Hội họa, ngôn ngữ vượt không gian.Sáu mươi lăm năm về trước, tôi chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi. Cùng lũ bạn nhỏ ngồi xuống lề đường lấy gạch đỏ vẽ những tác phẩm trên hè phố Nam Ðịnh. Những mặt người hình tròn thơ dại. Những con chó có đủ bốn chân. Hơn 60 năm qua, trải bao nhiêu là dâu bể, ngày nay trình độ hội họa của tôi vẫn không tiến bộ. Cuối tháng tư vừa qua, tổ chức cuộc thi vẽ cho trẻ em, tôi ước mơ mình có khả năng hội họa để biểu diễn cho các em nhỏ, những đứa bé Việt Nam ra đời trên đất Mỹ. Ðối với thế hệ cao niên, dù Việt ngữ hay Anh ngữ cũng không phải là phương tiện truyền đạt hữu hiệu với con cháu.
Hội họa chính là nhịp cầu liên lạc hữu hiệu nhất. Con người, trước khi biết viết đã dùng nét vẽ để giãi bầy tư tưởng. Và ngày nay dù khác biệt sắc tộc và ngôn ngữ, cứ nhìn hình vẽ là hiểu nhau liền. Hội họa là nghệ thuật vượt không gian. Dù vậy, nhân loại cũng đã sáng tác và để lại nhiều danh họa bí hiểm hết sức đắt giá. Nhưng nếu là người Việt Nam muốn trở thành danh họa thì bạn có thể chọn Bùi Xuân Phái với Hà Nội Phố hay Nguyễn Gia Trí với sơn mài. Riêng tôi, tôi chỉ muốn vẽ được như ViVi, người họa sĩ muôn đời của tuổi hoa niên. Xin hiểu rằng trình độ thưởng ngoạn của tôi rất bình dân đối với những danh họa thế giới, không khác gì khi nghe nhạc hòa tấu nhạc cổ điển Tây phương.
Thông điệp của tuổi Xanh.Nhưng
trước khi giới thiệu với các thân hữu về ViVi, người họa sĩ Việt Nam,
đất Vĩnh Long, chúng tôi muốn nhắc qua về những bức vẽ của tuổi xanh
Việt Nam vào cuối tháng Tư đen vừa qua.
Ðể ngày bảo vệ môi sinh có thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức chuẩn bị cho các em thi vẽ. Cô giáo Hằng của trường Việt Ngữ hết sức sốt sắng cổ võ để các phụ huynh đem con em tham dự. Họa sĩ Ðào Hải Triều cấp tốc mở một lớp dạy vẽ trên đá gọi là Thạch Họa cho các em sáng tạo một tác phẩm ngay tại chỗ. Họa sĩ Quế Hương và các giáo sư hội họa trong ban giám khảo theo dõi cuộc thi để lựa chọn các giải trong số 12 tác phẩm tham dự. Cùng một lúc ở phía Nam vườn Kelley các em Hoa Kỳ cũng hoàn tất tác phẩm hội họa mà đề tài là vẽ cỗ xe ngựa của tiền nhân Hoa Kỳ 200 năm trước đã đi từ miền Ðông qua miền Tây. Ðề tài của các em Mỹ là “Forward West” nhắc lại câu chuyện đoàn di dân đến từ Ðại Tây Dương. Phía Bắc vườn Kelley một em bé Việt Nam vẽ con tàu vượt biên của viện bảo tàng mang ý nghĩa của thuyền nhân đến từ phía Thái Bình Dương. Ðó là bức tranh của em Sandra Ly (15 tuổi) vẽ bằng bút chì được chấm giải ba.
Giải nhất là em Emily Nguyễn (9 tuổi) vẽ đúng đề tài trồng cây, bảo vệ môi sinh.
Giải nhì là em Julie Lê (5 tuổi) vẽ hình trẻ em chơi trong vườn.
Và giải ba đồng hạng là em Aline Hoàng (11 tuổi) vẽ đề tài "Save the planet".
Hầu hết các em đều có đôi chút thiên bẩm về hội họa nhưng chưa từng đến tuổi để theo học một chương trình vẽ nghiêm túc. Trong các em này, cháu nào có thể là một Vivi tương lai?
Sau những năm phục vụ trong đơn vị tình báo, phòng 7 Tổng Tham Mưu, Võ Hùng Kiệt cũng vẫn mãi mãi là họa sĩ ViVi của miền sông nước Cửu Long. Một trong những thành tích hết sức quan trọng là ông đã tham dự hầu hết các kỳ thi vẽ tem Bưu chính Việt Nam và được giải thưởng đến 40 lần. Vẽ tem bưu chính là một đề tài hết sức cô đọng, đòi hỏi nhu cầu sáng tạo. Những bộ tranh bưu họa phản ánh nhiều sinh hoạt của chính quyền và xã hội. Ghi dấu các ngày lịch sử, nhân vật lịch sử bao gồm mọi lãnh vực chính trị, văn hóa, kỹ thuật. Mỗi con tem góp lại làm thành tập bưu họa ghi dấu nền văn minh của đất nước qua từng giai đoạn. Với bốn mươi tác phẩm đoạt giải vẽ tem bưu chính, quả thực là niềm hãnh diện chưa có họa sĩ nào đạt được.
Vốn xuất thân là tu sĩ dòng sư huynh La San, họa sĩ đã đóng góp rất nhiều tác phẩm ca ngợi Thiên Chúa mà trong đó nổi tiếng là hình vẽ 117 Thánh tử đạo Việt Nam.
Sau 1975 vì là quân nhân ngành tình báo, ông cũng nếm mùi cải tạo rồi vượt biên đến Canada năm 1982. Qua Mỹ năm 1995 và lập gia đình với ca sĩ Diễm Châu cư ngụ tại San Diego. Ảnh hưởng gia đình và nghệ thuật không biết theo chiều hướng nào mà Diễm Châu không làm cho ViVi trở thành ca sĩ mà chính cô ngày nay lại trở thành họa sĩ với nét vẽ trẻ trung của tuổi thơ. Nữ họa sĩ này lấy tên hiệu là Cát Ðơn Sa, hạt Cát của làng Ðơn Sa từ quê hương Quảng Bình miền Trung Việt Nam. Tranh của cô vẫn nằm khép nép, bên cạnh những tác phẩm lớn, và bộ sưu tập tranh đủ loai của ViVi. Hòa nhịp theo cuộc sống của di dân hội nhập, Võ hùng Kiệt còn có những tác phẩm vẽ ông Reagan và tượng đài Tổng thống Hoa Kỳ cùng với tranh vẽ về thảm kịch 9/11 tại Nữu Ước năm 2001. Tất cả đều là những tác phẩm ghi dấu lịch sử. Ngoài ra, đối với những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, bức tranh Tượng Ðài Thương Tiếc xụp đổ là tác phẩm gây xúc động đã được phổ biến trên điện báo cho cả triệu người xem.
Chúng tôi rất hân hạnh có dịp giới thiệu đồng hương đến xem tranh của người họa sĩ Việt Nam đất Vĩnh Long (ViVi).
Quí vị sẽ có dịp thưởng thức những bức họa hết sức sống động. Gần mà xa, xa mà gần. Những tác phẩm ghi dấu một thời đã qua. Tranh kỷ niệm của tuổi thơ thập niên 60, hình ảnh linh động của thế giới tôn giáo, của màu sắc âm dương hòa hợp, của thế tục và siêu nhiên. Trong thế giới muôn màu và nhiều chuyện của Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại, hội họa là một thế giới của tĩnh lặng và rất cần được lưu tâm. Họa sĩ Việt Nam tại hải ngoại không thể bị lãng quên. Ðến với ViVi là đến với tuổi thơ quá khứ và đến với sự yên tĩnh của tâm hồn. Hy vọng khách thưởng lãm sẽ đem về một mảnh trời quê hương Vĩnh Long…
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire