mardi 14 juin 2022

MỘT BÀI THƠ HAY CỦA TRẦN TRUNG ĐẠO - Đỗ Trường

Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một bài thơ hay đến như vậy. Báo Viên Giác (Đức Quốc) tháng 4 có bài: Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi của Trần Trung Đạo. Tác giả có trích dẫn một bài thơ của mình (Trần trung Đạo- nhưng không ghi tựa tên bài thơ ). Tôi bị cuốn hút ngay từ khổ thơ đầu. Và tôi đọc nghiến ngấu hết bài, rồi đọc đi đọc lại. Chợt thấy mình, dường như đã lâu lắm rồi, không được thưởng thức một món ăn ngon, hợp khẩu vị đến như vậy. Có lẽ, anh đã giải tỏa không riêng những gì trong tôi, mà còn cho tất cả người Việt xa quê.

 Mọi người chúng ta, ai mà chẳng có tuổi thơ, Trần Trung Đạo cũng vậy. Tuổi thơ của anh gắn với những dòng sông, bãi biển êm đềm. Dòng sông ấy đã tưới mát hồn thơ của anh. Tiếng chuông chùa xa, gốc đa già nghiêng nghiêng mái đổ là nguồn thực phẩm vô tận nuôi dưỡng tâm hồn anh. Để hôm nay, qua bao ngày dồn nén, một phút xuất thần nào đó, cảm hứng cho anh viết một bài thơ hay như vậy. 

Thật vậy! Bao quát cả bài thơ là giấc mơ, một giấc mơ buồn và thường trực trong anh. Trong cái chập chờn ấy, anh đã thoảng thốt gọi Đà Nẵng quê anh. Lời thơ nghẹn ngào, dằn vặt. Chúng ta bắt gặp một loạt câu hỏi tu từ: Có còn nhận ra tôi không? Có còn nhận ra tôi không?..Nó như mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Đối tượng hỏi của anh là ai? Hay anh hỏi chính lòng mình:
“ Còn nhận ra tôi không?
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi đến một phần đời“

Anh lớn lên trong chiến tranh, thành phố quê anh cũng quặn mình trong bom đạn. Tuổi thơ của anh gắn liền với từng viên gạch đổ, những bức tường vôi loang lổ. Thành phố đã đi qua tuổi thơ vất vưởng của anh. Và đã bao năm xa quê, nhưng thời gian, không gian cũng không thể bào mòn nỗi nhớ, tình yêu ấy. Trong giấc mơ chập chờn, anh đã trở về thành phố. Anh hỏi thành phố còn nhớ anh không? Anh hỏi, mà như không hỏi, thật sự anh đi tìm tuổi thơ, tìm lại dĩ vãng :
“ Có nhận ra tôi không?
Hỡi ước mơ tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên“
Anh đã khóc, anh khóc cho thân phận, hay anh khóc cho quê hương anh. Tất cả đã đổi thay xa lạ. Giấc mơ tuổi thơ và ngày đầu hò hẹn đã mất từ ngày anh ra đi. Để rồi hôm nay, anh trở về, bến cũ còn đây, con đò đã sang ngang. Dòng sông xưa đã đổi dòng nước lạ. Thời thế, cảnh vật, con người đều xa lạ, lạnh lùng đến se sắt….
Anh đã trở về ngôi chùa cũ, nơi đã nuôi dưỡng, che chở tuổi thơ cho anh. Và dường như tôi cũng được cùng anh, nghe đâu đây tiếng vọng về của chuông chùa thuở ấy:
“Có nhận ra tôi không?
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi! bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhứt nhối trong đêm”
Anh đứng lại nơi anh thường đứng, nơi có những chiều lá đổ. Anh vẫn nghe thấy tiếng kêu xé lòng của cây đa già thuở ấy. Anh bảo đa đừng hát nữa, buồn lắm, nhưng trong lòng anh hát mãi không thôi. Trong đêm tối ấy, anh đã nhìn thấy tấm thân gầy của quê hương đang oằn mình dưới phong ba, bão tố. Đường phố đã ngỡ ngàng thay tên, nơi đây một thời anh đã cùng bạn bè nhấp từng giọt cafe đen, từng ly rượu đắng. Anh đã về, nhưng thấy xung quanh đều trống vắng, tất cả bay mất như khói thuốc vô hình. Có hẹn ngày về đâu mà anh mong gặp:
“Có nhận ra tôi không
Hỡi bạn bè anh em
Ai còn sống và ai đã chết?
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn ngày về “

Nếu Mai Mốt Tôi Về
Thơ Trần Trung Đạo-Nhạc Nguyễn Hữu Tân
đàn & hát Trần Trung Đạo

Cả khổ thơ là khung cảnh mù mịt của sự chia ly. Ai còn, ai mất? Người ở lại sống trong lầm than tủi nhục. Người ra đi mang trong lòng niềm nhớ thương và cả một trời kỷ niệm, quặn quại xót xa, ngày về còn xa lắm:
“ Có nhận ra tôi không?
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi, thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình”
Anh muốn vùng dậy, để quét đi những đêm tối bão bùng trên quê anh, nhưng dường như anh bất lực?
Ngồi nghe văng vẳng tiếng gọi của núi sông, nơi đã chở che cho anh những ngày dài mưa nắng, gập ghềnh của tuổi thơ.
“ Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên? “
Hai câu cuối chính là câu kết của toàn bài. Tôi và những sự vật, con người xung quanh, tôi và hay chính tôi. Nó là những sợi dây vô hình quán xuyến ràng buộc toàn bài lại, làm cho bài thơ có bố cục chặt chẽ hơn. Anh tự trách, tự dằn vặt mình. Anh bất lực chăng? Không! Cái khắc khoải, cái dằn vặt đó, chính là lúc anh dồn nén nỗi đau, nỗi nhớ nhất trong tâm khảm mình. Lúc anh quên, chính là lúc anh nhớ nhất, có phải thế không anh Trần trung Đạo?
Leipzig tháng 4-2008
Đỗ Trường

*
*     *


Một Lần Thơ Về Thăm - Thơ Trần Trung Đạo-Nhạc Phan Ni Tấn 
Tiếng hát Trần Trung Đạo - Diễn ngâm Nắng Hoàng Hôn
 
MỘT LẦN THƠ VỀ THĂM
Thơ tôi về thăm những con hẻm tối đèn
Những kẻ tuổi hai mươi không bao giờ đến
Những đôi mắt trũng sâu, tấm thân tàn đợi chết
Những con người quên cả họ tên

Thơ tôi về bên những mái nhà tranh
Những mái lá bốn mùa nắng mưa không vách
Có em bé ngậm trầy đôi vú lép
Giọt sữa mẹ hồng hay máu rỉ từ tim

Thơ tôi băng theo những chuyến tàu đêm
Tuyến Hà Nội Sài Gòn mang tên Thống Nhất
Thơ sẽ đếm bao nhiêu mầm non tổ quốc
Đang ngửa bàn tay nơi mỗi trạm xe dừng

Thơ tôi chào đất nước buổi vào xuân
Trên con đường nối liền Nam Bắc
Núi một dải nhưng lòng người xa cách
Sông một dòng nhưng tình vẫn chia đôi

Thơ tôi dừng chân trên những ngọn đồi
Những nấm mộ hoang chưa một lần được đắp
Thơ trở lại khóc bạn bè đã khuất
Chén tương phùng sao thiếu mặt anh em

Thơ tôi về thăm những bác nông dân
Tội nghiệp con trâu già trên cánh đồng nắng cháy
Thơ sẽ nếm giọt mồ hôi thấm máu
Để mãi mặn mà như nước mắt quê hương.
*
*     *
Thưa Mẹ Chúng Con Đi - Thơ & Diễn ngâm Trần Trung Đạo
 
Thưa mẹ
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Chẳng phải là sương mù sao khóc lúc đêm khuya
Chẳng phải gió sao đời là dông bão
Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi
Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu.

Bốn mươi mốt năm
Chúng con sống trong âm thầm và chết giữa hoang vu
Biển cả, rừng sâu, non mờ, núi thẳm
Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm
Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau.

Bốn mươi mốt năm trời nuôi lớn một niềm đau
Mang một vết thương vẫn còn đang mưng mủ
Khi ngoảnh mặt trông về chốn cũ
Lòng chưa kịp buồn, nước mắt nhỏ trên tay.

Dải đất Việt Nam
Nằm co ro như một kẻ ăn mày
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả trời thương.

Chúng con đã hơn một lần có được quê hương
Bãi mía, hàng tre, bờ dâu, ruộng lúa
Bài ca dao ngọt ngào như giọt sữa
Chảy vào hồn theo tiếng Mẹ à ơi
Những cánh diều xưa dây đứt rớt vào đời
Bay lạc lõng bốn phương trời vô định.

Chúng con cũng đã bao lần suy niệm
Bốn ngàn năm lịch sử của ông cha
Thuở Hùng Vương
Đi chân đất dựng sơn hà
Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống.

Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát
Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san
Trần Bình Trọng chịu bêu đầu để làm quỉ nước Nam
Cũng chỉ vì tấm lòng tha thiết ...

Mẹ ơi, trăng còn có khi tròn, khi khuyết
Nhưng tình yêu quê hương chẳng khuyết bao giờ.
Trần Trung Ðạo
 
Thực hiện video clip VongNgayXanh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire