Cuộc chiến ý thức hệ quốc-cộng ở Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 với sự
chiến thắng của miền bắc cộng sản. Tại sao chế độ VNCH đã đứng vững 21
năm lại nhanh chóng sụp đổ như vậy. Nhân đánh dấu 40 năm ngày chiến
tranh Việt Nam kết thúc, Nam Nguyên phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhã, cựu
tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi, cựu bí thư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để
tìm hiểu một số khía cạnh liên quan. Ông Hoàng Đức Nhã 73 tuổi hiện cư
trú tại Chicago tiểu bang Illinois Hoa Kỳ.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Hoàng Đức Nhã đồng ý trả lời
phỏng vấn của Đài RFA. Thưa ông sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt
Nam, nhiều tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ đã được giải mật cho thấy Hoa
Kỳ đã có ý định không can thiệp vào VNCH nữa từ rất sớm và có mục đích
chỉ là để rút lui an toàn. Là người thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu, ông nhận định gì khi có ý kiến cho là các nhà lãnh đạo và toàn bộ
chế độ VNCH bị động, không chuẩn bị việc tự lực cánh sinh hay phải sớm
tìm kiếm một con đường khác để VNCH có thể tồn tại.
Ông Hoàng Đức Nhã: Chính quyền của Tổng thống Thiệu lúc đó
hiểu rõ mục đích của Tổng thống Nixon, khi ông ta bắt đầu chính sách gọi
là “Việt Nam hóa” có nghĩa là Hoa Kỳ rút và hứa sẽ giúp VNCH trên
phương diện quân sự và kinh tế để bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng
đất nước. Nói chính quyền VNCH lúc đó bị động là hoàn toàn sai, vì mình
đã có rất nhiều thành quả. Những người viết sách về Việt Nam không hề đề
cập tới khía cạnh này, Đệ nhị Cộng hòa một mặt chống lại xâm lăng Bắc
Việt, một mặt xây dựng đất nước, tạo dựng một chế độ pháp trị có quyền
tự do cá nhân. Khi tôi đề cập điểm đó cũng là để nói lên là khi chúng ta
chống Bắc việt và người đồng minh dần dần rút đi, họ tìm cách thương
thuyết và ký kết một hiệp định trên đầu chúng ta, cũng như người Pháp đã
làm hồi 1954… lúc đó chính quyền Đệ nhị Cộng hòa quyết định ngồi vào và
tìm đủ mọi cách để tạo những điều kiện tối thiểu để chúng ta tiếp tục
cuộc tranh đấu để bảo vệ và phát triển đất nước.
Nam Nguyên: Nhưng VNCH không còn nguồn viện trợ nữa,
đạn dược vào tháng 3/1975 như Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn
Viên có nói là chỉ còn đủ dùng 30 ngày. Tại nhiều bệnh viện vào lúc đó
đến bông băng cũng phải giặt đi xài lại…không có viện trợ…người ta nói
bị động là không tìm nguồn viện trợ thay thế mà phải chuẩn bị rất là lâu
dài mới có thể đương cự được với làn sóng quân cộng sản được Liên Xô,
Trung Cộng hỗ trợ rất nhiều và họ đã đánh xuống. Họ nói bị động là như
vậy, xin ông có thể làm rõ chỗ này?
Ông Hoàng Đức Nhã: Khi mà chúng ta biết Hoa Kỳ đã rút lui,
người đồng minh chính đã tài trợ cho chúng ta và giúp chúng ta rất
nhiều. Khi VNCH thấy cần thêm, mình đã gởi mấy phái đoàn đi cầu viện ở
mấy quốc gia khác, nhưng không có quốc gia nào thậm chí đến mấy quốc gia
Đông Nam Á chỉ nói bằng miệng thôi, không bao giờ cho viện trợ quân sự,
viện trợ kinh tế không có bao nhiêu, trong khi Liên Xô Trung Cộng giúp
đỡ Bắc Việt tích cực. Đó là một thực trạng mà chính quyền VNCH phải đối
phó. Ngay cả đối với Hoa Kỳ lúc đó mình biết là không còn sự viện trợ
như mấy năm trước. Chúng ta cũng đã đề nghị xin vay, nhưng lúc đó người
Hoa Kỳ nhất là chính quyền Nixon bị bối rối và Quốc Hội dưới quyền kiểm
soát của Đảng Dân Chủ muốn tránh, muốn chấm dứt các đợt viện trợ.
Nam Nguyên: Hiệp định Paris 27/1/1973 được cho là
một tiền đề dẫn tới việc sụp đổ của Nam Việt Nam. Theo ông và trong vai
trò của mình là người thân cận của Tổng thống, Bí thư Tổng thống và cựu
Tổng trưởng nữa thì ông nghĩ là VNCH sẽ phải đối phó như thế nào, chúng
ta đã rút được bài học vừa qua. Tổng thống cũng có nói vào năm 1990 là
vì bị lệ thuộc viện trợ mà cuối cùng phải ngồi vào bàn hội đàm. Giả dụ
bây giờ lịch sử lập lại, ông nghĩ là VNCH có thể làm gì khác?
Ông Hoàng Đức Nhã: Câu hỏi này rất quan trọng đấy, tôi muốn
nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris 27/1/1973 không phải là tiền đề đưa tới
sự sụp đổ của VNCH. Đó là một căn bản để cho người Mỹ rút quân và VNCH
với sự giúp đỡ của người Mỹ tiếp tục công cuộc bảo vệ và xây dựng đất
nước. Giả sử mình trong hoàn cảnh lúc đó từ 69 đến 73 và phải ký Hiệp
định, thì sẽ phải làm như thế nào? lúc đó mình đâu có thể nào nói với
đồng minh là ông tìm cách thương thuyết trên đầu của chúng tôi. Mình đâu
thể nói vậy, cũng như anh ra trận đá banh rồi anh nói thôi tôi không
chơi nữa vì không thích cái luật lệ, rồi mình lấy trái banh và đi về.
Mình phải tiếp tục ngồi vào và tranh đấu để đừng có những điều kiện quá
xấu cho tương lai đất nước. Thành thử lúc đó hành động của chính phủ
VNCH, với sự hỗ trợ của tất cả cơ quan lập pháp hiến định, đã tìm mọi
cách để đừng có chấp nhận một hiệp định coi như là đầu hàng.
Nói rằng mình sẽ phải làm như thế nào khác. Lúc đó mình biết rằng
phải tự lực cánh sinh, phải củng cố. Lúc đó biết rằng tới giai đoạn phải
đấu tranh chính trị với cộng sản để thực thi hiệp định, nó có những
điều khoản là hai bên phải gặp nhau để nói về tương lai chính trị. Lúc
đó VNCH cũng đã cho tất cả các đảng phái quốc gia biết thực trạng đó để
chuẩn bị. Đó là điểm thứ hai riêng về chính trị. Điểm thứ ba về xây dựng
kinh tế và xây dựng đất nước, mình có rất nhiều chương trình phát triển
nông thôn có nhiều thành quả dân trí ấm no phồn thịnh. Nhưng mà những
điều đó không ai nói đến, người ta cứ nhìn vấn đề Việt Nam và cho là
mình không có làm gì cả, theo tôi đó là sự sai lầm lớn.
Nam Nguyên: Nhưng thưa ông thực trạng lúc đó là
không có tiền nữa, không có tiềm lực kinh tế, quân sự súng đạn không có
nữa. Ngay Tổng thống lúc đó cũng nhìn nhận là viện trợ giảm đi rất nhanh
và rồi thì những mật ước của Tổng thống Nixon… nó chỉ là mật ước trên
phương diện pháp lý không có giá trị, có thể nói cũng chỉ là để đánh lừa
thôi?
Ông Hoàng Đức Nhã: Cái thực trạng lúc đó là một người đồng
minh sau khi hứa mà bội hứa, mình không thể thay đổi thực trạng đó được.
Như tôi đã nói mình đã gởi các phái đoàn đi cầu viện các quốc gia khác,
thậm chí đến các nước Trung Đông như là vương quốc Saudi Arabia chẳng
hạn. Tuy nhiên cái việc có thể nói là nỗi lòng của mình là quá tin tưởng
người đồng minh; thật sự trên phương diện chính trị khi một người Tổng
thống của một cường quốc hứa thì sao lại không tin. Nhưng mà sau này các
tài liệu giải mật cho thấy là vì Hiệp định Paris không được Quốc hội
Hoa Kỳ phê chuẩn nên Quốc hội không bị ràng buộc theo điều khoản của
Hiệp định. Đó là thực trạng mà mình không thay đổi được và VNCH tiếp tục
chiến đấu đến khi không còn súng đạn.
Nam Nguyên: 40 năm sau khi chấm dứt chiến tranh, ông nghĩ gì về nước Việt Nam hiện tại và khả năng về con đường dân chủ sắp tới?
Ông Hoàng Đức Nhã: Tôi không có hy vọng chế độ cộng sản ở Việt
Nam thực thi nền dân chủ đúng như ý nghĩa của chữ dân chủ. Thứ nhất khi
mà độc đảng thì làm sao mà có dân chủ được. Điểm thứ nhì, tự do căn bản
của con người không được tôn trọng và điểm thứ ba, hố sâu giữa người
giàu giữa con ông cháu cha của chế độ và người nghèo nó quá sâu. Từ
1975 tới giờ tôi chưa về Việt Nam nên không có những dữ kiện chính xác.
Tuy nhiên bao nhiêu thống kê của ngân hàng quốc tế, những cơ quan quốc
tế cho thấy rõ sự xung đột giữa mức sống và sự phát triển cần thiết của
nhân dân mà theo tôi là chưa có được. Dĩ nhiên khi chưa có dân chủ thì
không thể san bằng hố sâu giàu nghèo. Cá nhân tôi không thấy dân chủ
trong tương lai, ít nhất trong cuộc đời của tôi.
Nam Nguyên: Thưa ông nhiều người đã viết hồi ký, thí
dụ ông Nguyễn Tiến Hưng. Về phần ông cũng là một nhân vật của lịch sử,
đóng góp rất nhiều vào Đệ nhị Cộng hòa, xin hỏi là ông có định xuất bản
hồi ký của mình hay không?
Ông Hoàng Đức Nhã: nói hồi ký thì có vẻ cá nhân quá, tôi đang
viết và sẽ xuất bản để nói về cuộc chiến đấu và công cuộc xây dựng dân
chủ của Đệ nhị Cộng hòa, trong đó tôi được hân hạnh đóng góp một phần.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi VNCH, cựu Bí thư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire