1.
Mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương. Khi bỏ nước ra đi, chúng ta mang theo trong lòng một giọng nói, một nụ cười, một khuôn mặt, một màu áo, một mùi vị … mà chúng ta không hề ngờ tới. Chỉ khi nào một hôm bất ngờ vì một “cơn gió” nào đó thoảng qua… , ta bỗng giật mình nhớ lại một người tưởng đã quên, một kỷ niệm tưởng đã mất, một nơi tưởng đã biến mất….. “Cơn gió” đó có khi chỉ là một vệt nắng, hay một giọt mưa, một bờ cát hay một con sóng biển, một mầu trời hay một tiếng nói mang âm hưởng của vùng quê ta, …lúc đó ta chợt nhớ lại, thấy hiện ra những hình ảnh cũ.…
2.
Tôi là người có hai quê: cha tôi ở trên Thành, mẹ tôi ở làng Mỹ Hiệp, N.H.. Nha Trang nằm ở giữa. Đường từ Nha Trang lên Thành-Citadelle / Diên Khánh-Quang Thạnh gần, nhưng đường từ Nha Trang đi Mỹ Hiệp xa hơn, cách nhau tới hai ngọn đèo, đèo Rù Rì và đèo Rọ Tượng. Mẹ tôi người Minh Hương. Và nơi mẹ tôi sống có thể nói là thị trấn của những người Minh Hương. Tính chất Minh Hương ấy hiện lên rất rõ trong những ngày lễ lạc. Cái quận lỵ nhỏ bé chỉ chiếm một khúc ngắn trên quốc lộ Một và tỉnh lộ Hai Mươi Mốt này gặp những ngày lễ lớn người ta thấy bay rợp những lá cờ Trung Hoa-Đài Loan. Bởi vì những người dân sống trên con lộ chính này hầu hết là người Hoa, những người Hoa giàu có giữa những người Việt nghèo khó. Bà dì tôi đúng là một người Hoa, Hoa một trăm phần trăm. Hoa từ mái tóc ngắn kiểu “bôm bê” đến giọng nói, từ cách sống đến lối nghĩ, từ quần áo của bà mặc đến lối trang trí nhà cửa … Thế nhưng mẹ tôi, lạ thay không có chút mảy may Tàu. Trái lại y phục, giọng nói, cách sống của bà là Việt một trăm phần trăm. Có thể nói bà là một phụ nữ Việt nghèo khó hơn là một người Hoa giàu có.
Thời gian tôi ở với mẹ và cha giữa cái quận lỵ đó ít hơn rất nhiều so với thời gian tôi sống lạc gia đình khi tôi vừa lên 4 tuổi. Một đứa bé bơ vơ được cưu mang bởi những người xa lạ…Một đứa bé được chuyền tay từ gia đình này đến gia đình khác, từ đồng quê đến rừng rậm… Tôi đã lớn lên trong tiếng súng giữa cuộc chiến vừa bùng nổ… Và khi tìm lại được cha mẹ thì cũng vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Và tôi lại phải được gửi đến nhà những ông chú bà thím tôi ở Nha Trang.
Chú tôi làm việc ở toà tỉnh, lúc đầu ở đường Hoàng Tử Cảnh, sau dọn về đường Yersin, một ngôi nhà đẹp trên một con đường đầy những cây muồng hoa vàng. Chú thím tôi coi tôi như con ruột, những đứa em tôi, con của chú thím tôi, cũng tử tế với tôi như một người anh ruột. Nhưng tôi luôn luôn nhận ra mình chỉ là một đứa bé lạc loài, một kẻ ăn nhờ ở đậu, một miệng ăn gây nhiều khó khăn cho một gia đình đông đúc. Và thế đó tôi lớn lên, lớn lên trong mặc cảm của tâm hồn khốn khổ, giữa một biệt thự gọn nhỏ trong một thành phố thơ mộng và đẹp đẽ. Nhưng tôi không ở thường trực trong nhà chú thím tôi. Tôi sống di chuyển từ nhà ông chú này đến nhà bà thím khác. Mỗi nơi một vài tháng, ít khi nhà nào “chứa” tôi quá một năm. Có lúc tôi đến ở nhà một bà dì tôi trên xóm Mã Vòng, gần một ngôi chùa. Căn nhà lá nhỏ, ba gian có cây khế ngọt và chum đựng nước mưa với chiếc gáo dừa. Tôi là đứa bé báo cơm, một cậu học trò thiếu sách vở, một thằng nhóc ăn mặc nhớp nhúa - một đứa trẻ bụi đời lẫn giữa những học sinh con nhà đàng hoàng gia giáo... Ở lớp học ra, nhiều khi tôi không biết về đâu. Tôi sợ ngọn đèn buổi tối trên bàn cơm vàng om không chiếu sáng những trang chữ. Những bữa cơm nuốt trong vội vã, đôi đũa không dám đụng vào những thứ có tên gọi là thịt và cá. Đêm luôn luôn dài hơn ngày. Bóng tối bao giờ cũng nhiều hơn ánh sáng. Mọi người cười cười nói nói với tôi, nhưng trong mỗi tiếng cười, mỗi câu nói tôi tưởng tượng đó là tin nhắn cho tôi biết tôi là gánh nặng của gia đình nơi tôi ở trọ. Những cuốn sách mượn của bạn, những tập vở xin của một thầy cô giáo, những cây bút nhặt được từ một đống rác... và.... Đó là lý do tôi đọc, đọc và đọc… Tôi ngấu nghiến những trang sách, bất cứ quyển nào, bất cứ tác giả nào… Đọc để thấy là mình đang có một người nào đó đang ở bên cạnh, đang trò chuyện như một người bạn… Tôi hiểu vì sao tôi yêu những bụi dương trên biển hơn ngôi nhà tôi ở, yêu bãi cát trên biển hơn chiếc giường tôi nằm chung với một đứa trẻ khác mỗi đêm, yêu những trang chữ hơn những chiếc bánh – mà tôi không có...
3.
Thuở đó có lúc tôi thấy mình giống như một con vật bị săn đuổi vì thiếu cha, thiếu mẹ, thiếu anh em. Tôi chui rúc vào những hang động của tuổi thơ. Bãi biển là nơi tôi tìm đến những ngày nghỉ học và những ngày trốn học. Núp dưới bóng những gốc cây dừa, nằm giữa lùm cây trong rừng dương, hay ẩn mình trong hốc đá Hòn Chồng, tôi khám phá ra thế nào là sự cô đơn trong đám đông và thấy cả nỗi ấm áp trong sự cô độc. Tôi không phải là học sinh giỏi. Tôi chỉ là một đứa bé thấy thích thứ gì thì cố mà đi tìm hiểu cho ra thứ đó. Tôi là ai? Thuở đó tôi không tìm ra chữ nào phù hợp với suy nghĩ của tôi, nhưng gần đây có lần tôi giật mình đọc được tựa đề một cuốn truyện dịch từ tác phẩm của Colleen McCullogh, The Thorn Birds: Tôi là một trong “Những con chim ẩn mình chờ chết”.
Tôi vẫn còn nhớ những ông thầy bà cô của tôi, những người đầu tiên dạy tôi đọc chữ, những người dạy tôi cách hiểu nghĩa và nhắc đến Nha Trang là nhắc đến một thành phố với lòng biết ơn của những đứa con. Thầy Cung Giũ Nguyên, thầy Phạm Thế Ngũ dạy tôi lòng yêu văn chương, thầy Điểm hội hoạ dạy tôi lòng yêu mầu sắc, thầy Dưỡng dạy tôi thế nào là âm nhạc, ...biển Nha Trang dạy tôi thế nào là vẻ đẹp và sự tàn bạo của thiên nhiên. Nó cũng dạy cho tôi sự nhỏ bé của con người trước sự vĩ đại của trời đất. Biển Nha Trang là một cuốn sách mà tôi sẽ đọc hoài trong suốt cuộc đời tôi.
4.
Nhưng rồi tôi cũng phải xa Nha Trang. Tôi theo gia đình anh tôi vào Sài Gòn. Bỏ lại trường Võ Tánh, tôi vào Petrus Ký. Rồi vào đại học. Lên Dalat. Ra trường, tôi xuống Biên Hoà nhận việc. Rồi lại trở về Petrus Ký với phấn trắng bảng đen. Bạn tôi, có đứa đã du học, đã trở về, có danh phận; có đứa đã vào quân đội, đã ra chiến trường, đã mất tích, …. Rồi chiến tranh chấm dứt. Nhiều đứa đã vượt thoát, nhưng nhiều đứa cũng đã bỏ thây trong tù, trên biển, trong rừng…Cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi ly tán. Tôi trở lại Nha Trang, tôi ra Phan Thiết, tôi xuống Cà Mâu: tôi tìm đường đi. Tôi lái xe ủi đất. Tôi làm ruộng. Tôi phải “vào” U Minh khi vừa đặt chân xuống ghe. Và sau mười năm, chạy từ nơi này đến nơi khác, tôi cũng đến được nơi muốn đến. Từ quê hương thứ hai, tôi đã được đi nhiều nơi, đến nhiều thành phố, … Tôi đã gặp gỡ nhiều người. Những người quen và không quen. Những người thông minh, khôn ngoan, đẹp đẽ, giàu có, sang trọng. Những người nghèo khó, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Tôi đã sống với họ, đã chia sẻ nỗi đau và niềm vui của họ. Tôi đã khám phá ra tôi chính là họ và họ chính là tôi. Yêu thương sự chân thật lòng nhân ái của người này, và “quên đi” những dối trá lọc lừa của người nọ. Yêu thương những người trước đây từng cưu mang tôi; yêu thương cả những người từng chà đạp lên nỗi khổ đau của tôi. Yêu thương những người hôm qua là bạn và hôm nay bất ngờ khám phá ra họ chỉ là những người trước đây mình tưởng họ là bạn thôi!
5.
California năm nay, thời tiết giá buốt những ngày cuối đông đầu xuân gợi lại trong tôi biết bao điều về thành phố quê hương, nơi đã nuôi tôi lớn lên, đã khắc vào trí nhớ tôi biết bao mộng tưởng, thiên đường và…địa ngục.
Nha Trang của tôi, đó là thành phố của thời mới lớn [của tôi], của những con sóng biển ầm ì, những con dã tràng trên cát, những dấu chân bị nước cuốn đi, thành phố của những mối tình mùa hè, thành phố của những gặp gỡ vội vàng và chia ly đột ngột …
6.
Chiều cuốì năm lạnh buốt, tôi lái xe một mình đến Huntington Beach, thả bộ trên bờ cát. Trên chiếc cầu bắc cao ngó xuống mặt cát một buổi tối mùa đông, trước mặt là biển đêm mờ mịt, tôi thoáng nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào vào bờ cát, và bất ngờ một làn gió lạnh buốt thổi lùa qua mặt cóng rát và… chợt tôi thấy mình như đang đứng trước biển Nha Trang. Thấy lại những bụi dương, thấy lại con đường Độc Lập, rạp xi nê Tân Tân, thấy xóm Mã Vòng, Phường Cũi, thấy Chợ Đầm, cầu Hà Ra, cầu Xóm Bóng, thấy đường Yersin, thấy lại ngôi trường cũ… cảm thấy cái rát của ngọn roi cha tôi quật vào mông tôi, thấy lại giọt nước mắt của mẹ, hiện lên khuôn mặt lạnh của ông anh tôi trước ngày anh ra đi và đôi mắt buồn xa xăm của các em tôi ….. Tôi tưởng mình đã quên mất quá khứ, nhưng cơn gió biển chiều nay đã thổi lại trong tôi hơi thở màu sắc mùi vị, nụ cười và nước mắt, thổi lại trong tôi thành phố Nha Trang của một thời tuổi nhỏ. Nha Trang vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi. …
Tôi là “con chim ẩn mình chờ chết” chiều nay thức dậy nhờ tiếng sóng của một thành phố quê hương thứ hai...
Nguyễn-Xuân Hoàng
Huntington Beach 10 tháng Hai, 1996
San Jose 19 tháng Giêng, 2012
Fb NỮ TRUNG HỌC - HUYỀN TRÂN NHA TRANG&THÂN HỮU
Mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương. Khi bỏ nước ra đi, chúng ta mang theo trong lòng một giọng nói, một nụ cười, một khuôn mặt, một màu áo, một mùi vị … mà chúng ta không hề ngờ tới. Chỉ khi nào một hôm bất ngờ vì một “cơn gió” nào đó thoảng qua… , ta bỗng giật mình nhớ lại một người tưởng đã quên, một kỷ niệm tưởng đã mất, một nơi tưởng đã biến mất….. “Cơn gió” đó có khi chỉ là một vệt nắng, hay một giọt mưa, một bờ cát hay một con sóng biển, một mầu trời hay một tiếng nói mang âm hưởng của vùng quê ta, …lúc đó ta chợt nhớ lại, thấy hiện ra những hình ảnh cũ.…
2.
Tôi là người có hai quê: cha tôi ở trên Thành, mẹ tôi ở làng Mỹ Hiệp, N.H.. Nha Trang nằm ở giữa. Đường từ Nha Trang lên Thành-Citadelle / Diên Khánh-Quang Thạnh gần, nhưng đường từ Nha Trang đi Mỹ Hiệp xa hơn, cách nhau tới hai ngọn đèo, đèo Rù Rì và đèo Rọ Tượng. Mẹ tôi người Minh Hương. Và nơi mẹ tôi sống có thể nói là thị trấn của những người Minh Hương. Tính chất Minh Hương ấy hiện lên rất rõ trong những ngày lễ lạc. Cái quận lỵ nhỏ bé chỉ chiếm một khúc ngắn trên quốc lộ Một và tỉnh lộ Hai Mươi Mốt này gặp những ngày lễ lớn người ta thấy bay rợp những lá cờ Trung Hoa-Đài Loan. Bởi vì những người dân sống trên con lộ chính này hầu hết là người Hoa, những người Hoa giàu có giữa những người Việt nghèo khó. Bà dì tôi đúng là một người Hoa, Hoa một trăm phần trăm. Hoa từ mái tóc ngắn kiểu “bôm bê” đến giọng nói, từ cách sống đến lối nghĩ, từ quần áo của bà mặc đến lối trang trí nhà cửa … Thế nhưng mẹ tôi, lạ thay không có chút mảy may Tàu. Trái lại y phục, giọng nói, cách sống của bà là Việt một trăm phần trăm. Có thể nói bà là một phụ nữ Việt nghèo khó hơn là một người Hoa giàu có.
Thời gian tôi ở với mẹ và cha giữa cái quận lỵ đó ít hơn rất nhiều so với thời gian tôi sống lạc gia đình khi tôi vừa lên 4 tuổi. Một đứa bé bơ vơ được cưu mang bởi những người xa lạ…Một đứa bé được chuyền tay từ gia đình này đến gia đình khác, từ đồng quê đến rừng rậm… Tôi đã lớn lên trong tiếng súng giữa cuộc chiến vừa bùng nổ… Và khi tìm lại được cha mẹ thì cũng vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Và tôi lại phải được gửi đến nhà những ông chú bà thím tôi ở Nha Trang.
Chú tôi làm việc ở toà tỉnh, lúc đầu ở đường Hoàng Tử Cảnh, sau dọn về đường Yersin, một ngôi nhà đẹp trên một con đường đầy những cây muồng hoa vàng. Chú thím tôi coi tôi như con ruột, những đứa em tôi, con của chú thím tôi, cũng tử tế với tôi như một người anh ruột. Nhưng tôi luôn luôn nhận ra mình chỉ là một đứa bé lạc loài, một kẻ ăn nhờ ở đậu, một miệng ăn gây nhiều khó khăn cho một gia đình đông đúc. Và thế đó tôi lớn lên, lớn lên trong mặc cảm của tâm hồn khốn khổ, giữa một biệt thự gọn nhỏ trong một thành phố thơ mộng và đẹp đẽ. Nhưng tôi không ở thường trực trong nhà chú thím tôi. Tôi sống di chuyển từ nhà ông chú này đến nhà bà thím khác. Mỗi nơi một vài tháng, ít khi nhà nào “chứa” tôi quá một năm. Có lúc tôi đến ở nhà một bà dì tôi trên xóm Mã Vòng, gần một ngôi chùa. Căn nhà lá nhỏ, ba gian có cây khế ngọt và chum đựng nước mưa với chiếc gáo dừa. Tôi là đứa bé báo cơm, một cậu học trò thiếu sách vở, một thằng nhóc ăn mặc nhớp nhúa - một đứa trẻ bụi đời lẫn giữa những học sinh con nhà đàng hoàng gia giáo... Ở lớp học ra, nhiều khi tôi không biết về đâu. Tôi sợ ngọn đèn buổi tối trên bàn cơm vàng om không chiếu sáng những trang chữ. Những bữa cơm nuốt trong vội vã, đôi đũa không dám đụng vào những thứ có tên gọi là thịt và cá. Đêm luôn luôn dài hơn ngày. Bóng tối bao giờ cũng nhiều hơn ánh sáng. Mọi người cười cười nói nói với tôi, nhưng trong mỗi tiếng cười, mỗi câu nói tôi tưởng tượng đó là tin nhắn cho tôi biết tôi là gánh nặng của gia đình nơi tôi ở trọ. Những cuốn sách mượn của bạn, những tập vở xin của một thầy cô giáo, những cây bút nhặt được từ một đống rác... và.... Đó là lý do tôi đọc, đọc và đọc… Tôi ngấu nghiến những trang sách, bất cứ quyển nào, bất cứ tác giả nào… Đọc để thấy là mình đang có một người nào đó đang ở bên cạnh, đang trò chuyện như một người bạn… Tôi hiểu vì sao tôi yêu những bụi dương trên biển hơn ngôi nhà tôi ở, yêu bãi cát trên biển hơn chiếc giường tôi nằm chung với một đứa trẻ khác mỗi đêm, yêu những trang chữ hơn những chiếc bánh – mà tôi không có...
3.
Thuở đó có lúc tôi thấy mình giống như một con vật bị săn đuổi vì thiếu cha, thiếu mẹ, thiếu anh em. Tôi chui rúc vào những hang động của tuổi thơ. Bãi biển là nơi tôi tìm đến những ngày nghỉ học và những ngày trốn học. Núp dưới bóng những gốc cây dừa, nằm giữa lùm cây trong rừng dương, hay ẩn mình trong hốc đá Hòn Chồng, tôi khám phá ra thế nào là sự cô đơn trong đám đông và thấy cả nỗi ấm áp trong sự cô độc. Tôi không phải là học sinh giỏi. Tôi chỉ là một đứa bé thấy thích thứ gì thì cố mà đi tìm hiểu cho ra thứ đó. Tôi là ai? Thuở đó tôi không tìm ra chữ nào phù hợp với suy nghĩ của tôi, nhưng gần đây có lần tôi giật mình đọc được tựa đề một cuốn truyện dịch từ tác phẩm của Colleen McCullogh, The Thorn Birds: Tôi là một trong “Những con chim ẩn mình chờ chết”.
Tôi vẫn còn nhớ những ông thầy bà cô của tôi, những người đầu tiên dạy tôi đọc chữ, những người dạy tôi cách hiểu nghĩa và nhắc đến Nha Trang là nhắc đến một thành phố với lòng biết ơn của những đứa con. Thầy Cung Giũ Nguyên, thầy Phạm Thế Ngũ dạy tôi lòng yêu văn chương, thầy Điểm hội hoạ dạy tôi lòng yêu mầu sắc, thầy Dưỡng dạy tôi thế nào là âm nhạc, ...biển Nha Trang dạy tôi thế nào là vẻ đẹp và sự tàn bạo của thiên nhiên. Nó cũng dạy cho tôi sự nhỏ bé của con người trước sự vĩ đại của trời đất. Biển Nha Trang là một cuốn sách mà tôi sẽ đọc hoài trong suốt cuộc đời tôi.
4.
Nhưng rồi tôi cũng phải xa Nha Trang. Tôi theo gia đình anh tôi vào Sài Gòn. Bỏ lại trường Võ Tánh, tôi vào Petrus Ký. Rồi vào đại học. Lên Dalat. Ra trường, tôi xuống Biên Hoà nhận việc. Rồi lại trở về Petrus Ký với phấn trắng bảng đen. Bạn tôi, có đứa đã du học, đã trở về, có danh phận; có đứa đã vào quân đội, đã ra chiến trường, đã mất tích, …. Rồi chiến tranh chấm dứt. Nhiều đứa đã vượt thoát, nhưng nhiều đứa cũng đã bỏ thây trong tù, trên biển, trong rừng…Cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi ly tán. Tôi trở lại Nha Trang, tôi ra Phan Thiết, tôi xuống Cà Mâu: tôi tìm đường đi. Tôi lái xe ủi đất. Tôi làm ruộng. Tôi phải “vào” U Minh khi vừa đặt chân xuống ghe. Và sau mười năm, chạy từ nơi này đến nơi khác, tôi cũng đến được nơi muốn đến. Từ quê hương thứ hai, tôi đã được đi nhiều nơi, đến nhiều thành phố, … Tôi đã gặp gỡ nhiều người. Những người quen và không quen. Những người thông minh, khôn ngoan, đẹp đẽ, giàu có, sang trọng. Những người nghèo khó, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Tôi đã sống với họ, đã chia sẻ nỗi đau và niềm vui của họ. Tôi đã khám phá ra tôi chính là họ và họ chính là tôi. Yêu thương sự chân thật lòng nhân ái của người này, và “quên đi” những dối trá lọc lừa của người nọ. Yêu thương những người trước đây từng cưu mang tôi; yêu thương cả những người từng chà đạp lên nỗi khổ đau của tôi. Yêu thương những người hôm qua là bạn và hôm nay bất ngờ khám phá ra họ chỉ là những người trước đây mình tưởng họ là bạn thôi!
5.
California năm nay, thời tiết giá buốt những ngày cuối đông đầu xuân gợi lại trong tôi biết bao điều về thành phố quê hương, nơi đã nuôi tôi lớn lên, đã khắc vào trí nhớ tôi biết bao mộng tưởng, thiên đường và…địa ngục.
Nha Trang của tôi, đó là thành phố của thời mới lớn [của tôi], của những con sóng biển ầm ì, những con dã tràng trên cát, những dấu chân bị nước cuốn đi, thành phố của những mối tình mùa hè, thành phố của những gặp gỡ vội vàng và chia ly đột ngột …
6.
Chiều cuốì năm lạnh buốt, tôi lái xe một mình đến Huntington Beach, thả bộ trên bờ cát. Trên chiếc cầu bắc cao ngó xuống mặt cát một buổi tối mùa đông, trước mặt là biển đêm mờ mịt, tôi thoáng nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào vào bờ cát, và bất ngờ một làn gió lạnh buốt thổi lùa qua mặt cóng rát và… chợt tôi thấy mình như đang đứng trước biển Nha Trang. Thấy lại những bụi dương, thấy lại con đường Độc Lập, rạp xi nê Tân Tân, thấy xóm Mã Vòng, Phường Cũi, thấy Chợ Đầm, cầu Hà Ra, cầu Xóm Bóng, thấy đường Yersin, thấy lại ngôi trường cũ… cảm thấy cái rát của ngọn roi cha tôi quật vào mông tôi, thấy lại giọt nước mắt của mẹ, hiện lên khuôn mặt lạnh của ông anh tôi trước ngày anh ra đi và đôi mắt buồn xa xăm của các em tôi ….. Tôi tưởng mình đã quên mất quá khứ, nhưng cơn gió biển chiều nay đã thổi lại trong tôi hơi thở màu sắc mùi vị, nụ cười và nước mắt, thổi lại trong tôi thành phố Nha Trang của một thời tuổi nhỏ. Nha Trang vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi. …
Tôi là “con chim ẩn mình chờ chết” chiều nay thức dậy nhờ tiếng sóng của một thành phố quê hương thứ hai...
Nguyễn-Xuân Hoàng
Huntington Beach 10 tháng Hai, 1996
San Jose 19 tháng Giêng, 2012
NHỮNG CON SÓNG BIỂN NT NGÀY MÙA ĐÔNG.
ảnh Hoàng Minh
ảnh Hoàng Minh
Fb NỮ TRUNG HỌC - HUYỀN TRÂN NHA TRANG&THÂN HỮU
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire