mardi 3 décembre 2019

Trần Hoài Thư – Thủ Đức… gọi ta về

(Viết từ đồi Tăng Nhơn Phú)
hỡi Na , những Na và Lý
bài thơ này quà tặng hai người
có chồng đi xa làm lính.
………….
này Lý này Lý thân mến
bạn có biết viên đạn đó bay đi đâu không
nó rơi vào hồn chúng tôi rồi nổ.
(Tình khúc cuối cùng ở K.B.C.4100
(Luân Hoàn và Cao Thoại Châu viết chung)
Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn.
(Trần Hoải Thư)

Thủ Đức Gọi Ta Về  

Cất tiếng đòi to. Tiếng đời rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn
(Bây giờ, Nguyên Sa)
Vết sẹo từ một cuộc chiến tàn khốc. Vết sẹo từ những kẻ sinh lầm thế kỷ. Vết sẹo từ một quân đội bị bức tử. Vết sẹo từ những nhục nhằn tù tội. Vết sẹo từ những chiếc mã tấu của lũ hải tặc. Và vết sẹo từ những cay đắng e chề của kiếp người bỏ xứ lưu vong. Chúng hành hạ. Chúng ngủ rồi thức. Chúng tiếp tục quấy rầy. Chúng không có lời giải. Như vậy, lấy gì để ta bám vào mà sống. Lấy gì để ta ngẩng đầu, ít ra, trong những ngày còn lại ?
Trong building tôi làm việc có một người cựu chiến binh da đen. Anh chỉ có mặt ở VN chưa đầy một năm, nhưng hình như VN đã làm anh tự hào khi nhắc đến. Anh luôn luôn khoác chiếc áo lính trận màu xanh olive, cũ mèm, và trên ngực áo của anh không phải đeo huy chương nhưng những huy hiệu đơn vị cũ. Trên mũ anh cũng vậy. Những huy hiệu cho tôi biết anh thuộc Sư đoàn 1 kỵ binh không vận Hoa Kỳ, mà bản doanh Bộ Tư Lệnh đặt ở An Khê.
Vâng, có gì để anh phải mang chiếc áo trận kia mỗi ngày? Ðó không phải là niềm tự hào hãnh diện?
Còn tôi, tôi cũng đang tự hào đây. Tôi cũng mang lại chiếc áo lính đây. Tôi cũng đội lại chiếc mũ rừng đây. Tôi cũng tự hào xuất thân từ một ngôi trường, mà đa số thuộc thành phần kẻ sĩ đây. Nó đã khiến tôi thêm một lần nữa ngẩng đầu. Và khi người cựu chiến binh Mỹ biết được cấp bậc của tôi, anh ta chào tay tôi. Vâng, tôi đã chào anh lại. Cũng như ngày xưa những người lính thuộc Sư đoàn Không Kỵ kia đã chào. Tôi chào vì tôi vẫn là một người sĩ quan Thủ Ðức.
Tôi không hổ thẹn. Tại sao lại phải hổ thẹn? Tôi không cảm thấy nhục nhả. Tại sao lại cảm thấy nhục nhả?. Tại sao người cựu chiến binh da đen ấy giờ phút này vẫn còn mang mỗi ngày chiếc áo màu xanh rừng ấy? Chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thông cảm nhau mà thôi.
Như vậy là Thủ Ðức đã miên triền thúc dục ta phải viết. Viết cái gì cũng được. Bởi vì từng hạt bụi cũng là dính dấp đến mồ hôi và nhục nhằn của ta. Một hạt cát cũng làm đau thốn bàn chân của ta. Thủ Ðức gọi ta về. Ai gọi đây, hay là tiếng tù và đã rúc lên trong những ngày đen tối. Ai gọi đây. Hay là tiếng gào thét xung phong đã chìm im dưới những ngôi mộ oan khiên ? Thủ Ðức gọi ta về. Có đủ để nói lên tất cả những ý nghĩ thầm kín nhất của ta, bạn bè ta, để cho con cháu ta đọc, hay để cho những người từng là kẻ thù của ta đọc, và hiểu rõ hơn về những người mà họ kết tội là hãm hiếp phụ nữ, giết trẻ sơ sinh. Hãy viết đi. Thủ Ðức gọi ta về. Một người khoá 13 TÐ kể lại lần về VN vừa rồi, anh em khoá 13 TÐ cùng rũ nhau họp mặt rất cảm động. Ðêm đó, ai cũng ôm nhau mà khóc mà cười.



Vâng, còn ta. Ta nên khóc hay nên cười hay nên im lặng. Lời kể của người bạn đã làm ta càng muốn viết hơn bao giờ. Hãy thử nhắm mắt lại, và thử tưởng tượng một buổi họp mặt Thủ Ðức tại quê nhà. Ða số đều bị thương tật. Bởi vì khoá 13, cấp bậc họ ít nhất cũng là đại úy, hội đủ điều kiện qua Mỹ. Và tuổi họ đã quá 50 hay gần 60. Ðáng lẽ họ là thành phần bất mãn nhất, bởi vì hầu hết bạn bè đồng khóa đều hưởng quyền lợi HO, trong khi họ, mắt mù, chân tay cụt, què. Họ đã bị thải ra ngoài cuộc chiến quá sớm. Họ đã bị xã hội mới trù dập hơn những người khác, bởi vì họ là sĩ quan. Nhưng họ vẫn có mặt. Dù không có hội trường, tranh ảnh, bích chương, biểu ngữ, ca nhạc, dạ vũ, diễn văn khai mạc, bế mạc. Họ vẫn có mặt bởi vì hơn bao giờ Thủ Ðức gọi ta về. Người bạn nói là anh đã khóc trước mặt họ. Anh không thể hiểu là trong những con người đầy bất hạnh như thế, tiếng gọi về của ngôi trường xưa lại thúc dục mọi người. Sài Gòn xuống. Vĩnh Long qua, Rạch Giá về. Và cả ba, bốn chục người. Họ chống nạng, mang kính đen, ống tay áo phơ phất, và mái tóc bạc phơ. Họ ngồi quanh bàn tiệc, cùng nhau kể lại, và ráng nhớ lại những người cùng khoá chết hay còn sống. Họ nhắc lại kỷ niệm. Và họ nâng cốc.
Họ không nói ra, nhưng chắc chắn là tim họ đã nẩy nở niềm tự hào.

Vâng, ta biết rồi. Ta cúi đầu ngưỡng mộ các niên trưởng của ta. Một bửa tiệc hội ngộ thì vẫn như trăm ngàn vạn bửa tiệc hội ngộ khác. Như hội ngộ cựu học sinh trường…Như hội ngộ làng, xóm…Tất cả vẫn là sự mừng vui tao phùng. Tất cả là những kỷ niệm của một thời. Tất cả là kẻ xa kẻ gần huyên thuyên tâm sự. Và bia và rượu và tiền bạc đô la. Nhưng ở buổi Thủ Ðức gọi ta về này, nó mang một ý nghĩa khác. Nó là một cuộc thách đố. Nó nói rằng, dù Thủ Ðức đã mất, bạo lực thống trị, nhưng tinh thần Thủ Ðức vẫn còn. Nó nói lên sự thách đố của người Thủ Ðức trong một hoàn cảnh đầy đe doạ và bất trắc.
Như vậy mà họ lại đến với nhau. Tại sao vậy.

Tại sao vậy? Hãy uống dùm đàn em một cốc rượu, để đàn em có thể diễn đạt trọn vẹn về một cuộc hội ngộ khoá 13 TÐ tại Cần Thơ. Ðể đàn em có thể thấy những người muôn năm ấy, hôm qua tụ hội trở về. Ðể đàn em có thể hình dung ra những ngọn gió từ lâu đã mất bây giờ trở lại, mang theo huơng mùi thân quen của những cây đào lộn hột, hay những hoa dại từ hai bìa đường từ cỗng số 9 ra Bãi bắn. Ðể đàn em được sống lại trong một giờ một phút cùng Thủ Ðức, giữa lúc bộ bán cầu não đang bị hao mòn. Hay là tiếng mớ thảng thốt của người bạn, tội nghiệp, không quen cam khổ hay là vầng trăng soi trên quân trường, lạnh lẻo và cô đơn. Thủ Ðức gọi ta về. Không phải về để mà than khóc, tiếc nuối cái hào quang, hay ngậm ngùi cho một cuộc bể dâu dâu biển. Mà trái lại, về để mà nung thêm lửa vào trái tim, để mà tự hào và hãnh diện. Về để mà nhìn lại một thời, ít ra, mình làm được một điều gì đó không hổ thẹn cùng lương tâm của mình và con cháu mình. Ðể chúng càng thuơng phục cha anh chúng hơn bao giờ.
Bởi vì cha anh chúng đã sống như thế đó. Khổ như thế đó, chấp nhận như thế đó. Rằng cha anh chúng đã được sinh ra trong thời nhiễu nhương như thế. Họ không muốn đi lính nhưng vẫn phải đi lính. Họ chẳng bao giờ mơ đến hoa mai vàng trên cổ áo mà vẫn có hoa mai. Dù hắn không thích chiến tranh nhưng hắn cũng vẫn có mặt trong guồng máy, và chấp nhận để trở thành một người lính trận.
Bây giờ, chúng tôi là kẻ sống sót. Ðáng lẽ chúng tôi phải sợ nhìn lại quá khứ, sợ nhắc lại màu áo trận xưa. Ðáng lẽ chúng tôi phải toát mồ hôi hột khi nhớ lại một thời mà con kiến cũng không lọt được bom đạn, để mà cố hưởng cuộc sống mới ở cái xứ mà hầu hết mọi người trên quả địa cầu này đều mơ tưởng: American dream. Nhưng tại sao, chúng tôi vẫn nhớ đến hôm qua. Nhớ như nhớ một cái gì không còn tìm được. Nhớ trong khi người ta cố lãng quên. Nhớ để như hôm nay, trời lạnh, ta mang lại chiếc áo jacket màu olive để đến sở, để trùm cái mũ đội đầu như ngày xưa ta vẫn từng trùm vào những đêm trên Trường Sơn. Và đôi khi mắt phải mờ đi khi xe ta qua một ngọn đồi sương mù dày đặc. Nhớ như thể nhớ một tình nhân đầu đời.
Vì sao? Vì danh vọng, hay địa vị hay quyền lực để mà nuối tiếc? Không. Ta là cấp thấp, một sĩ quan cấp úy nhỏ nhoi, chỉ chỉ huy một trung đội tối đa 20 người. Hay là tại vì đời lính tang bồng hồ thỉ, màu áo hoa dù, nhiều em gái hậu phương. Còn khuya. Những vũng bùn sình vẫn còn ngập lụt giao thông hào. Ðạn trái phá vẫn như còn gào thét bên tai chưa kịp hoảng hồn thì tiếp đến mưa đạn trái pháo khác.
Thì vì sao?
Phải, ta biết rồi. Vì không có mái nhà nào đầy tình nghĩa như mái nhà hôm qua. Vì trong cõi hoạn nạn vẫn còn nở những nụ hoa, trong cõi lầm than vẫn còn thấy những điều hạnh phúc. Vì ta được sống ở đây, đâu phải số nghiệp của ta, mà là nhờ ta đã mang cái màu áo trận của một thời.
Vì sao. Vì trong máu huyết của chúng tôi, chất lính vẫn còn chảy đậm. Nó giúp chúng tôi vươn lên sau những lần ngã quị.
Vì sao. Vì có những bạn bè đồng đội, và cấp chỉ huy của chúng tôi đã mở chốt lựu đạn, đã lấy súng kê vào màng tang của họ để bóp cò. Họ đã làm chúng tôi phải tự hào được mang cùng một màu áo…
Vì sao. Vì càng ngày chúng tôi càng hiểu rằng, việc chiến đấu của chúng tôi là đúng. Cho dù chúng tôi là kẻ thua trận.
…Bây giờ chúng tôi đã mất hết, may chỉ còn lại cái danh dự của một con người. Danh dự đã nuôi dưỡng chúng tôi, giúp chúng tôi còn đứng thẳng mà không hổ thẹn với con cháu và người bản xứ.
Danh dự của một người cựu sĩ quan trẻ tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Ðức. Vì chúng tôi đã chu toàn bổn phận rất khiêm nhường của một người lính. Chúng tôi đâu có để nơi chúng tôi gìn giữ bị mất. Chúng tôi đâu có để pháo địch bắn vào thành phố khi chúng tôi được lệnh bảo vệ vòng đai. Chúng tôi không có ra lệnh rút lui mà chỉ ra lệnh xung phong chiếm mục tiêu. Chúng tôi không bao giờ cãi lệnh dù cái lệnh ấy là cái lệnh thí quân ngu xuẫn. Chúng tôi đã đánh giặc với trái tim đầy nhân bản. Chúng tôi không hổ thẹn bỏ rơi đồng đội. Chúng tôi đã ngẩng đầu khinh mạn dù chúng tôi ở trong tù tội… Chúng tôi cũng mang trên vai những tấn nợ như cả miền Nam đã mang. Chúng tôi cũng đã vác thập tự giá trên những triền đá sắc của quê hương đất nước như cả một thế hệ đã vác.
Chúng tôi là những người tốt nghiệp từ Thủ Ðức, một quân trường đào tạo trung đội trưởng bộ binh trong vòng chín tháng. Nó là nơi mà một ngài cựu đại tá tâm sự là sợ phải đâm lưỡi lê vào tim người nên không dám đầu quân vào bộ binh. “Ðầu tiên, tôi được lệnh đi khoá Một Nam Ðịnh. Nhưng nghĩ lại cái cảnh phải mang súng trường gắn lưỡi lê đâm vào tim người cho dù là hình nhân đi nữa, tôi phát sợ. Cuối cùng tôi đầu quân vào đơn vị khác. Dầu là hiện dịch, nhưng chắc ăn”. Nó cũng là nơi mà một cựu thiếu tá phải thú thật rằng, lý do ông không vào Thủ Ðức bởi vì ông sợ chết… Thủ Ðức chết nhiều quá…


Vị đại tá kia có lý của ông. Bởi tâm ông là tâm hiền. Không thể bắt ông cầm súng gắn lưỡi lê để đâm vào tim người được. Cũng như vị thiếu tá kia. Ông đã dám nói thật. Thật về cái ý nghĩ, tâm trạng thầm kín nhất giữa lúc người ta không dám nói.
Và đó là lý do chúng tôi phải tự hào thêm một lần nữa. Chúng tôi đã chấp nhận đến một quân trường mà hai ông sĩ quan cấp tá đã sợ và tìm cách xa lánh. Nó là nơi mà chúng tôi, những người cùng chung một số phận, chung một định mệnh, đã nương tựa lẫn nhau, đã chia xẻ cùng nhau cái nghiệp của người thanh niên trong thời loạn.
Nhưng ai có thể dám nói rằng, những thầy giáo, những kỹ sư, sinh viên hay những kẻ thi rớt tú tài 2 là những kẻ khi đánh giặc thì ở đàng sau, khi tan hàng thì chạy trước ?
Xin hãy đọc dùm những hàng sau đây viết về ngày cuối cùng ở truờng Bộ Binh Thủ Ðức để hiểu rõ hơn:
“…Chiếc T54 bắn một hồi rồi di chuyển về phía cổng số 9. Nhưng cổng này đã bị 4 chiếc xe đậu chặn ngang đường. Nó lại chạy ra cổng số 1. “Nó chạy ra kìa.” Một sinh viên sĩ quan la lên. Các tổ M72 thi nhau nhả đạn. Chiếc chiến xa T54 lần này cũng may mắn không bị cháy nhưng bị đứt xích, nó cố gắng lết ra đến Niệm Phật Ðường Quảng Ðức Chợ Nhỏ quay pháo tháp vào trong trường và nhả đạn như mưa.
Trước tình hình nan giải này, hai khóa sinh chưa được gắn cấp hiệu alpha, đã tình nguyện mỗi người mang 4 trái lựu đạn lân tinh bò ra tiêu diệt chiến xa địch. Họ đã bò qua mấy đường hẽm ở Chợ Nhỏ tiến về phía sau Niệm Phật Ðường cạnh chiếc T54 vẫn đang nhả đạn vào trường. Bỗng một quả cầu lửa nổ tung, tiếng nổ long trời, một cột khói đen hừng hực bốc lên như hàng chục trái mìn chống chiến xa cùng nổ một lúc.Tiếng reo hò vang lên từ những vị trí phòng thủ: “Chiến xa cháy rồi. Nó cháy rồi.” ”
(trích Ngày Cuối cùng tại trường Sĩ quan Thủ Ðức của Minh Tân Lê Quảng Trị, KBC số 22)
… Ðêm đầu tiên tại ngôi trường lính là đêm xuống tóc. Ðêm vĩnh biệt cuộc đời dân sự, chào tay tự do muôn năm, giã từ những đám mây bềnh bồng của tuổi trẻ. Ôi những sợi tóc xanh của một thời mộng mị, xanh mướt cơn mơ, mà cũng đầy những màu buồn bã của một thế hệ chiến tranh, với một vài sợi trở thành bạc trắng, lẻ loi, ngơ ngác làm sao. Những mái tóc đã một thời chải chuốt, trang điểm cùng đời. Những đầu tóc đã một thời để dài nổi loạn. Những dấu vết thanh niên ngậm ngùi từng cuộn, từng đám bay xuống thềm, rụng xuống đất, hay vương vít trên chiếc khăn trắng choàng quanh cổ. Ai buồn ai vui ai trong đêm xuống tóc. Ai nhỏ lệ ai mừng vui ai hãnh diện ai cợt đùa. Chiếc tông đơ tàn nhẫn ủi rạp, cắt ngang không thương không xót. Không cần nhìn vào tấm gương cũng biết hình bóng ta như thế nào. Bởi ta đã thấy ta qua những người bạn cùng cảnh ngộ. Kỳ lạ. Lạ kỳ. Ta không muốn nhưng ta vẫn chào thua. Ta không thích nhưng ta vẫn bị ép. Ta cúi đầu, nhìn tóc ta nằm tung vải tội tình. Ta mặc niệm một thời trên những sợi đen như mun, như hồn ta cũng đầy những bãi mồ nhang khói. Tóc ơi. Tóc ta để dài như đời ta buông thả. Tóc ta biếng lười ủ rũ như nỗi chán chường nôn mửa hiện sinh. Thế mà bây giờ, như thế đấy. Không cần biết ta là ai. Không cần tôn trọng ta là ai. Ta đã không còn là ta nữa.
Ðêm đầu tiên lạ lùng làm sao. Sự thay đổi đến kỳ cục. Từ một thế giới bao la mênh mông, ta phải chạm trán một thế giới tù túng, chật chội, rập khuôn của tập thể. Ngoài đời, ta chỉ biết có ta, không cần nhớ số kiểm tra, căn cước, khai sinh, ngày sinh tháng đẻ. Nhưng ở đây ta bắt đầu phải nhớ. Ðó là số quân. Số quân là ta. Ta là số quân. Ta phải dùng nó khi trình diện. Ta phải khắc nó vào thẻ bài. Ta phải nhớ nằm lòng khi gặp cán bộ. Ta chính là cái máy có nhản hiệu không phải nhản hiệu con người mà nhản hiệu đầy những con số. Sự thay đổi khiến ta trở thành thụ động. Thụ động và chấp nhận. Không cần biết cái lệnh kia đúng hay sai. Thi hành trước khiếu nại sau. Không cần biết lý lịch căn gốc, không cần biết bạn là kỹ sư tôi là thầy giáo, bạn là kẻ tình nguyện và tôi được hoãn dịch nhiều lần. Không cần biết bạn có lý tưởng ngút trời còn tôi thì Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi đau lòng ta muốn khóc…
Rồi chúng ta được phát quân trang, quân dụng. Rồi được chích thuốc làm quen mưa quen nắng. Chỉ chích một lần. Nhưng là một lần để đời. Cả đêm thuốc hành đến nóng sốt, và mấy ngày thuốc làm vật vả làm vết chích sưng đỏ cả cánh tay. Rồi, những thằng lính mới tò te, trong những bộ quần áo khác cở, rộng thùng thình, đội chiếc mũ beret đen, bắt đầu xuất hiện, bên cạnh những người sinh viên khoá đàn anh. Rồi những lần chào tay rụt rè lúng túng. Rồi dần dần ta càng biết thêm về ngôi trường. Về chín cổng quân trường, về F(Phòng), K(Khu), B(Bãi), khu thiết giáp, trại gia binh, hội quán sĩ quan, 301, chỗ nào dễ dàng chui rào trốn trại…Ta mới khám phá cả những dịch vụ âm thầm mà mạnh mẽ nhắm vào ta. Từ hớt tóc, sửa quần áo, giặt ủi, hay ăn uống, nhậu nhẹt, ghi sổ trừ lương.
Ta mới biết chị Năm, chị Tám, những người tiên phong trong việc phát minh và áp dụng thẻ thiếu chịu trên hoàn cầu bằng những cuốn vở mà chúng ta quen gọi là những trang nợ đời. Họ không tốt nghiệp trường kinh tế tài chánh nào, nhưng họ đã biết rõ thói quen của con người. Ăn trước tính sau. Họ cũng biết chắc là không ai có thể quịt nợ họ được. Bởi vì họ đã nắm chắc cái cán là tiền lương của đám sinh viên chúng ta. Họ ngọt ngào lắm, dễ thương lắm, con gái họ cũng xinh lắm. Họ nấu cơm tháng cho những sinh viên trưởng giả. Họ cung cấp bia rượu dù ở đây chúng ta không được phép dùng. Họ còn biết rõ hôm nay đại đội nào đi bãi, ở bãi nào, để họ tăng phái đội quân bán hàng rong. Họ biết rõ hơn ai tánh tình từng ông cán bộ, hay huấn luyện viên. Họ hiệp cùng Ban quân lương thẳng tay trừ nợ sinh viên không thương xót. Họ đã đi vào đời sống của chúng ta từ khoá này qua khoá khác. Cần gì mơ được nổi danh, nổi tiếng, hay nhiều người biết. Chị Tư, chị Năm, chị Tám, ai lại không biết, và ai lại không bồi hồi khi nhắc lại những bà chị sẵn sàng cho chúng ta ăn uống thả dàn, ghi sổ thả cửa. Ðể ta còn tìm lại những gì đã mất sau khi vào trường lính. Trong bóng lờ mờ của ánh điện vàng, bóng ta bóng bạn lay động trên vách. Thủ Ðức đầy ấp gió. Những ngọn gió từ khắp hết trời quê hương. Ðể đêm nay, gió làm mái tóc cô hàng tung toé. Ta mang gió cho cô hay là cô mang gió cho ta. Ôi, những ngọn gió quân trường. Càng lên cao càng lộng. Gió cuốn bụi đỏ trên bãi bắn hay bãi bò hỏa lực. Gió làm lá cao su trên đồi rụng đầy. Gió đã đẩy đưa những định mệnh có cùng một mẫu số chung, góp lại thành bão. Bão là sức mạnh. Quân đội nói thế. Nhưng ta thì chẳng cần những mỹ từ dân vận tâm lý chiến ấy. Ta chỉ cần: Ta mang gió núi miền Trung lại. Em sưởi dùm ta một mảnh tình. Ðôi khi thấy lá vàng Nhơn Phú. Ngỡ hồn mình hiu hắt vàng thu. Như vậy, ta cần phải cảm tạ một chỗ bên đời gian khổ. Dù chỉ là một hai tiếng đồng hồ được quyền tự do sau giờ ăn, ta vẫn không quên la cà những quán bên đường trong khu Thiết Giáp. Ðể ta còn khuấy cốc xây chừng, để ta còn uống thêm nét buồn vời vợi, để em còn ghi tên ta trên cuốn sổ nợ đoạn trường trước khi ta xuống núi.
Còn nữa. Còn hội quán sinh viên sĩ quan rộng mênh mông. Nơi cà phê không ngon không vị, nhưng có cô hàng có bờ lông măng rất mượt, khiến mỗi lần nhìn mỗi lần động đậy tà dâm. Em không cho ta ghi sổ nhưng em đã cho ta ghi em, một bóng hồng rất hiếm muộn tại ngôi trường lính.. Em của ngày xưa, ba mươi năm về trước. Xin em cho ta được trở về một thời tuổi trẻ. Ta sẽ gắng nhớ, gắng cảm nhận những giọt mồ hôi vàng. Những giọt mồ hôi vàng đọng lóng lánh trên vầng trán của bạn bè ta dưới vành nón sắt. Ðể ta còn thấy ta, thấy cả bè bạn. Em có thấy trên vách tấm tranh vĩ đại mà khoá đàn anh ta đã vẻ không?. Màu đỏ. Màu đen. Người sinh viên bắn cung. Ta nghe ai nói người họa sĩ kia đã tử trận. Thì ta đang tiếp anh ta đây.
Ta đang nhớ về Thủ Ðức như bạn ta đang nhớ. Có phải đêm qua gió quá dữ để bãi bắn rụng đầy lá cao su. Và quân trường những cơn mưa lá ngâu đã rụng xuống doanh trại. Gió lộng như từ tứ phương tụ hội về đồi. Gió mang suốt ngày khắp nơi vang vang lời ca Ðường trường xa và nhịp đếm Một Hai Ba Bốn. Ô hay, ta gầy còm, trên dưới 40 ký, thế mà cũng chịu đựng được sao. Quân trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Kinh nhật tụng cho giai đoạn một. Tay ta trói gà không chặt mà đòi đánh một hai. Hai chân ta đôi khi luống cuống, bước không đúng nhịp mà đòi đi diễn hành cuối khoá. Ta tập quay trái, quay phải, quay đằng sau. Chân trái phải xê dịch như thế nào, chân phải phải quay ra làm sao. 90 độ. Phải rán tập trung trí óc. Chụm chân lại. Rồi quay 90 độ. Phải rán nghĩ trong đầu. Khi đi phải bắt đầu bằng chân trái. Rán mà nhớ. Ta chẳng khác một tên học trò lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái roi mây của thầy. Ngày nhỏ, ta tập lính bước một hai, khẩu súng là cuống chuối hay khúc gỗ mang lên vai. Bây giờ, ta cũng vậy. Vẫn là một trò chơi bất tận. Nhưng thời nhỏ dại ấy lại quá dễ dàng, cớ sao bây giờ lại quá khó. Bằng chứng là ta bị phạt liên miên.
Bây giờ, quá xa, quá lâu để mà nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng hình như bên tai ta vẫn còn văng vẳng tiếng hát vang lừng từ một góc trời Tăng Nhơn Phú. Cám ơn nó, bởi vì nó khiến lòng ta ấm lại giữa lúc tiếng gọi đò chiều đã dục. Không biết tới chuyến nào sẽ chở đời ta qua bên sông cô tịch. May mà tiếng hát nào như gió bão đánh bạt cái ý nghĩ đen tối bi quan. Ta đã dứng dậy đến bên khung cửa. Dưới ánh điện đường trong một đêm về sáng, ta thấy lại một vũ đình trường, với những ống đạn pháo binh sơn trắng bao quanh, ta thấy lại những đại đội đang xuôi ngược diễn hành. Có khi hai đại đội cùng di chuyển đối đầu nhau, và một bên dậm chân tại chỗ, chờ bên kia vượt qua. Không ai bận tâm lấy ai. Phải nhìn thẳng. Phải ca phải hát. Lính phải hùng. Gió làm lời ca bay bổng trên chín cổng, vang khắp bãi đồi. Khi hai chân ta bước nhịp, hai tay ta đánh theo, miệng ta cất lời, thì bạn ta cũng vậy. Tất cả sẽ tạo nên một tập thể đồng nhất, tiến về phía trước. Trời ơi, cả một rừng cờ sắc áo như thế, khoá này tiếp đến khoá khác, biết bao nhiêu bước chân tập tành để chuẩn bị cho một cuộc lên đường, để rồi, vũ đình trường giờ đây chỉ còn lại một bãi mồ hoang phế. Tiếng ca hùng tráng ngày ấy đâu rồi. Tiếng hát đã một lần lồng lộng cùng lá cờ giữa sân ngôi trường lính ngày ấy đâu rồi. Cổ họng ta đã một thời gào to cùng tiếng ca lời hát, thế mà bây giờ nó nuốt vào đến nghẹn những bài hát kỳ lạ, lạ kỳ. Những bài hát của kẻ thắng trận. Hãy quên. Hãy quên. Làm sao ta có thể quên được. Họ vẫn cho ta ăn dù khẩu phần còn thua một con chó. Họ vẫn cho ta làm, họ vẫn cho ta hát ca… Bão nổi lên rồi. Chỉ nhớ bốn chữ. Kẻ thua trận hát về trận bão cuốn lốc đời hắn, bắt hắn phải bị đày đọa mất nhà mất cửa, xa vợ xa con. Kẻ thua trận gân cổ ca Giải phóng miền Nam… Chỉ nhớ nổi 4 chữ. Hãy quên. Người ta cấm ta hát ta ca, nên ta mới không bao giờ quên những lời ca tiếng hát đã dạy ta khôn lớn. Như vậy ta làm sao quên được.

Trong một đêm về sáng, ta nghe tiếng động bên ngoài. Có lẽ trời đã nổi gió. Xứ người. Ta đang ở xứ người. Ta không có gì để mơ ước nữa. Nhưng rõ ràng tại sao hồn ta lại trôi dạt về một phương nào. Về một nơi đã dạy ta, trui rèn ta, ít ra, sức mạnh về sự tự tin, để ta còn dùng nó trong những ngày đen tối nhất.
Bởi vì, ta biết ta sẽ làm được, như đã từng mang khẩu garant nặng nề, như đã từng bò hỏa lực, leo dây tử thần, hay di chuyển bộ hàng bao cây số trong khi thân ta chỉ là ngọn cỏ ngọn lau. Ta có thể làm được, bởi mưa và nắng Tăng Nhơn Phú đã làm da ta đen và dày dạn hơn, để ta làm quen với mưa và nắng của kiếp đời lính tráng và tù tội.
Ngày còn dân sự, mỗi lần gặp mưa là ta ho ta cảm. Khi trời mưa bão thì ta ngại ta chùn. Nhưng quân trường đã dạy ta, cứ lao vào, lao mạnh vào, bất chấp, càng mưa bão, ta càng khinh mạn, càng sấm sét ầm ầm, ta càng lạnh lùng. Cảm tạ hai mùa mưa nắng, dạy ta gian truân để ta mới vượt qua bao nhiêu thử thách. Không thể ngờ một gã thư sinh, đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, mang bộ đồ trận như mang cái bao tải, vậy mà đã đi thứ lính thám kích chuyên nhảy diều hâu bắt mồi. Không ngờ ta đã vượt qua tất cả những khó khăn như mọi người. Không ngờ ta không bỏ cuộc. Cám ơn trường lính dù không bao giờ ta muốn nó. Cám ơn nó đã bỏ đôi giày nhà binh nặng trịch như hai hòn đá vào hai bàn chân ta, bỏ khẩu súng thép lên vai ta, cái ba lô và những sợi dây đạn trên lưng ta, chiếc nón sắt trên đầu ta, để ta được làm quen với nỗi nhọc nhằn của chung một thế hệ. Cám ơn trường lính, ít ra, những cơn mưa vần vũ xối xả trên những bãi bắn, bãi tập kia, đã giúp ta còn đứng vững cùng những thử thách lớn lao hơn, ghê rợn hơn từ những cơn mưa oan khiên của Trường Sơn và của rừng khổ sai biên giới. Cái thử thách của trường lính đã tích lủy lại trong da thịt, trong buồng tim buồng phổi để mình “tự thắng” lấy mình. Học nhẫn nhục. Học chịu đựng. Ðể rồi sau này, khi nằm trong tù tội, ta lại thêm một lần mang bài học này ra áp dụng trước những cơn bão cuồng điên của kẻ chiến thắng.
Trời lại nổi gió. Sleepy Hollow, trủng ngủ, nhưng ta đang thức. Gió đã cuốn cát bụi bãi bắn làm che mờ tầm nhắm vào lổ chiếu môn. Gió làm bạt những chiếc áo mưa lính, lất phất khi ta ngồi trên bãi học bài học về địa hình, hay phục kích. Gió làm cát vũ đình trường bay cuồn cuộn khi đại đội di chuyển qua sân cờ. Gió đẩy đưa những kẻ lạ lẩm nay lại được quen biết nhau. Bạn từ Sóc Trăng, ta từ Huế. Bạn nguyên là Thiếu sinh quân. Ta là giáo sư. Bạn hiền như cục đất, da trắng như con gái. còn ta cận thị, gầy ròm. Ðể rồi bạn nằm giường trên ta nằm giường dưới. Ðể rồi tự nhiên ta với bạn cùng chung trung đội, cùng bị phạt dã chiến chung, hít đất nhảy xổm chung… Ðể rồi ta được cơ duyên được quen bao nhiêu người khác, đến từ khắp nơi khắp chốn.
Ðến để mà bỏ một phần đời trong đấy. Ðến để thừa hưởng từ khoá đàn anh, chiếc giường sắt, cái tủ đứng, khẩu súng trường. Ðến để tiếp tục những gì như khoá đàn anh hôm qua đã trải qua. Và hết ngàn người này đến ngàn người khác, cho một trò chơi triền miên bất tận. Không biết chiếc giường ta đang nằm, ngày trước có một người đã từng nằm, anh ta còn sống hay đã nằm xuống vĩnh viễn. Không biết bao nhiêu người đã có mặt trong phòng này và bao nhiêu người đã ra đi. Ðôi khi trong đêm ta thức giấc, thấy vầng trăng hiện ngoài khung cửa phòng, sáng vằng vặc, bỗng nhiên nhớ đến hai câu thơ Chinh phụ ngâm: Chàng từ khi vào nơi gió cát. Ðêm trăng này nghỉ mát phương nao. Rồi ta cũng sẽ trở thành nhân vật chàng ấy, như tất cả những người đã có mặt tại nơi này. Có điều khác với người xưa, có người vợ, có người tình, có người lo sợ, còn chàng hôm nay, không có gì hết. Cuộc chiến tranh này quả là mất dạy nhất, chó đẽ nhất. Nó làm cha mẹ ta phải xa lìa mỗi người một ngã. Nó lại làm ta và em lại không được gần gũi nhau. Khi mà em cứ xem ta là lính đánh thuê, thì ta còn ai để mà làm kẻ chinh phụ. Khi mà tâm trí em chỉ biết mơ đến hoàng tử hay những ngài khoa bảng, kỹ sư, bác sĩ, giáo sư đại học, luật sư… thì có ai còn khóc dùm ta một giọt lệ thừa… Trong những đêm trăng như thế, tự nhiên lòng ta yếu mềm. Ta thèm những tiếng ngáy, tiếng thở của bạn ta. Ta ao ước được nghe tiếng hát trong máy thu thanh. Ta ao ước được mở đèn đọc một trang sách mới… Ta thèm được ngồi vào bàn và viết. Nhưng ta đành bó tay. Rõ ràng ở đây không còn quyền cá nhân nữa.
Bây giờ ta mới thấm thía được thế nào là mùi quân đội, là cái gian khổ của người lính mà từ lâu ta không thể hình dung ra nổi. Ta mới hiểu được khẩu Garant là nặng như thế nào. Cái ba lô, nón sắt, dây nịt đạn, đôi giày trận là nặng như thế nào. Ta chạy lên dốc mà hai chân như quị xuống, để hiểu rằng, có những người lính binh nhất binh nhì, những khinh binh, những người mang đại liên, súng cối, họ còn cực gấp trăm ngàn lần hơn ta nữa. Khi ta di hành từ trường ra bãi, trên lưng trên vai chỉ bấy nhiêu thứ như poncho, dây đạn, khẩu súng trường, mà ta thở hồng hộc, mà mồ hôi đổ ra như tắm để hiểu rằng dưới ta, có những người lính cấp bậc thấp, chiếc ba lô còn có cả mười mấy ngày lương khô gạo, áo quần, hai lần cấp số đạn, lựu đạn… còn nặng gấp chục lần hơn những gì ta đang mang nữa. Những con cá mối bất tận ở nhà bàn vẫn còn quí gấp trăm lần chiếc lon guigoz âm ấp nước mưa của người lính ngoài chiến trận. Ta chỉ di chuyển một hai cây số mà đã mỏi mê, trong khi những người lính ngoài tiền tuyến thì hết ngày sang ngày khác
Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là một thằng dốt nát
Trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay
Bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
Bây giờ đứng gác đêm ở rừng già gió lạnh thấu xương
Ta mới biết rằng sương lạnh như thế
Ta mới biết rằng gió lạnh như thế
Ta muốn kêu to lên ta là một thằng dốt nát
(Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vảng, Nguyên Sa)
Bây giờ ta mới hiểu thế nào là tập thể. Ta biết thế nào là tiểu đội trung đội đại đội. Ta trần truồng như nhộng trong nhà tắm chung. Ta vừa đi một hai như chú lính tò te vừa hát bài Lục quân Việt Nam. Hai tay ta quị xuống, mông ta nằm rạp xuống tuyệt vọng khi ta bị phạt cả trăm lần hít đất nhảy xổm. Ta bị phạt chạy vòng vòng quanh sân đại đội, vừa chạy vừa gào. Ta bị đánh thức trong đêm, hoảng hốt cuống cuồng, nghe tứ phương rầm rập bước chân, nghe tiếng còi ré lên trong đêm đen tối, để năm phút là phải sẵn sàng trình diện. Ðể ba lô nón sắt, súng trường, đạn dược được khám xét. Rồi sẽ có kẻ bị phạt dã chiến vì tội lỡ quên… Trong bóng tối, ta mang kiếng nhìn ta, nhìn bạn bè. Những bóng người mờ mờ ẩn ẩn. Ðêm đồi Tăng Nhơn Phú lành lạnh. Cái lạnh khiến ta thèm được nhấp hớp cà phê và đốt thuốc. Nhưng ở đây cái lạnh lại kèm theo cái lo. Lo cán bộ xét khám dây giày ta chưa buộc, cấp số đạn ta mang không đủ, thẻ bài ta bỏ quên… Ta mới sợ những cơn mưa và cái nắng nung người. Sẽ không còn là những hạt mưa tháng sáu của Nguyên Sa:
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa ?
Anh vẫn xin mưa phong tỏa đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm
Bởi vì đôi giày ta cần phải bóng loáng như mặt gương. Ta mới hiểu thế nào là lạnh, rét, là tầm nhìn hạn chế… Ôi cơn mưa Tăng Nhơn Phú, xoá mờ bãi bắn, run rẫy những hàng cây cao su như những con ngựa rũ bờm. Ta mới biết thế nào là bò hỏa lực, bò sấp bò ngửa dưới trời mưa hay dưới cái nắng cháy người. Thế nào giọt nước mưa hoà cả mồ hôi và bụi đất của đồi của bãi. Thế nào là nòng súng, cơ bẩm được giữ gìn cho khỏi dính bụi dính nước. Thế nào là giọt nước che mờ tròng kính. Trường lính. Ta sợ gian truân nhưng ta lại phải tập tành cùng gian truân. Hỡi em, người em Sài Gòn ta không biết, không quen, mà sao ta lại thầm thì: Xin em hãy nghe dùm ta mưa nặng hay không. Xin em hãy mang dùm ta chiếc áo mưa màu tím hoa cà, và để đầu trần mưa đọng dầm lóng lánh. Ta còn mấy tuần huấn nhục nữa, rồi ta được khoá đàn anh gắn alpha. Rồi ta sẽ được đi phép, sẽ xin phép được về thăm em…
Thời gian giai đoạn Một, có lẽ là thời gian huấn nhục. Thấy đàn anh phải chào tay. Thấy cán bộ phải chào tay. Chào bắt mỏi. Và những đêm khám xét hầu như thường trực xãy ra. Và những lần hít đất nhảy xổm thì như hai món ăn chơi. Và những lần ta bị xài xể từ cán bộ, mà chỉ biết cắn răng. Trời ơi, cái tôi của ta, cái tôi mà cha mẹ ta đã nưng niu chiều chuộng, cái tôi mà khi ta nóng sốt, người thân của ta phải hốt hoảng cuống cuồng, bây giờ như thế đó… Cái tôi giáo sư, kỹ sư, tiến sĩ, hay những ông đồ…
Nói về một ngôi trường là nói về những kỷ niệm. Kỷ niệm với bạn bè, thầy cô. Kỷ niệm về những ngày tháng vô tư ngây dại hay hoang nghịch của tuổi thiếu thời. Nhưng với một ngôi trường chiến tranh, kỷ niệm chỉ là những mồ hôi gian khổ, những khối nặng mang trên mình, thì có gì để mà nhắc nhở. Không phải vậy. Phải nhớ. Nhớ bởi vì, nó khởi đầu cho một cái nhìn khác, suy nghĩ khác.
Ta đã từng cầm súng gác đêm tại lô cốt số 6. Ðêm nay hết một năm. Lại gác đêm giao thừa. Quê hương chừng rét lắm. Lất phất dưới làn mưa…Bây giờ ta mới thấm thía được ý nghĩa của những câu thơ mà ta không nhớ hết. Thời còn dân sự, ta chỉ biết thưởng ngoạn nó, nhưng không cảm nhận nó. Bây giờ ta đang ở trong cuộc, ta cũng cầm súng canh gác, trời cũng lất phất mưa. Quê hương chừng rét lắm. Tâm hồn ta bỗng nhiên lớn hơn, bao la hơn. Ta bay bổng khắp quê hương. Ta như người phi công trong một chuyến bay đêm, hãnh diện nhìn quả đất. Bây giờ ta mới hiểu tại sao người thơ lại dùng chữ lại, thay vì chữ được. Ðược mang ý nghĩa của niềm hãnh diện. Lại có ý nghĩa là sự bắt buộc, là phải tuân hành. Nhưng tuân hành không phải là không làm tròn nhiệm vụ. Có lẽ quân đội chỉ cần người tuân hành. Bởi thế kỷ luật là sức mạnh, người ta luôn luôn nhắc nhở như thế.
Nhưng tuân hành không phải để trở thành nô bộc. Người ta không thể lạm dụng hai chữ kỷ luật để bắt kẻ thuộc cấp trở thành nô lệ, nô bộc. Sau này tôi đã hiểu rõ hơn về cái lạm dụng này. Khi người sinh viên chúng tôi được lệnh phải đánh giày thật bóng, xếp drap xếp mền thật kỷ, dọn tủ quần áo thật ngăn nắp, có nghĩa là chúng tôi được học bài học là một người sĩ quan, trước hết anh phải làm gương cho kẻ khác. Anh phải dấn thân trước hết. Làm sao tôi có thể biết là ngoài thực tế, có một vài đơn vị trưởng được xem như ông vua nhỏ. Ngay cả một trung đội trưởng với cấp số trên dưới hai mươi người, còn được cấp một người mang gạo, nấu ăn, chẳng khác một người hầu không công, huống hồ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng. Chẳng những cho các ông mà còn cho vợ con các ông nữa. Thiên hạ sợ các ông, bởi vì dưới trướng của ông là súng ống, và binh sĩ, là đám cận vệ luôn luôn chứng tỏ trung thành tuyệt đối. Làm sao tôi biết, những người hầu kia, đã từng bị cấp chỉ huy bạt tai, đá đít vì đã quên đánh giày, hay giặt quần giặt áo, giặt tấc cho ông thầy hay để xe các ông bị dơ bẩn. Làm sao tôi có thể hiểu khi trường lính huấn luyện tôi phải một mình tự lực vuơn lên, đừng bê tha cẩu thả, thì ngoài đơn vị, tôi trở thành thầy chủ. Con người khi sinh ra đều được bình đẳng. Không thể có tớ có thầy. Có phải vậy không?
Chúng tôi đã được huấn luyện để làm quen với cam khổ. Từ cam khổ con người mới hiểu được cái cam khổ của người khác. Chúng tôi đã được huấn luyện để hiểu thế nào là sức mạnh của kỷ luật. Từ kỷ luật chúng tôi mới có thể làm kẻ lãnh đạo chỉ huy. Nhưng trên thực tế, kỷ luật là con dao hai lưỡi. Nó tạo nên độc tài, độc tôn. Nó không cho kẻ dưới cấp được quyền nói lên tiếng nói. Nó dùng lon cấp để ra lệnh, mà người thuộc cấp không cần biết cái lệnh ấy hợp lý hay không hợp lý, đúng hoặc sai. Ta phải nhắm mắt.

  

Nhưng người Thủ Ðức không phải chỉ biết nhắm mắt trong mọi trường hợp. Như trường hợp sau đây của một chuẩn úy khi anh yêu cầu đại bàng tản thương người chết và người bị thương ra khỏi vùng để rồi sau đó nhận được những lời của vị chỉ huy mặt trận:
…Tôi cầm tay Thảo. Cả tay chân anh mềm nhũn, hai mắt thâm đen và anh cũng không còn thấy được nữa. Hơi thở thoi thóp, miệng lắp bắp:”Thái ơi, Thái ơi ba chết!”. Tôi lắc khẽ vai anh. “Thảo, Viện đây. Anh không sao đâu, trực thăng sẽ đưa anh về quân y viện ngay. Cố gắng lên!”. “Thái ơi, Thái ơi! Ba chết!”. Thảo cứ gọi tên đứa con trai mà anh cưng nhất của mình, hơi thở mòn dần, và anh đã trút hơi thở sau cùng lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 01 tháng 3 năm 1970.
Thảo chết, Trung sĩ Trai bị thương với 4 người lính khác. Tôi báo ngay về trung tâm chỉ huy hành quân tại chi khu và yêu cầu phương tiện tản thương. Bạch Hổ bảo đã báo tiểu khu và chờ. Mặt khác, lại ra lệnh:
– Ðai bàng chỉ định Victor (Viện) quyền Dzũng Chinh, điều động các đứa con tiến chiếm các mục tiêu còn lại. Ðể một chấm (tiểu đội) ở lại trông chừng số “kílô” (người chết), “whisky” (người bị thương).
Tôi trả lời qua máy là, không đồng ý bỏ lại dọc đường Dzũng Chinh và mấy đứa con bị thương bởi em út họ không chịu đi nếu như việc tản thương không được thực hiện nhanh chóng. Bạch Hổ thông báo với Ðại Bàng. Ông Ðại Bàng bay lên vùng, và liên lạc thẳng với tôi:
– Ð.M, tôi ra lệnh cho Dzũng Chinh phải tiến quân. Ð.M cứ bỏ thằng “kilô” (người chết), với đám whisky (người bị thương) lại đó sẽ có chuồn chuồn đến bốc. Bây giờ đám diều hâu đã vỗ cánh lên vùng, tất cả ưu tiên cho “Delta-Quebec” (đổ quân)… Ð.M chú thi hành hay không? Ð.M tôi đưa ra toà án mặt trận bây giờ.
Tôi nóng ran cả mặt. Một tư lệnh cuộc hành quân mà giải quyết sự việc với những tính toán và ngôn ngữ như vậy khiến tôi bất bình, và chẳng hiểu xuất phát từ đâu, tôi đã nói qua máy:
– Ð.M đại bàng chớ đại bàng đừng ÐM tôi như vậy. Ông muốn gì tôi thách ông đó. Bây giờ tôi nói dứt khoát với ông, tôi không đi cho đến khi nào có chuồn chuồn đến bốc Dzũng Chinh và mấy đứa con của tôi…
Trên đây là một đọan trong hồi ký Ðiếu thuốc sau cùng của Lê Cần Thơ được đi trong đặc san Thủ Ðức. Chúng tôi xin được trích lại để chứng minh về sĩ khí của kẻ sĩ cùng tinh thần đồng đội của người lính VNCH nói chung cũng như người sĩ quan Thủ Ðức nói riêng. Tại sao viên chuẩn úy của chúng ta lại có thái độ ngang ngược như vậy. Tại sao anh lại tỏ bày thái độ bất chấp như vậy. Bởi vì anh không thể bỏ rơi đại đội trưởng của anh và những người lính của anh. Họ phải được cứu sống. Họ phải được đền bù sau khi họ đã hy sinh tất cả. Có lẽ bản chất của viên trung tá kia là người thô lỗ, nhưng không phải vì thế mà quên đi cái tình chiến hữu, đồng đội mà ông lẽ ra phải làm gương. Nếu như không có chiếc trực thăng xa lạ nào đó bay qua, thương tình đáp xuống để cứu độ thì có lẽ một hai mạng người sẽ kết thúc vì máu mất quá nhiều. Rõ ràng ông ta đã dùng oai quyền và lạm dụng oai quyền. Nhưng ông đã lầm. Ông không hiểu con tim của chúng tôi, những người sĩ quan trẻ tốt nghiệp từ quân trường Thủ Ðức.
Con tim ấy tha thiết lắm. Nó đau cái đau của đồng đội. Nó hạnh phúc cái hạnh phúc của đồng đội. Nó làm tiểu đội, trung đội trở thành một mái nhà. Con tim ấy đã khiến một người chuẩn úy khác dám bắn bò của tư lệnh vùng, bởi vì anh thấy lính của anh gian khổ quá, đói rách quá:
Ngày N cộng sáu
quân lui về Nghĩa Hưng
áo quần đầy hương máu
tóc râu đầy hương rừng
đang đi, lệnh: đóng chốt
lập vòng đai an toàn
cho đại đội trừ bị
lùa bò cho tướng Toàn
bò mập lông vàng thẩm
rộn rịp tập xếp hàng
lính than thèm thịt quá
nổi máu, ta bắn càn
lon guigoz đầy dấm
củi rừng bắt lửa nhanh
miệng nhai lòng chảy máu
tự rủa thầm gian manh
tướng Toàn không ký phạt
nhưng ta chẳng tha ta
một tuần không ăn thịt
không làm thơ ngắm hoa
(Luân Hoán)
Nhớ về một ngôi trường lính, là nhớ đến F301, một nơi mà tất cả sinh viên chúng tôi không ai là không biết. Chúng tôi đã để lại ở đấy một hay hai ngày để nghe mùi khai ngấy của nước tiểu, để nhận rõ bóng tối nhiều hơn ánh sáng, để thấm thía hơn về kỷ luật quân đội. Ðấy là bài học, nhưng đấy cũng là những giờ phút mà lá thơ tình đã được viết nên, hay nỗi nhớ nhung đã trổi dậy. Em Sài Gòn, so với một buổi hai buổi bị nhốt trong 301, đâu có nghĩa lý gì khi được một giờ một phút thấy em. Một lỗ rào nào đưa ta ra ngoài xa lộ, len giữa những lùm cây đào lộn hột, để thay vội vàng bộ đồ dân sự, và đón xe quá giang. Cũng biết lắm cái hình phạt. Cũng biết lắm cái hậu quả có thể rớt ra trung sĩ. Nhưng Sài Gòn vẫn thôi miên ta như người con gái hương phấn vẫy gọi cuối trời. Không thể đợi đến khi giai đoạn Một chấm dứt. Không thể thui thủi một mình vào ngày cuối tuần. Phải về Sài Gòn. Phải uống ly chanh đường uống môi em ngọt hay nhìn con gái Sài Gòn trên vĩa hè Lê Lợi Gia Long. Phải gặp lại bạn bè, ngồi xe honda, nghe gió đêm Sài Gòn luồn giữa hai hàng lầu cao ngất. Phải như một cậu học trò trốn học ham vui, dù biết thế nào ngày mai cũng bị phạt cấm túc. Bởi vậy, ta về. Và hình như nhà trường đã biết được điều đó nhưng cố tình làm ngơ. Bằng chứng từ khoá này tiếp đến khoá khác, những lỗ rào quen thuộc kia vẫn chưa một lần được rào lại hay được tăng cường canh gác. Ðể F301 tiếp tục sống mãi trong tâm trí của mỗi người chúng tôi sau này.
Có lẽ nhà trường muốn thử chúng tôi về bài học tự thắng để chỉ huy chăng. Nhưng ta không thể nào tự thắng được. Và chính cái ham vui ấy, những giây phút căng thẳng ấy, hay một hai buổi bị nằm trong bóng tối của căn phòng gần cổng số Một với bề rộng bề ngang 10 thước, chen chúc bạn ta ấy, mới là những giọt ngọc ngà kỷ niệm của một đời người. Có ân hận gì không. Chắc chắn là không chút gì ân hận, khi hình phạt mà ta chấp nhận là kết quả của tình ta đối với Sài Gòn. Phải không em, Sài Gòn yêu dấu.
Ðể rồi đồng lỏa với ta là những người tài xế xe lam, hay những anh tài xế xe quân đội. Dù họ đã biết ta trốn trại. Làm sao ta có thể che mắt họ, khi bên đường xa lộ có kẻ hớt tóc ngắn và da đen sậm vẫy xe quá giang. Họ cũng như em, mang con tim Sài Gòn đến đồi Tăng Nhơn Phú. Họ giúp ta thoát được trạm quân cảnh ở cửa ngõ vào thành phố. Họ là cứu tinh cứu độ để ta không phải bị giải giao về lại trường. Ôi, F301, nó đâu phải ghê rợn như sà lim, chuồng cọp, nhà đá để ta phải nhắc nhở. Nó cũng chẳng mang cái ý nghĩa Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Nó chỉ là nơi ta tạm đặt lưng để quên đi bãi bắn, bãi tập. Ta không cần tập họp cho mỗi lần đi ăn mà trái lại trưa chiều, người sinh viên trực đại đội mang khẩu phần đến cho ta. Nhưng ta vẫn phải bồi hồi để nhớ lại. Những khổ nhọc, trầm luân của kiếp người rồi cũng mất, cũng tan biến nhưng những áng mây đã hiện bên ngoài kia, chắc sẽ phải nhớ mãi. Những áng mây không phải kết đọng bởi thuốc nổ nồng nặc, nắng lửa và mồ hôi trên bãi tập, nhưng chúng đầy ấp tình em, tình Sài Gòn. Chúng đã đậu lại rồi trôi dạt về đâu, sao ta cứ ngỡ chúng đang trôi xuôi về phía ấy. Rồi bỗng oà vỡ niềm hạnh phúc, như trời Sài Gòn bỗng nhiên tối sầm lại và trận mưa giông trút xuống như đùa cợt cùng thị dân. Và em tóc ướt và ta tóc ướt, và môi cũng ướt, thịt da cũng ướt…
Nhớ về một ngôi trường lính, dù chỉ là chín tháng, nhưng nỗi nhớ mang theo nỗi ngậm ngùi. Bây giờ trường đã mất. Những con ngựa hôm nào bây giờ đã lạc bầy tan tác hay đã rời bỏ đồng cỏ để về một cõi nào. Cả một thời tuổi trẻ đã hy sinh và chấp nhận vào cổng trường với niềm mong mỏi duy nhất là dâng hiến đời mình cho đất nước, quê hương bây giờ trở thành mây khói. Tự nhìn lại là mình có làm trái với bổn phận không, cái bổn phận khiêm nhường của một người lính, mình thấy lòng an ổn lạ lùng.
Ðêm di hành đầu tiên
Ðêm di hành đầu tiên của giai đoạn Một. Khi chiếc nón sắt đội nặng trên đầu. Khi ba lô trên vai, và khẩu súng trường với những viên đạn mã tử. Khi mắt mở, tai căng, và đêm như lòng mực xạ. Ta đã trở thành một người lính rồi ư. Ta có cảm giác ngây ngất của một kẻ vừa trải qua một chuyện lạ lùng hoang tưởng. Quân đi, cả trăm, cả ngàn người, mà sao như đoàn quân ma. Không có cả tiếng ho. Tiếng cười. Không có cả một đốm lửa của điếu thuốc. Khi ra cổng trường, bỗng dưng thấy như thể ra bãi chiến. Nhà nhà vẫn còn để đèn. Xa xa, xa lộ đèn xe sáng rực. Và trên cao là tháp nước quân trường với ánh đèn chớp chớp. Ta bỗng thấy bước chân ta vững mạnh hơn. Bởi xung quanh ta là bao bước chân khác. Ta là họ và họ là ta. Họ giữ gìn ta và ta giữ gìn họ. Chúng tôi đã nương tựa nhau và bảo vệ cho nhau. Lần đầu tiên ta mới cảm nhận cái căng thẳng của thần kinh, cái lo âu vô hình giữa một lòng đêm âm u sâu thẩm. Nhưng cũng đôi khi, chợt thấy ánh đèn của nhà ai còn thắp sáng, lòng lại tự nhiên một nỗi hãnh kiêu thầm kín. Rồi đây, một ngày nào đó, ta sẽ thật sự có mặt, và ta mong được giữ gìn không những một ánh đèn mà còn cả triệu triệu ánh đèn. Có lẽ lúc ấy, ta chưa chạm vào thực tế. Tâm trí ta chỉ thêu dệt những cơn mơ đầy lãng mạng như:
Một buổi quân dừng nơi xóm nhỏ
Mẹ run run mời một bát canh đầy
Bát canh hẹ cho ngọt ngào gạo đỏ
Con chan vào từng muỗng nhỏ mà say…
Phải, không ai lại không có những cơn mơ tuyệt vời như thế. Giữa các bạn ta, chắc cũng có những kẻ mơ ngày ra chiến trường, đánh đâu thắng đó, uy dũng trong màu áo hoa dù hay chết thì cũng da ngựa bọc thây.
Còn ta, ta mơ một bát canh hẹ đậm đà tình nghĩa. Khi ta cầm khẩu súng, ta nghĩ là ta phải gánh một trách nhiệm thiêng liêng nhất là bảo vệ cho đồng bào ta, dân tộc ta. Khi ta bước đi trong bóng tối, có nghĩa là dọn đường cho ánh sáng. Và để đổi lại, đồng bào, hậu phương, sẽ hiểu việc cầm súng của ta, sẽ như người mẹ mời bát canh hẹ để ta chan vào từng muỗng canh nồng nàn giữa người dân và người lính. Ôi những cơn mơ giúp ta đuổi kịp bạn bè, sát cánh với bạn bè, hoà nhập cùng giòng thác của bạn bè. Nó giúp ta sức mạnh dù thân thể ta không đủ tiêu chuẩn của một người lính. Mắt ta mang kính đã bắt đầu làm quen với bóng đêm. Ta mới cảm nhận cái tai hoạ vô hình. Bóng tối. Phải, ta đang ở giữa lòng bóng tối. Bóng tối đồng nghĩa với tai ách. Với kẻ thù. Bóng tối thì nhiều mà ánh sáng thì ít. Chỉ trừ ánh đèn. Những ánh đèn le lói, nhưng bình an kỳ lạ.
Trời ơi. Một ngày nào đó, chắc ta phải khóc mất khi được nếm bát canh hẹ có thật thay vì mơ tưởng. Nó còn đậm đà hơn cả bài hát nào mà ta đã nghe: Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều hôn mái tóc. Tình quê hương đơn sơ. Bởi vì gạo đỏ và bát canh hẹ chính là quê hương. Bởi vì mẹ đã quá già mà cảm thông cùng con cháu mẹ. Ta đang mơ. Xin đừng để cho giấc mơ ta tan vỡ. Ðể ta còn được chắp cánh mà bay, đừng cho ta phải rớt xuống cùng sự thật. Xin để cho ta cứ liên tưởng đến bát canh hẹ cho ngọt ngào gạo đỏ của ta mà cố gắng theo kịp anh em, theo kịp hàng ngũ…
Trời ơi, ta làm sao biết được cái sự thật bên ngoài ngôi trường của chiến tranh này. Cái sự thật phủ phàng khi ta giáp mặt vào lòng bóng tối. Cái sự thật khi những ngọn đèn kia là những tín hiệu giết người, báo động của đám dân trong làng mỗi khi ta hành quân qua. Cái sự thật khi người dân bề ngoài dạ bẩm, nhưng trong tim họ đầy cả bồ dao găm tai họa. Cái sự thật về một gáo nước lạnh hay một thìa nước mắm xin của người dân đã bị từ chối.
Trong đêm di hành đầu tiên, hết đại đội này đến đại đội khác rời khỏi tuyến xuất phát là vũ đình trường để di chuyển quanh vòng đai của quân trường. Ta bây giờ là một phần tử trong một tập thể. Chúng tôi nương nhờ, bảo vệ cho nhau. Từ đó, ta mới hiểu thế nào là tình đồng đội, là sự san sẽ cùng nhau cái định mệnh chung, cái nghiệp căn chung, những tai ương chung. Từ đó người ta càng yêu thương nhau hơn, càng thông cảm cho nhau hơn.

  

Như vậy, ta phải cám ơn Tăng Nhơn Phú đã làm thay đổi cái nhìn của ta trước đây về cuộc chiến, về quân đội. Cám ơn bạn bè ta, những người có người vợ mới cưới, những đứa con mới sanh, hay những người kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, những trí thức, những nhà văn nhà thơ tên tuổi lẫy lừng, những người mà lẽ ra, Thủ đức không phải là nơi dụng võ. Họ vẫn có mặt bên ta, quanh ta, vẫn cầm súng bước đi trong đêm di hành.
Cuối cùng vào nửa đêm cả ngàn người của khoá từ tất cả các đại đội trở về tập họp tại vũ đình trường. Ðêm vang lên lời hô và lời báo cáo. Người ta đã dạy ta biết thế nào là một đơn vị lên đường và trở về bình an vô sự. Trung đội báo cáo lên đại đội. Ðại đội báo cáo lên tiểu đoàn. Và tiểu đoàn báo cáo lên liên đoàn. Ta bị nhận chìm trong một tập thể chỉ biết tuân phục. Khi nghe hô nghiêm là ta nghiêm, hô nghỉ là ta nghỉ, hô bước là ta bước. Ôi những cái bóng nào của đêm xưa ấy còn để lại dấu tích hay chỉ là hạt sỏi nào trên sân. Còn đâu những âm vang của Thủ đức. Còn đâu những vì sao kỷ niệm trên đồi gió Tăng Nhơn Phú. Vâng. Dù quá mệt, quá căng thẳng, nhưng thế nào ta cũng phải ghi lại những cảm xúc kỳ diệu mà ta đã gặp trong đêm này.
Nguyệt san Bộ Binh Thủ Ðức

Những trang giấy nào hôm qua còn mờ nhạt bởi mồ hôi, bụi, và mưa Tăng Nhơn Phú. Có ai kể là sau khi khóa chúng tôi mãn, khoá đàn em nhận trách nhiệm săn sóc nguyệt san Bộ Binh, đã xem mục Nhật Ký Quân Trường là mục thường xuyên phải có. Cảm động lắm khi họ theo ta, tiếp tục viết lại những suy nghĩ, tâm tư trên từng chặng đường gian khổ. Họ theo ta, cũng như ta đã theo khóa đàn anh tiếp tục một truyền thống có sẵn. Chính truyền thống đã mang lại niềm vinh dự. Bởi vậy mới có những người từ muôn phương trở lại để gặp lại bạn bè cùng khoá mà kể lại bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện dưới mái trường. Cái truyền thống của Thủ đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khoá, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật… Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày thứ tư kể từ sau khoá 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người sinh viên sĩ quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Ðức.
Gắng nhớ. Gắng trở lại một khoảng thời gian nào cách đây hơn ba mươi năm. Trí não đã hao mòn, sao lòng ta vẫn còn bồi hồi tha thiết. Những người muôn năm cũ. Chợt một Phạm văn Bình loé lên, người thấp, da đen ngâm. Anh là thầy giáo. Một Trịnh Kim Ðồng hợp cùng Lưu Trung Khảo, hai cây bút chủ lực về biên khảo. Trịnh Kim Ðồng thì đã chết. Chết trên đỉnh đồi Mười thuộc tỉnh Bình Ðịnh. Anh cùng Sư đoàn 22 BB với ta. Anh bị quả đạn trái sáng rơi trúng vào đầu. Còn ai nữa. Còn Nguyên Sa, Cao Thoại Châu, Luân Hoán, Phạm Hoàng, Phan Thảo Trang. Còn có Trịnh Cung lo phần hình thức. Còn có cả ý Yên, người sĩ quan huấn luyện… Ðó là những tên tuổi rất quen thuộc. Và chúng tôi đã góp lại, cấy mạ, ươm phân bón, để nguyệt san Bộ Binh trở thành một tạp chí có tầm cở.
Chúng tôi đã biến mồ hôi thành chữ nghĩa. Và chữ nghĩa đã được chuyển tới không những cho chúng tôi mà còn cho những người thân nhân của chúng tôi. Chính tờ báo đã làm chỗ đứng của Thủ Ðức càng lên cao. Có lẽ nhà trường đã nghe được tiếng vang. Bằng chứng là nhà trường cho phép chúng tôi được miễn đi bãi vào ngày thứ Tư để lên họp tại Khối Chiến Tranh Chính Trị hay để có thì giờ hơn dành cho việc sáng tác.
Bây giờ giữa trời đất mênh mông này, làm sao tìm lại những tờ tạp chí cũ. Làm sao có được những bài Nhật ký quân trường của một thời để bỏ vào trong tập sách này gọi là một hoài niệm yêu dấu. Làm sao để ta có thể đập lại nhịp tim của một thời khi ta đi dây tử thần, vượt sông, leo núi, gắn alpha hay đứng gác trung nghĩa đài. Vàng bạc châu bấu nào có thể đổi lại những trang sách xưa. Những trang sách đầy mồ hôi và gian khổ, nhưng cũng đầy lửa của niềm tin và lửa của da thịt em. Những trang sách mang theo bè bạn đã một thời hiện diện bên ta, viết dùm ta, làm thơ dùm ta, chuyên chở nỗi lòng dùm ta.
Bây giờ đã hơn ba mươi năm từ ngày rời Thủ Ðức, ta đang khốn khổ hành hạ trí não để nhớ về một thời. Muốn nổi khùng chạy đông chạy tây, tìm hoài trong trí nhớ già nua một vài câu thơ của Cao Thoại Châu được anh sáng tác trong trường lính nhưng đành bất lực. Nhà thơ vẫn còn sống ở trong nước, nhưng những bài thơ một thời đã mất trước anh như tất cả những người viết văn làm thơ của miền Nam trước 1975.
May mà trái tim cứ kêu gọi thúc dục. Ta đang viết lại đây, tim nhé. Ta đang viết lại đây, hỡi Thủ Ðức, hỡi các bạn bè ta, và hỡi những người đã yêu mến văn ta nhé. Viết mà rưng rưng. Ta đã đánh mất cây viết Canon, cái phần thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khoá dành cho ta rồi. Và bây giờ những ngón tay tê buốt của tuổi già đã báo cái cơ nguy sắp bỏ bút rồi. Hở, ta sẽ sống ra sao, hở?
(Trích Thủ Ðức Gọi Ta Về, mới xuất bản)
Ðêm alpha

Cuối cùng giai đoạn Một cũng đã kết thúc. Nó đánh dấu một khúc quanh rất quan trọng trong đời sống sinh viên sĩ quan chúng tôi. Có nghĩa là từ đây chúng tôi bắt đầu mang trên mũ, trên vai, hay cổ áo, huy hiệu (, mà chúng tôi vẫn thường quen gọi là con cá vàng. Có nghĩa là từ đây chúng tôi có quyền đi phép cuối tuần về Sài Gòn. Và cũng bắt đầu từ đây, chúng tôi thật sự trở thành đàn anh.
Ðêm alpha. Tôi đang thấy lại tôi, giữa cả một vũ đình trường đầy ngập người, và đầy ngập ánh điện như thể một đêm hội lớn. Chúng tôi đã mặc bộ đồ vàng đi phép, mang giây biểu chương vàng, và mang nón két. Trên ngực áo có bảng tên. Chúng tôi đã sẵn sàng cặp lon vàng. Chúng tôi một chân quì xuống, để chờ khoá đàn anh đến gắn cấp bậc.
Ðêm alpha. Nó là một truyền thống. Nó là sự liên hệ giữa đàn anh và đàn em, giữa người sắp sửa giã từ và những người ở lại. Nó cũng là điểm mốc cho người được đi chuyên môn và người ở lại làm lính lội bộ. Nó vang động cả trời đêm Tăng Nhơn Phú với lời hô đứng dậy quì xuống như chuyển rung cả một vũ đình trường. Người đàn anh sẽ gắn alpha cho ta. Và anh sẽ đập vào vai ta để bày tỏ lời chúc mừng trong khi ta chào tay anh không dám động đậy. Rồi anh sẽ từ giã ta, anh đi đâu:
hãy nắm chặt giây cương này, luân hoán
ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang
(Tình khúc cuối cùng ở K.B.C 4100, thơ Luân Hoán)
Ta đã quên anh, và anh cũng không bao giờ nhớ ta. Nếu có chỉ là cái bóng. Bóng đổ xuống sân vũ đình trường dưới những ngọn đèn nhiều nến. Ta lại bắt đầu thay anh, và cái bóng ta đã lấp vào bóng anh. Ta cũng nhường lại cho đàn em những gì mà đàn anh ta đã nhường cho ta. Rồi ta lại ra đi. Ði đâu. Ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang. Nghĩa trang quân đội. Với Tiếc thương của Nguyễn Thanh Thu. Với Viên đạn cho người yêu dấu của Luân Hoán. Với một Mậu Thân đại tang cho khóa 24 của ta và khóa 25 đàn em.
Ðêm alpha, ta đang náo nức chờ ngày cuối tuần để về thăm Sài Gòn. Một đoạn đường chiến binh đã qua. Thêm một đoạn đường nữa bắt đầu. Bây giờ mới chính là những bài học vỡ lòng cho một trung đội trưởng bộ binh. Hỡi em yêu dấu.
Trần Hoài Thư
https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2012/09/21/tran-hoai-thu-thu-duc-goi-ta-ve/
*
*     *
NhaTrang Ngày Trở Gió -thơ Trần hoài Thư, Vĩnh Điện phổ nhạc - Quỳnh Lan hát 
*
*     *
Tình Xưa (thơ Trần hoài Thư, Vĩnh Điện phổ nhạc và hát) 
*
*     *
Người Hạ Sĩ Nhất - Tác giả : Trần Hoài Thu - Người đọc : Thanh Phương

*
*     *

Trần Hoài Thư & Thủ Đức Gọi Ta Về - Vương Trùng Dương


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire