Một buổi sáng của năm 1972, tại một quán cà phê trên đường Võ Tánh, Sài Gòn (bây giờ là Nguyễn Trãi), cạnh bên tòa soạn báo Điện Tín, tôi gặp nhà thơ Kiên Giang, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, đang ngồi uống cà phê, và hình như ông đang say mê, đắm chìm vào một bài hát, được phát ra nho nhỏ từ chiếc radio “ấp chiến lược”, để ở trên bàn, trước mặt. Đến gần, thì nghe giọng Thái Thanh, cao vút với những ca từ, vui tươi, rộn rã nhưng cũng thật da diết và trữ tình:
“Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ... Em tan trường về, mưa bay mờ mờ, anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở...” Bài hát đang là hiện tượng, và được người dân miền Nam bấy giờ rất ưa thích, của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Phạm Thiên Thư. Thấy tôi cười cười, nhà thơ Kiên Giang nói: “Bài hát đánh trúng vào tim... đen của lứa tuổi mới lớn, và ai cũng có cho riêng mình một Hoàng Thị... để mà mơ mộng, mà nhớ...” Và tôi, người vừa bước qua ngưỡng cửa học trò, ái mộ bài hát, cũng chung một suy nghĩ: “Ai cũng từng qua thời, hoặc làm người tan học về, hoặc làm người đi theo, tức là làm ‘Hoàng Thị Ngọ’ hay làm ‘anh theo Ngọ về’ của riêng mình” như lời bài thơ, ca từ của nhạc phẩm.
Bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị...” của thi sĩ Phạm Thiên Thư, được trích in trong tập thơ đầu tay “Thơ Phạm Thiên Thư”, in 500 bản vào năm 1968, theo thi sĩ, thì vì lúc ấy là “tu sĩ” nên không tiện in nguyên bài, chỉ đến khi gặp nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Thiên Thư mới gửi bài thơ chép đầy đủ, và lúc ấy, Phạm Duy cũng đang soạn những tình khúc cho tuổi học trò như “Trả lại em yêu”, “Con đường tình ta đi”, nên khi đọc được bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị”, nhạc sĩ như bắt được viên ngọc quý, nên xin phép được phổ nhạc ngay. Ca khúc “Ngày xưa Hoàng Thị” được chính thức ra đời vào năm 1971, nhạc phẩm được soạn theo điệu Valse, nhịp 3/4, vừa vui tươi, nhí nhảnh nhưng cũng mang mang tâm trạng theo lối kể chuyện, phù hợp với lời thơ và tâm trạng của tác giả bài thơ, lần đầu tiên được ca sĩ Thanh Thúy thể hiện, đã thu hút được hầu hết giới trẻ và cả những bậc trung niên tìm nghe và mua nhạc phẩm. Bài hát được tái bản liền sau đó, với hình bìa của họa sĩ Vi Vi, là một hiện tượng, được nhiều tờ báo ở Sài Gòn lúc đó quan tâm tìm hiểu với câu hỏi “Hoàng Thị Ngọ là ai?” kể cả nhiều người mạo nhận mình là “Ngọ”, giống như câu chuyện tìm nàng Công chúa Trung Phi, Bocasa, cũng có nhiều người mạo nhận trước đó!
Theo lời kể của thi sĩ Phạm Thiên Thư, khi còn học lớp Đệ Tam ( lớp 10 bây giờ) tại trường Trung học tư thục Văn Lang tại khu Tân Định, quận 1. Cùng chung lớp có cô học trò gốc người Hải Dương tên Hoàng Thị Ngọ, dáng người thanh mảnh, mái tóc đen mượt, dài, xõa sau lưng. Trong lớp Ngọ ngồi bàn đầu, Phạm Thiên Thư ngồi bàn cuối. Tan học, Ngọ đi về phía trước, Phạm Thiên Thư lẽo đẽo ôm cặp đi phía sau, và yêu... đơn phương, thầm lặng. Bài thơ là sự cảm xúc, nhung nhớ của lứa tuổi học trò, mới lớn, được sáng tác khi Phạm Thiên Thư đã là “tu sĩ” với pháp danh Thích Tuệ Không, nên mang một chút của “nét thiền”, một chút nhớ, tình si một thuở, rất gần và giống “tâm trạng” của nhiều “anh học trò” lúc đó. Bài thơ dài 59 câu, theo thể thơ 4 chữ, và dưới bàn tay “phù thủy âm nhạc” của Phạm Duy, ca từ được “biến ảo” sắp xếp theo âm điệu, gây nhiều cảm xúc và ấn tượng: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Ôm nghiêng tập vở/ Tóc dài tà áo vờn bay…” Với hình bóng người con gái, hiền hòa, tha thướt: “Em đi dịu dàng/ Bờ vai em nhỏ/ Chim non lề đường/ Nằm im giấu mỏ/ Anh theo Ngọ về/ Gót giày lặng lẽ đường quê…” Người con gái, nữ sinh ấy, ai cũng “thấy” như chỉ riêng mình một thuở: “Em tan trường về/ Mưa bay mờ mờ/ Anh trao vội vàng/ Chùm hoa mới nở/ Ép vào cuốn vở/ Muôn thuở còn thương còn thương…” Rồi là nhớ nhung, bâng khuâng xa cách: “Bao nhiêu là ngày/ Theo nhau đường dài/ Trưa trưa chiều chiều/ Thu đông chẳng nhiều/ Xuân qua rồi thì/ Chia tay phượng nở sang hè…”
Ngày Xưa Hoàng Thị - Thơ: Phạm thiên Thư-nhạc: Phạm Duy-Thái Thanh trình bày
Bài thơ, và cũng là ca khúc “mang mang sầu đời, tình ơi, tình ơi” bởi 10 năm rồi quay lại, khôn nguôi nỗi nhớ: “Cây xưa còn gầy/ Nằm phơi dáng đỏ/ Áo em ngày nọ/ Phai nhạt mây màu…” Để rồi rưng rưng: “Xưa theo Ngọ về/ Mái tóc Ngọ dài/ Hôm nay đường này/ Cây cao hàng gầy/ Đi quanh tìm hoài/ Ai mang bụi đỏ đi rồi/ Ai mang bụi đỏ đi rồi…” Bụi đỏ, dáng nhỏ một người, mãi vẫn còn trong tâm trí, chợt nhận ra là biết đã xa rồi. Thật xa... Phạm Thiên Thư, giờ vẫn còn đó, với lứa tuổi đã chạm “bát tuần”, vẫn hằng ngày ngồi lặng lẽ ở một chiếc bàn nhỏ, ngoài hiên quán cà phê Hoa Vàng trong cư xá Bắc Hải, tay cầm ống píp, thỉnh thoảng đưa lên miệng kéo một hơi thuốc dài, đôi mắt lim dim. Dường như ông đang “nhập” vào cõi “Đưa em tìm động hoa vàng” hay nhớ “Ngày xưa Hoàng Thị”, làm xao xuyến trái tim nhiều người và cả nhiều thế hệ, sau này.
Trần Hoàng Vy
*
* *
“Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở…”đó là hình ảnh đầy sức sống của một thời niên thiếu mà ai trong chúng ta cũng đã từng qua. Thế nhưng đối với những ai tò mò thì tác giả bài thơ nổi tiếng này có thật là đã trao chùm hoa cho cô Ngọ để bài thơ trở thành nổi tiếng đến như thế hay không?
Vì Phạm thiên Thư, như chúng ta đều biết là một nhà sư, vậy bài Ngày Xưa Hoàng Thị được ông sáng tác từ bao giờ? “Bài Ngày Xưa Hoàng Thị tôi viết trước khi đi tu. Khi tôi vào chùa rồi thì hình ảnh trên đường đi làm tôi nhớ lại kỷ niệm xưa. Nhớ lại hình ảnh của cô Ngọ, thời học trò ấy mà. Chẳng có tình yêu đâu chỉ là học trò vui vui thôi. Đó là lý do tại sao tôi viết bài đó.”
Phạm Thiên Thư vừa cho chúng ta biết một chút lý lịch của bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị, bài thơ này đã một thời gây sóng gió trong khuôn viên các trường Trung cũng như đại học tại Việt Nam vào đầu những năm bảy mươi. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tinh tế khi chọn bài thơ này để phổ nhạc và sau đó hàng loạt bài khác của Phạm Thiên Thư liên tục chiếm lĩnh đài phát thanh Sài Gòn trong nhiều năm trời.//
Phạm Thiên Thư và Ngày Xưa Hoàng Thị - Mặc Lâm (Rfa)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire