Bút ký Trúc Mai – Đời sống văn nghệ ở Saigon thập niên 1950 – 1960
Đoạn bút ký sau đây là của ca sĩ Trúc Mai ghi lại hoạt động ca hát,
phòng trà văn nghệ thời đệ nhất cộng hòa và những ngày đầu cô đi hát.
Trúc Mai được xem là một trong những ca sĩ đầu tiên hát dòng nhạc vàng
miền nam, bên cạnh Thanh Thúy, Hoàng Oanh…
Saigon của một thời phồn thịnh, trong trí
nhớ tôi Miền Nam Việt Nam có một khoảng thời gian yên bình, lớn lên
trong một gia đình nghèo nhưng không túng thiếu. Nhà tôi ở trong một xóm
đạo, năm 12 tuổi sớm gia nhập ca đoàn nhà thờ nên biết mình có khả năng
ca hát. Cái duyên với âm nhạc đến thật tình cờ như một định mệnh được
đặt để tôi cứ thế mà đi.
Những năm cuối thập niên 50, ở Miền Nam
Việt Nam ngoài cái trường Quốc Gia Âm Nhạc ra, không có trường lớp tư
nào đào tạo ca – nhạc sĩ, mãi đến những năm sau mới xuất hiện những lò
đào tạo của Tuổi Xanh Kiều Hạnh, Nguyễn Đức, Trịnh Toàn (ca múa). Trong
lĩnh vực này ông đào tạo vũ đoàn Liên Minh Phượng gồm 5 cô đẹp tuyệt
trần với khả năng ca múa. Thế hệ này phần đông do có năng khiếu và tự
luyện. Với ca sĩ, những người không biết đàn, cần sự tập luyện cho quen
với âm thanh của tiếng đàn dưới sự hướng dẫn của một người thầy, hay
được sự dìu dắt bởi người đàn anh đàn chị văn nghệ. Họ, các ca sĩ thời
đó đều xuất thân từ những ban văn nghệ Tâm lý chiến như Kim Vui, Minh
Tuyết (chị của 2 con mèo Uyên Ly & Kim Anh) trong ban Công Binh Lệ
Thu, Tuyết Hương ban Quân cụ, Thanh Thúy, Bích Chiêu ban Thiết Giáp.
TRÚC MAI - Chiều Mưa Anh Đưa Em Về
Mỗi ca sĩ phải hợp tác với ít nhất là hai
ban mới kiếm được 4000 đồng (tiền Việt thời đệ nhất Cộng hòa), lương đủ
sống dư dả nơi thành phố Sài gòn. Trong sinh hoạt của mỗi ban ngành
thường ngày, ngoài chuyện tập dượt và nghe, người trưởng ban còn vạch ra
tiết mục cho chương trình sắp tới. Các ca, nhạc sĩ không bị nhồi nhét
những thứ chính trị khô khan vào đầu nên văn nghệ Miền Nam có nhiều chất
tươi cần thiết cho một bối cảnh chiến tranh tàn khốc. Vào thời điểm đó
nhạc phản chiến còn chưa định vị trên hành tinh này nên chưa du nhập tới
Việt Nam.
Quân khu Thủ đô (về sau gọi là Biệt khu Thủ
đô năm 1958), quân khu đóng tại trại Lê Văn Duyệt nằm trên con đường
cùng tên, nơi đây trưởng phòng 5 là phu quân của ca sĩ Mộc Lan – trung
tá Lê Minh Đẩu – tập hợp nhiều khuôn mặt văn nghệ thật đông vui, nam có
Khả Năng, Phi Thoàn, Châu Kỳ… nữ có Trúc Mai, Lệ Hoa, Tuyết Hương, Tuý
Hồng.
Mối tình của cặp uyên ương Lam Phương &
Túy Hồng chớm nở khi Lam Phương đang thi hành quân dịch. Về lâu dài,
mối tình này đánh dấu một thời của họ trong các ca khúc của người nhạc
sĩ tài hoa lỗi lạc mà lắm lận đận trong ái tình này.
Tháng 6 năm 1959, từ giã sân chơi ở các ban
ngành trong quân đội, tôi gia nhập hàng ngũ những đồng nghiệp đi trước,
bước vào thế giới ánh đèn màu của vũ trường phòng trà ca nhạc. Tôi muốn
được công nhận là một ca sĩ chuyên nghiệp.
Phòng trà Văn Cảnh (hay gọi là Vũ trường
cũng đúng) là nơi khởi đầu đánh dấu cho sự nghiệp ca hát của người ca sĩ
Trúc Mai tôi, mỗi đêm từ 18 đến 21 giờ là giờ của phòng trà do nhạc
trưởng Hiền Lương phụ trách, từ 21 giờ đến 2 giờ sáng là không gian của
vũ trường do nhạc trưởng Charlot Mỹ, dàn ca sĩ gồm Bạch Yến, Thu Hương,
Thùy Hương, Kim Chi, Tuyết Mai (vợ Duy Khánh). Nam ca sĩ thì ngoài Ngọc
Minh còn có Hùng Cường (lúc đó anh chưa qua cải lương, về sau ông bầu
Long của gánh hát Kim Chung mua đứt với giá cao ngất ngưởng thời đó, từ
đó anh nghiêng hẳn qua bộ môn cải lương), Đức Phú, Kong thong (người
Lào), Việt Ấn (nam danh ca hát Hận Đồ Bàn tuyệt diệu nhất, con người và
bài hát đã gắn liền nhau để trở thành bất tử), và còn có ca sĩ kiêm tài
tử Tô Huyền Vân (trong phim Lưu Bình & Dương Lễ).
Trúc Mai – Trăng Tàn Trên Hè Phố
Đêm đầu, lần đầu cái gì bắt đầu cũng làm
vụng về, cái sự luýnh quýnh và bỡ ngỡ không sao tránh khỏi của một người
quen hát trước đám đông là lính, mà nay nhìn thấy tên của mình sừng
sững trên quảng cáo, tôi nghe một niềm vui len lén, vừa hồi hộp không
biết khán giả sẽ đón nhận mình như thế nào. Thật là một cảm giác khó tả
vì nó lẫn lộn len lỏi trong từng kẽ tóc. Trước cửa phòng trà dựng đứng
một tấm biển quảng cáo tên các ca sĩ có mặt thường trực. Ngoài tên ca sĩ
Thanh Thúy đã trụ tại đấy (như một cái đinh của phòng trà) đặc biệt hai
chữ này thật to: Thanh Thúy gặp gỡ hai ca sĩ đang lên Trúc Mai và Ngọc
Minh (tên của ca sĩ Jo Marcel lúc chưa đổi). Phải nói thêm về địa điểm
của Văn Cảnh năm 1959, ngụ kế bên rạp chiếu bóng Đại Nam trên đường Trần
Hưng Đạo, còn có một Văn Cảnh khác gọi là Tabarin, là nơi ca sĩ Khánh
Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) trụ hát mỗi đêm.
TUYỆT PHẨM TRÚC MAI | Nhạc thâu thanh trước 75
Ngay tại bùng binh chợ Bến Thành, trên đường Phạm Ngũ Lão trước đó nơi này là trạm xe lửa, sau đổi thành phòng trà Hòa Bình.
Nhạc trưởng ở phòng trà Hòa Bình có Ngọc
Bích và Lê Đô. Ca sĩ là một dàn hùng hậu không kém Bạch Yến, Bích Chiêu,
Thùy Nhiên, Ngân Hà, Bạch Quyên, Băng Tâm, Trúc Mai và Nhật Thiên Lan.
Nam có Janot và Châu Nhi (con trai tài tử Đoàn Châu Mậu ). Phòng trà Hoà
Bình nằm ngay giữa như cái rốn của Saigon, là nơi xôn xao suốt ngày xe
cộ qua lại, người người hối hả trong mọi lúc, ngoại trừ khi thành phố
ngủ thật yên sau 2 giờ sáng, được nghỉ ngơi trong vài giờ. Địa điểm của
Hòa Bình thật lý tưởng, nằm ngay mũi tàu chỉa mũi vào bùng binh chợ Bến
Thành. Trên lầu là phòng trà ca nhạc Hòa Bình, tầng trệt là nơi giữ xe
hai bánh. Nơi này ngày nay đã xóa sạch không còn một dấu tích nào.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire