài hát: Mộng Dưới Hoa
Lời 1:
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng,
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Âu yếm nhìn tôi không nói năng.

Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ,
Mây ngàn gió núi đọng trên mi.
Áo bay mở khép nghìn tâm sự,
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi.

Nếu bước chân ngà có mỏi,
Xin em dựa sát lòng anh,
Ta đi vào tận rừng xanh,
Vớt cánh rong vàng bên suối.

Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu,
 Đêm nào nghe bước mộng trôi mau.
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm,
Và nguyện muôn chiều ta có nhau.

Lời 2:
Tôi cùng em mơ những chốn nào,
Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt,
Hoa bướm vì em nâng cánh trao.

Hy vọng thơm như má chớm đào,
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao.
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng,
Hòa lệ ân tình nguôi khát khao

Bước khẽ cho lòng nói nhỏ,
Bao nhiêu mộng ước phù du,
Ta xây thành mộng nghìn thu,

Núi biếc, sông dài ghi nhớ.

Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề,
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê,
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng.
Và mộng em cười như giấc mê.

Nguyễn Đình Cường
(Ghi lại để hoài niệm Đinh Hùng và Phạm Đình Chương)
*
*     *

Mộng Dưới Hoa
Tự Tình dưới Hoa (Thơ Đinh Hùng, Bảo Cường diễn ngâm) 
Mộng dưới Hoa - Phạm Đình Chương phổ nhạc, Tiêng hát Jo Marcel) 
*
*     *
Mộng Dưới Hoa, tiếng hát Jo Marcel
*
*     *

Phạm Đình Chương qua cái nhìn của văn nghệ sĩ đồng thời

Nhà văn Mai Thảo viết:
" Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp ca Thăng Long lẫy lừng như vì sao ở giữa, hoặc cây Tây-ban-cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng.
Con đường ấy, suốt bốn mươi năm đã đi hết những buồn vui và những mộng tưởng một thời. Vẫn còn những biển khơi và những chân trời đi tới. Cõi nhạc ấy, trọn bốn mươi năm có tài năng và có tâm hồn làm thành mưa nắng, nên đã là một cảnh thổ và khí hậu hàng đầu của âm nhạc Việt Nam.
Cuối cùng là chẳng có một đổi thay nào. Sau bốn mươi năm, chúng ta vẫn yêu mến Hoài Bắc Phạm Đình Chương bằng một mến yêu không bao giờ thay đổi.
"
Nhà văn Vũ Khắc Khoan viết:
"Nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Con Người …
Tự cõi nhạc Phạm Đình Chương bỗng vang lên những cung bậc lạ lùng.
Không đong đưa Đôi mắt người Sơn Tây, không tái tê Chân trời tím ngát. Mà chát chúa, tan tác, nổ dồn ngược dốc chiếc Lambretta ba bánh, rầm rập bước chân biểu tình nhân danh Tình Yêu, Tự Do, Người, la lên, hét lên những khẩu hiệu, những bàn tay gân guốc giơ thẳng lên trời, vươn lên những cột đèn, những bàn tay quấn quýt những bàn tay.

Một tuổi trẻ lớn lên cùng giông bão, những đam mê, u uẩn, day dứt, sửng sốt, bàng hoàng, những đam mê hôm nay tuổi trẻ khóc trên vai. Không Trần Dạ Từ, không Đinh Hùng, không cả Quang Dũng. Mà Thanh Tâm Tuyền. Thơ đã thành nhạc. Nhạc không chỉ là một phương tiện. Nhạc lấy lại địa vị một ngôn ngữ.
Và nhạc và thơ quấn quýt như âm và dương tìm đường trở về thái cực. Không giao duyên mà giao hoan rực rỡ, dị kỳ. Trong một ngôi nhà mái tôn mưa Sài Gòn đổ xuống. Tận cùng một hẻm cụt. Giữa một bidonville. Nhạc thét lên.
Cười lên sặc sỡ La qua mái ngói, thành phố, đồng ruộng Bấu lấy tim tôi
Thành nhịp thở. Ngõ cụt đường làng, cỏ hoa cống rãnh, Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng (**).


(**) Thơ Thanh Tâm Tuyền, trong Liên Đêm-Mặt trời tìm thấy (1966).

Nhạc sĩ Vũ Thành viết về tác giả ca khúc Mộng dưới hoa:
"Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng dưới hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc “mẫu” trong các sách giáo khoa về sáng tác.
Câu nhạc đầu gồm 16 trường canh (mesures), chia làm hai bán cú. Bán cú thứ nhất được kết bằng một bán kết (cadence à la dominante) ở trường canh thứ tám (“… nhìn em không nói năng”…), nghĩa là gồm tám trường canh, được coi như một [dấu] chấm phẩỵ    Bán cú thứ hai gồm tám trường canh được chấm dứt bằng một toàn kết (cadence parfaite), coi như một dấu chấm câu.
Câu đầu như vậy là khai đề, câu giữa gồm tám trường canh với [lối] chuyển cung rất khéo léo làm thành những dị kết (cadences rompues) là một phá đề. Và câu kết lấy lại ý nhạc của khai đề để đi đến chung cục (cadence finale) coi như một chấm hết. Đó đúng là hình thức đúng đắn nhất của một sáng tác nhạc và luôn luôn được đem ra làm mẫu mực trong các sách giáo khoa về sáng tác (composition musicale).
Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được [âm] bằng trắc của từng chữ.
Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương."

Nhạc sĩ Cung Tiến: “Cánh bướm mộng”
"Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương, thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ “đằm thắm”. Dường như bất cứ một bài hát nào của anh – từ những khúc mô tả một cảm xúc cá nhân (Xóm đêm), gợi lại một dĩ vãng (Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội, Nửa hồn thương đau), chia xẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (Ly rượu mừng, Đón xuân, Hò leo núi), đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (Hội trùng dương, Bài ngợi ca tình yêu), và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (Mộng dưới hoa, Đêm màu hồng) – ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết.
Ở Phạm Đình Chương người ta không thấy những đam mê giả tạo, những phẫn nộ gò ép, và nhất là rất hiếm thấy những hô hoán om sòm của loại văn nghệ tuyên truyền chính trị, dù là từ bên này hay bên kia giới tuyến ý thức hệ.
Ấy là những lý do tại sao hễ cứ bắt đầu hát hay nghe một ca khúc nào của Chương, là ta cứ không muốn cho nó chấm dứt, mà cứ muốn hát lại hay nghe lại ca khúc đó.
Ý nhạc (motif) của ca khúc cứ vương vất, lãng đãng như sương như khói trên không gian âm nhạc. Nò cứ bám chặt lấy ký ức người nghe, ngón tay người đàn, và bắt buộc họ phải nghe lại một lần nữa, dạo thêm
một lần nữa.
Riêng về chất liệu và kỹ thuật tạo nhạc thanh của Chương, thì có thể nói rằng thế giới của anh đã hết rồi cái ám ảnh “ngũ cung”, mà là thế giới chói chang của thang âm bảy nốt Tây phương không ngỡ ngàng, của điệu thức trưởng/thứ (major/minor modes) Tây phương không ngượng ngập, với những hợp âm quãng ba (tertian chords) là những viên gạch xây cất, với chủ âm tính (tonality) đóng vai đạo diễn, và với bậc thứ âm trên thang âm đóng vai đổi phông, thay cảnh (“chuyển giọng” hay”chuyển khóa”-modulation). Cung cách chuyển giọng của anh, vì thế, cũng rất là hiền lành và “cổ điển”: công thức cơ bản của nhạc chủ âm (tonal music), đơn và thuần vậy
Nhưng dù được ươm trong rừng thảo mộc nào, phương Đông hay phương Tây, thì giai điệu và hòa âm (hàm ý) của anh cũng đã nở rộ thành những đóa hoa thơm, quý và hiếm. Những giai điệu và hợp âm ấy đêm nay sẽ rướn vút lên một lần nữa trong không gian âm nhạc, và như cánh chim bay đi sẽ chẳng níu lại được. Nhưng tôi nghĩ rằng ý nhạc của chúng sẽ còn phảng phất trong tâm tưởng người nghe như hương lan đêm. Sẽ còn chập chờn trong ký ức người hát như cánh bướm mộng. Và như phấn dư, như hương thừa của một loài hoa thơm và bướm đẹp, sẽ còn rơi rớt trên ngón tay của kẻ dạo đàn. Sẽ còn nồng, còn đậm dư vị ngọt đắng trêo đầu lưỡi của một ôm hôn tình ái/ Và rất xa xôi, mà gần gũi, như thoáng cười của nàng Mona Lisa. Bởi vô cùng đằm thắm."
*
*     *

Danh sách các tác phẩm do nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết gồm có:

1 – Anh đi chiến dịch (1962) -
Hoàng Oanh  Ban Thăng Long  Bích Vân  Thanh Tuyền
2 – Bài ca tuổi trẻ (1950) -
Ban Thăng Long
3 – Bài ngợi ca tình yêu (thơ Thanh Tâm Tuyền) -
Hoài Bắc & Phạm Thành    Thái Thanh
4 – Bên trời phiêu lãng (thơ Hoàng Ngọc Ẩn) -
Quỳnh Lan
5 – Buồn đêm mưa (thơ Huy Cận) -
Ban Thăng Long
6 – Cho một thành phố mất tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn) -
Mai Hương
7 – Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền) -
Duy Trác
8 – Đất lành -
Ban Thăng Long
9 – Đêm cuối cùng -
Thái Thanh    Tuấn Ngọc    Thùy Dương  
10 – Đêm màu hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền) -
Kim Tước   Sĩ Phú   Bích Vân
11 – Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê) - 
Tâm Hảo    Trần Thái Hòa
12 – Đến trường
13 – Định mệnh buồn -
Phạm Thành
14 – Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng) - Phạm Đình Chương hát:
MP3  Youtube
      Phạm Đình Chương hát với Phạm Thành
15 – Đón xuân -
Như Quỳnh
16 – Đợi chờ (viết với Nhật Bằng) -
Vũ Khanh Lệ Thu
17 – Được mùa -
Kim Tước-Mai Hương-Quỳnh Giao    Thanh Thúy
18 – Hạt bụi nào bay qua (thơ Thái Tú Hạp) -
Phạm Thành
19 – Heo may tình cũ (thơ Cao Tiêu) -
Thái Thanh
20 – Hò leo núi -
Ban Thăng Long
21 – Trường ca Hội Trùng Dương -
Ban Thăng Long
22 – Khi cuộc tình đã chết (thơ Du Tử Lê) -
Vũ Khanh   Lệ Thu
23 – Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (thơ Du Tử Lê) -
Lê Hồng Quang
24 – Khúc giao duyên -
Duy Khánh & Thái Thanh
25 – Kiếp Cuội già
26 – Lá thư mùa xuân -
Anh Khoa
27 – Lá thư người chiến sĩ -
Bích Liên
28 – Ly rượu mừng -
Ban Thăng Long
29 – Mắt buồn (thơ Lưu Trọng Lư) -
Julie
30 – Mầu kỷ niệm (ý thơ Nguyên Sa) -
Vũ Khanh     Xuân Thu & Duy Khánh    Thái Hiền
31 – Mỗi độ xuân về -
Teresa Mai
32 – Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng) -
Nguyên Khang   Anh Ngoc & Mai Hương 
                                                               Vũ Khanh     Nhạc hòa tấu saxo
33 – Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn) -
Ban Thăng Long    Mai Hương 
        Ái Vân & Hương Lan    Jo Marcel & Lệ Thu   Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương (youtube)
34 – Mười thương - Thái Thảo
35 – Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ) -
Ngọc Lan   Trần Thái Hòa
36 – Nhớ bạn tri âm
37 – Nửa hồn thương đau (ý thơ Thanh Tâm Tuyền) -
Thái Thanh  Ngọc Lan   Tuấn Ngọc
38 – Quê hương là người đó (thơ Du Tử Lê) -
Mai Hương & Phạm Thành    Ý Lan
39 – Ra đi khi trời vừa sáng (lời Phạm Duy) -
Ban Thăng Long
40 – Sáng rừng -
Đức Tuấn
41 – Ta ở trời tây (thơ Kim Tuấn) - 
Elvis Phương    Bích Vân
42 – Thằng Cuội
43 – Thuở ban đầu - 
Duy Trác    Ý Lan   Quang Tuấn   Quỳnh Giao
44 – Tiếng dân chài -
Ban Thăng Long
45 – Trăng Mường Luông
46 – Trăng rừng
47 – Xóm đêm -
Quang Dũng   Thanh Thúy      Nhạc hòa tấu1     Nhạc hòa tấu2
48 – Xuân tha hương -
Mai Hương

NGUỒN từ website: phamdinhchuong.com

 *
*     *
NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU VÀ DÒNG NHẠC CỦA PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG 

                             MỜI XEM TIẾP PHẦN 3 VỀ NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG  

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire