samedi 29 août 2020

Xuân cười trên căn gác nhà Nguyễn Đình Toàn - Trịnh Thanh Thủy

blankĐã từ lâu tôi muốn viết một cái gì đó về Nguyễn Đình Toàn, người nghệ sĩ tài hoa mà tôi rất mến mộ. Tôi đã nghe nhạc, nghe lời thoại của chương trình phát thanh "Bông hồng tạ ơn", đọc các tác phẩm văn học của ông. Loay hoay mãi, tôi ngẫm ra một điều, viết gì về ông cũng bằng thừa. Bởi vì những tác phẩm, những ca khúc, thi phẩm hay các lời nhạc thoại đã nói hết, nói hay một cách tuyệt vời và bộc lộ gần như hết tâm tư của con người mà tôi muốn viết về. Tôi chỉ còn quyết định đến thăm để trò chuyện với ông thôi là đủ.


Thế là tôi đến thăm Nguyễn Đình Toàn, người vừa là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tiếng nói hiếm quý của đài phát thanh Sài Gòn năm nào vào một sáng đầu xuân. Hơn nữa lại gặp dịp Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học có tổ chức một buổi Nhạc Nguyễn Đình Toàn với chủ đề "Một ngày sau chiến tranh", tôi muốn tìm đến ông để hỏi thêm về chương trình này. Chương trình được diễn ra tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt ngày Thứ Bảy 13 tháng 4, năm 2019 từ 7:00 PM-10:00 PM. Vào cửa tự do. 

blank

Chiếc cầu thang cũ kỹ căn gác appt ông thuê đón chân tôi với nét mặt nhăn nhó ngầm bảo "Này cô, sao không cởi ngay đôi giày cao gót mà lên cho dễ leo?" Tôi gọi ông là chú vì thường gặp ông trong các buổi mạn đàm văn chương của các bè bạn thân quen nhưng chưa bao giờ thăm ông trên căn gác này.

Người đàn ông tuổi đã 83 mà vẫn còn nét thư sinh, tóc vẫn nhiều tiêu hơn muối, có giọng nói dịu ngọt như thủ thỉ, thầm thì cho riêng người yêu trên đài phát thanh ngày xưa, ra tận cửa đón tôi.  Ông mời tôi ngồi, gió xuân man mát thổi từ khung cửa lùa vào mang theo những tiếng cười nói của các em bé ngôi trường tiểu học đối diện vào giờ ra chơi. Tôi bỗng nhớ tới tác phẩm "Giờ ra chơi", của ông với những đứa con gái như tôi ngày mới lớn. Nhớ tới mùa hè Sài Gòn đầy nắng, thi thoảng có những cơn mưa như trút nước xuống hè phố. Khi tạnh, gió thổi lá me đọng nước bay rắc confetti lên mái tóc đen mun của tôi, lúc đi học về.

Tôi bắt đầu hỏi han ông về chuyện nhà và sức khoẻ của ông. Bỗng chợt nhớ ra điều cần hỏi, tôi bảo ông, "Trong hai tác phẩm Áo Mơ Phai và Đồng Cỏ mà chú linh cảm được hai biến cố lịch sử sẽ xảy ra là mất Hà Nội và Sài Gòn trong đó, cháu thích lối ví von của chú về đàn bà và đàn ông. Chú ví đàn bà lạnh giống như Hà Nội, đàn ông thì nóng như Sài Gòn. Chú còn viết "Đàn bà giống như chim sẻ, đẹp hơn trong một ngày trời lạnh". Vậy giữa Hà Nội và Sài Gòn chú yêu nơi nào hơn?". Ông cười, nói, ông rời Hà Nội năm 18, 19 tuổi, đối với Hà Nội, ông sống từ bé nên Hà Nội trong ông còn lại cái đẹp. Tuy nhiên, ông lại thân thiết với Sài Gòn hơn vì Sài Gòn là đời sống trong khi Hà Nội chỉ là một nơi chốn. Sài Gòn nóng hừng hực như ngọn lửa, đang nắng bỗng mưa.


Tôi xem thơ, nghe nhạc và đọc truyện của ông thấy ông là một người viết tinh tế, sâu sắc và cái lòng luyến quê của ông tràn đầy trong tác phẩm. Tôi nghĩ các nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã thể hiện con người, lối tư duy và cuộc sống của chính ông ngoài đời. Tôi hỏi có phải ông chính là cô Phụng trong tác phẩm "Đồng Cỏ"không?. Ông gật gù bảo phải, "Đúng vậy như cô Phụng trước khi đi khỏi VN, cô để lại cái gì, cô để lại trinh tiết ở VN. Cô nghĩ rằng nếu cô trở về cô có lý do chính đáng để trở về. Nếu cô không trở về đó nữa thì cô không có gì để mất cả. Giống như tâm trạng của chú vậy. Một người con gái sinh ra không có gì quý bằng trinh tiết, cô ra đi và để lại cái quý nhất của mình rồi, mà đi chỉ có cái xác đi mà thôi."

Tôi hỏi khi có dự cảm mất Sài Gòn, sao chú không ra đi năm 1975 ?. Ông nói rất muốn đi nhưng không đi được nên trốn mà không thoát, bị bắt, phải bị đi tù hoài, cộng chung là 6 năm đó chứ. Tôi thêm, "Thảo nào trong bài hát "Căn nhà xưa" mà chú làm sau 75 có câu "Ở đó có những tháng năm buồn tênh, khốn khó quyết nuôi tình duyên, đã trốn thoát qua nhiều phen" phải không chú?" Ông đùa "Nói một nghĩa khác, trốn, cái đó là trốn các cô ấy chứ". Tôi hiểu ra, cười nắc nẻ. Ông cũng cười lớn vang cả căn phòng. Tiếng cười thú vị của hai chú cháu hoà cùng tiếng đùa giỡn của lũ trẻ trường bên, rung vang căn gác nhỏ buổi sáng xuân.

Quay qua chủ đề chính của buổi nhạc Nguyễn Đình Toàn với bài hát "Một ngày sau chiến tranh". Tôi xin ông tiết lộ vài chi tiết về bài nhạc này. Ông nói bài này chưa ai hát bao giờ, nói lên tâm tình của một người lính ngày trở về thấy mình đã già vì cuộc chiến tranh quá dài. Khi đi là thanh niên, lúc về thì đã già. Tôi được xem bài nhạc thì biết đây là một bài dài có 5 lời khác nhau mà ông gọi là nhạc chuỗi. Ca sĩ sẽ hát liên tục 5 lời này. Tôi hỏi thêm bài này ông viết có lâu không. Ông bảo không bài hát nào ông viết quá 12 tiếng đồng hồ.

Nguyễn Đình Toàn học và mê nhạc từ lúc còn bé. Ông có mộng làm nhạc sĩ nhưng rồi không biết sao dần dần đi lạc vào nhà văn. Ông bắt đầu làm thơ từ hồi bé tí. Những ca từ trong ca khúc của ông đều là những bài thơ vì nguyên thủy chúng chính là thơ. Thi sĩ Thành Tôn đã ngồi soạn tất cả các bài thơ từ hơn 100 ca khúc của ông thành một cuốn "Thơ & Ca Từ" Nguyễn Đình Toàn, làm bằng tay, tặng ông.

blank

Ông và tôi  loanh quanh bên lề cuộc chiến và sự chết chóc. Ông bảo, tất cả những người còn lại ở VN hãy nhớ một điều, đi trên đường VN bây giờ đã dẫm lên mặt người đã chết nằm ở dưới. Phải biết như thế mới biết thế nào là yêu thương tổ quốc. Bởi vì qua bao cuộc chiến, người chết nhiều quá, đi mà không biết mình đã có dẫm lên mặt người chết hay không?

Ông đề nghị chúng ta nên làm 1 điều là chọn 1 ngày Việt Nam. Trong đó tất cả những người trên toàn nước VN hay ở hải ngoại cũng vậy, tự mình đi đến 1 chỗ cao nhất nơi mình ở, thắp 1 nén nhang và thả 1 trái bóng trong đó có túi hạt hoa cho nó bay xuống ở đâu và mọc hoa kệ nó. Nó sẽ xoá các vết bom đạn của chiến tranh. Đó là 1 hình thức để chiêu hồn đất nước. Nên có 1 ngày như vậy cho tất cả các người chết. Trong chương trình nhạc này có bài hát "Nụ vàng", mang cái ý nghĩa như thế.
*
 *       *

Xuân cười trên căn gác nhà Nguyễn Đình Toàn- Kỳ 2

Đốm lửa loé lên khi Nguyễn Đình Toàn đốt thuốc hút. Khói thuốc bắt đầu lan toả, phủ lãng đãng lên vầng trán rộng thông minh của tác giả bài hát "Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn".
 blank
Chân Dung NĐT trong góc nhìn Trắng Đen -Ảnh của Trịnh Thanh Thủy

Đốm lửa lẻ loi ấy gợi tôi nhớ đốm lửa trong ước nguyện thắp đèn và thả hạt hoa của ông cho đất nước VN.

Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Dù mịt mùng xa xăm,
Một ngọn đèn trong đêm mờ ám.
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Dù chẳng còn hơi ấm,
Cho lạnh lùng thấm qua lòng anh.

Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Một ngọn đèn trăm năm,
Rồi thả đèn trôi trên dòng sông.

Như tháng giêng trong đêm nguyệt rằm
Người thả đèn trên sóng,
Cầu nguyện cho những ai trầm luân.

Đêm quê hương
Đêm treo trên một cành ngang,
Chôn nhau xong làm dấu nhớ chỗ ai nằm.

Cơn mưa giông
Đêm qua đông trời lạnh lắm,
Gió khắp bốn bể cây rừng.
Núi run hình bóng
Mai rạng đông
Đến lượt ai đem chôn?
………
(Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn)

Đốm lửa, ngọn đèn trong đêm đen, ông đã ước ao ấy, là những đốm lửa chẳng còn hơi ấm đầy những buốt lạnh mà ông từng trải nghiệm trong tù. Đêm quê hương mù tối, đêm mưa giông có những người bị đánh đập tra tấn lặng lẽ về với đất, được anh em chôn xong phải làm dấu để sau này còn biết mà chỉ chỗ cho người nhà. Tôi đem thắc mắc về những từ ngữ động, rất gợi hình mà ông dùng trong thơ như "Đêm quê hương, đêm treo trên một cành ngang", hỏi ông. "Tại sao đêm lại treo trên cành ngang hở chú, mà nó không treo trên cái gì khác?" Ông giải thích bằng cách giang rộng hai tay ra thành hình một cái thánh giá. Tôi chợt tỉnh, vỡ oà cho sự u tối của mình.

 blank
Chân dung  Nguyễn Đình Toàn qua nét vẽ Đinh Cường - sơn dầu trên giấy plast, Tranh thuộc bộ sưu tập của HS Dạ Thảo.

Có hình ảnh nào đau đớn hơn quê hương tăm tối bị treo lên, bị hành hình và đóng đinh trên thập tự giá. Tội quá quê hương tôi. Thâm thuý và sâu sắc biết bao chữ nghĩa ông dùng. Quê hương là con người, là hình ảnh 90 triệu người sống trong màu máu đỏ, trong đêm thập tự giá. Điều hiển nhiên là những người tù của chế độ phải chịu đau đớn, oan khiên trong trại cải tạo. Nơi con người bị nhốt trong những ô như chiếc lồng chim bị bịt kín, chỉ có một cái lỗ để thở. Tôi hát nho nhỏ bài hát "Chiều trong tù" của ông. Tôi bảo "Cháu thích lối diễn tả bầu trời của chú trong bài này, cháu chưa thấy ai tả bầu trời như tấm khăn cả".

Chiều trong tù anh nhớ em
Ôi đất trời dường như tấm khăn
Bưng kín đời người trong tối tăm
Phương hướng nào nhìn ra mắt em


Hàng song sầu che mắt sâu
Những bóng người ngẩn ngơ ngó nhau
Tay xanh nào thầm ra dấu đau
Thay cho lời chào thăm mỗi chiều 

(Chiều trong tù)

Đôi mắt ông bỗng tối lại. Ông kể, "Người tù bị nhốt trong một ô, chỉ hơn 1 thước vuông. Họ khoét 1 cái lỗ gọi là cửa gió để thở. Người bên trong nhìn ra ngoài chỉ có 1 cái lỗ, rõ ràng như 1 cái khăn đắp trên mặt người. Mỗi buổi chiều ra vẫy nhau bằng tay, những bàn tay giơ lên rất xanh xao vì ở tù lâu quá không ra ánh mặt trời." Ông rùng mình, "Ở đó sợ lắm, nhất là những ngày Tết. Nhà tù gần trường học, nghe tiếng trẻ con vui đùa (tôi cũng nghe tiếng reo hò của trẻ em trường học bên dưới vọng lên). Chú rất nhớ các con mình vì lúc ấy chúng còn học tiểu học, thành ra sợ lắm. Thời gian đó rất là u ám."
…………
Tay quơ ngang vết hằn năm tháng
Trong đau thương tóc người cũng khô
 

Trên hoang vu những vồng mây trắng
Ta nghe ra trăm niềm xót xa
Vai em thơm như mùa thu nắng
Phai bao nhiêu máu hồng tình xa 

(Chiều trong tù)

Nghe nhạc của ông, tôi thấy lòng chùng xuống, xúc động và đau nỗi đau vô vàn của người tù. Không có gì vô tội hơn những người sống, lớn lên và được nuôi dạy phải yêu 1 ý thức hệ, bất chợt bị luận tội vì đất nước bị đổi sang một ý thức hệ khác. Không gì oan khuất hơn nỗi oan đi tù vì sự thay đổi chế độ, rồi những người của chế độ này bị đày giam thân trong lao tù của chế độ kia. Người tù bị khoá lại trong những hàng "khoá câm" không những khoá tay chân tứ chi, tước đoạt tự do con người mà còn khoá miệng con người thành ra câm nín. Giữa cơn đau ấy đoá hoa thơm của người thương bỗng nở ra với " Vai em thơm như mùa thu nắng" đã làm dịu đi nỗi khổ, làm phai đi những tia máu lửa đốt cháy con người.

 blank
NDT năm 2007 trong buổi ra mắt sách Võ Phiến- Từ trái qua phải: Cao Xuân Huy(quá cố), Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Xuân Hoàng(quá cố), Nguyễn Đình Toàn.

Tôi nhận xét, "Cháu thấy chú rất tinh tế trong lãnh vực chữ nghĩa, ngay đến khứu giác, vì đọc chú, cháu thấy mùi vị ở khắp nơi. Trong văn chương, thi ca, âm nhạc, mùi xuất hiện và được trộn lẫn, nào là hương hoa, cây cỏ, mùi thực phẩm quyện vào nhau như 1 bức tranh sống, 3 chiều. (Óc tôi chợt nẩy ra một liên tưởng khôi hài-ông tương tợ nhân vật Hồng Thất Công của Kim Dung có khứu giác rất nhạy mùi, nhất là khi ngửi thấy mùi thức ăn ngon, ngón tay cái ông ta giật giật)." Ông gật gù, "Nói chung, trong văn chương VN mình khứu giác bị bỏ quên, khi viết tất cả các giác quan đều nên có. bỏ qua cái gì mình mất cái đó. ngay cả lúc trong tù nơi đau thương như vậy mà chú còn có câu "Người nhớ người, hơi nhớ hơi" trong bài "Chiều trong tù".
Tôi cho ông biết trên mạng họ để lời bài hát của ông rất nhiều nhưng để sai lời cũng lắm. Tôi hỏi ông vài chữ trong bài "Chiều trong tù" mà tôi nghĩ ca sĩ đã hát sai như "Trong đau thương tóc người cứng khô". Tôi hỏi "cũng khô, phải không chú?". Ông bảo " Đúng là ca sĩ hát sai, "cũng khô" mới đúng. Trong tù suốt 365 ngày 1 năm, lúc nào trong đầu cũng như có lửa, muốn phụt khói ra khỏi đầu. Không có tóc nào chịu nổi nên cái tóc nó cũng khô rốc đi. Còn chữ "Vầng mây trắng" không đúng. "Vồng mây trắng" mới đúng. "Vồng mây" là loại mây nhẹ hơn, mây không tạo thành "vầng". Họ viết "Ta nghe ra trong niềm xót xa", "Ta nghe ra trăm niềm xót xa" mới đúng."
Ông cắt nghĩa thêm câu "Tay quơ ngang vết hằn năm tháng" bằng cách, ông giơ tay lên quơ ngang vầng trán, và vầng trán ông hiện ra với những nết nhăn ngày tháng đã ghi dấu trên tuổi tác người. Còn câu cuối, "Cho đêm mù, một cơn đau dài" bị ghi sai là "Cho đêm buồn, một cơn đau dài". Chú dùng chữ mù mạnh hơn chữ mờ vì nếu "đêm mờ" nghe nó yếu, không đủ mạnh."
Tôi nói "Hình như vấn đề là họ không có bản nhạc gốc để đối chiếu và khi nghe ca sĩ hát không rõ lời họ chép lại một cách cẩu thả, nhiều khi không hiểu nghĩa, đặt đại lời vào để điền chỗ thiếu đó chú. Kể cả ca sĩ nữa, nhiều khi họ hát mà không hiểu trọn ý nghĩa của ca từ nên phăng đại". Tôi thêm "Chú có cho xuất bản hay nhờ các trung tâm phát hành phổ biến sách hay đĩa nhạc của chú không? Cháu có tìm trên mạng mà không ra những bài hát có khung nhạc của chú mà cháu thích". Ông lắc đầu "Không, vì chú không thích, các trung tâm sản xuất nhạc có đến xin bài hoài mà chú không cho. Chú biết nhạc của chú không phải ai cũng hát được và 1 điều nữa là lúc hát nhạc của chú, họ phải hát theo ý chú mà có ca vũ bừa bãi vào thì không được.".

Tôi hiểu ra ông rất cẩn trọng trong việc đưa ca sĩ hát nhạc của mình. Ông bảo, hát nhạc buồn,  phải hội đủ 2 yếu tố. Phải hát ra cả cái buồn và cái đau mới đủ. Hát ra cái buồn của bản nhạc thì dễ, nhưng hát ra cái đau mới khó. Ông cân nhắc từng ca từ, từng lời thơ, khi sáng tác. Ông nâng niu, trân quý những đứa con tinh thần của mình và đắn đó khi lựa người hát, có lẽ vì sợ ca sĩ làm hỏng, khiến chúng thành dị dạng. Ông kể khi làm thơ, viết văn hay viết ca từ, ông tránh dùng các từ Hán Việt, ngoại trừ không dùng được nữa mới phải đành chứ ông không muốn dùng chúng. Ông tránh ước lệ, sáo ngữ, và tránh lập lại những gì người ta đã dùng quá nhiều như chiếc diêm quẹt đã bị quẹt nhiều quá rồi, không quẹt được nữa.

Tỷ như trong bài "Dạ Khúc", thay vì nhắc đến nụ hôn thì ông nói khác đi "Son trên môi còn in dấu người". Hoặc như "Trăng soi, trăng có ngày nghỉ ngơi" có nghĩa là "Không phải trăng ngày nào cũng có, mình xem như nó đi ngủ, đi nghỉ vậy." Còn câu "Tay em che ngang cành non đã gầy". Đây là một hình ảnh rất thật. "Sau năm 75, có những ngày chú đạp xe từ xa lộ đi vào đường Hàng Xanh lên chợ Bà Chiểu qua 1 cái nhà chắc chủ bỏ đi để lại cho con cháu gì đó. Căn nhà trông rất tàn tạ. Trước nhà có 1 cái cây lá non mới mọc ra. Một cô bé bước ra đứng dưới gốc cây nhìn ra ngoài và lấy tay che mắt, cành non đã gầy mà cánh tay cô bé cũng gầy."
Tôi hỏi ông về chữ "nắng giòn" nghe rất hay trong bài "Căn nhà xưa". Tại sao lại nằm mà nghe được "nắng giòn" hở chú?

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
nắng giòn trên mái

Ông trả lời, "Ở Vn, có những mái nhà bằng tôn, khi chịu sức nóng quá sức nó dãn nở và phát ra tiếng kêu "bụp, bụp" nghe như tiếng đạn nổ giòn vậy. Nên "nằm nghe … nắng giòn trên mái" là thế. Nghe ông tả, tôi bỗng nhớ Sài Gòn vô cùng. Chỉ có những người từng sống trong những căn nhà có mái tôn mới biết và nghe được tiếng "nắng giòn trên mái" hay tiếng "mưa giòn" cũng vậy (trong lúc mưa bắt đầu trổ hạt kêu lụp bụp trên mái tôn) trong nhạc NĐT.

Ông chia sẻ với tôi tập nhạc trên trăm bài hát của ông mà ông chưa từng phổ biến hay cho in, ngoài những bài hát trong 2 đĩa CD của Khánh Ly phát hành. Tôi lật qua nhiều bài và say sưa đọc những ca từ chính là các lời thơ. Những bài có tựa như "Ánh dương mới, Bài thơ trên tay áo, Bướm xanh, Chênh Vênh hình bóng, Còn tiếng hát gởi người(soạn chung với Trần Quang Lộc), Cổ Tích ..v..v.. . Tôi ngạc nhiên với bài "Chầu Văn" rất lạ. Tôi lẩm nhẩm, "Thuyền ai thấp thoáng bên giang, thuyền Cô Mẫu thoải chèo sang đầu ghềnh, khoan hỡi hò khoan, khoan này hò khoan, khoan hỡi hò khoan…" Tôi thốt " Thật là thi vị, chú không cho phổ biến và không đưa ai hát, thật là uổng phí..".

Tôi dừng lại ở bài "Đắng Đót". "Cháu rất thích bài này. Hình như chưa ai biết về con chim "Đắng Đót" này chú ơi". Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh có nhắc "Tôi cũng chưa hình dung ra được con chim này như thế nào nhưng biết chữ "đắng đót" từ câu thơ:" Đắng đót ghê thay mùi tục lụy/bực mình theo Cuội tếch cung mây" và theo Việt Nam Tự Diển của Lưu văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì "đắng đót" có nghĩa là đau đớn khổ sở". Cháu thấy trên mạng họ viết sai là  "Trên núi cao kia, tôi nghe tiếng con chim đang đói kêu sương.."

Ông chán nản lắc đầu, "Họ ghi như thế là sai, một khi ghi sai là sai hết." Ông giải thích "Đắng Đót" là tên của 1 con chim ở Tuy Hoà. Khi chiều tối đến có 2 con chim bay đến, mỗi con đứng một phía (Ông để hai ngón tay trỏ ở hai khoảng cách xa nhau) . Một con chim kêu "Đắng", một con kêu "Đót", rồi chúng chạy về phía của nhau (Ông di chuyển hai ngón tay lại gần nhau) . Chúng cứ lần mò, lần mò lại gần nhau nên họ hợp lại gọi là "Chim Đắng Đót". Tôi trố mắt bảo, "thú vị quá, chuyện giống như thần thoại". Ông xác nhận, chuyện có thật, người ta truyền miệng kể với nhau lâu dần thành huyền thoại. Vì thế chú viết:

Trên núi cao kia
Tôi nghe tiếng con chim đắng đót kêu sương
Chim nhớ ai mà lời chim đau thương?
 

Trong thơ ca và ca từ Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhớ lúc nào cũng được tô đậm như chim nhớ bạn, nhớ bầy, như người nhớ hương, nhớ hơi. Trong một bài thơ hay nhạc của ông, người ta tìm ra được ít nhất là vài câu nổi trội trong lối dùng từ khác lạ, sáng hẳn lên với sáng tạo mà ông gọi là "nói một cách khác". Chữ nghĩa được ông dùng giản đơn, cô đọng nhưng sâu xa, sống động và gợi hình, gợi bóng.
 blank
Chân dung NĐT trong góc nhìn ảnh màu- Ảnh của Trịnh Thanh Thủy.

Tôi ra về, nắng xuân đã lên cao, lan toả khung cửa sổ nhà ông. Có lẽ rồi ông lại đến ngồi trên chiếc ghế cũ, lặng nhìn xuống khung cửa bên kia là trường học mỗi ngày. Có lẽ tiếng trẻ con cười đùa trong giờ ra chơi sẽ rúc rích theo ông từ thuở thơ ấu, đến khi lớn lên, vào đời, và suốt cuộc hành trình còn lại. Chúng làm cảm hứng cho ông viết văn thơ, âm nhạc,  an ủi gợi nhớ đến các con ông buổi trong tù và vẫn theo ông ngày ngày bên khung cửa căn lầu chung cư nhà trọ. Có lẽ sẽ như cố hoạ sĩ Đinh Cường viết.
…………
tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks
nhìn qua bên kia sân trường học
mùa hè vắng bóng học sinh
nhớ Nguyễn Đình Toàn ở Westminster – Cali
hình như ngày nào anh cũng ngồi nhìn qua
khung cửa sổ bên kia là sân trường học

……….
Nguyễn Đình Toàn đôi mắt sâu nhìn xa vắng
như còn nuôi mãi những giấc mơ
.
(Thơ Đinh Cường-2013)

Trịnh Thanh Thủy
Orange County, tháng tư 2019

https://vietbao.com/p236582a292657/xuan-cuoi-tren-can-gac-nha-nguyen-dinh-toan-ky-1

*
*     *
"MỘT NGÀY SAU CHIẾN TRANH" - ĐÊM NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN (April 13-2019)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire