dimanche 12 février 2017

Kiều Chinh, Rừng Cây 60 Năm - Du Tử Lê

https://vietbao.com/images/file/_r9Re0BS1AgBAHo2/w464/kc-fog.jpgSinh tại Hà Nội, Kiều Chinh một mình di cư vào Nam năm 1954, trở thành diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam và châu Á. Tháng Tư 1975, Kiều Chinh đóng phim Full House tại Singapore. Tháng Chín cùng năm, sau biết bao tan nát, vẫn tiếp tục xuất hiện trong "Joe Forrester" rồi M*A*S*H... những TV-show danh tiếng thời 70’, 80’ tại Hoa Kỳ. Năm 2017 đánh dấu 60 Năm Điện Ảnh Kiều Chinh. Việt Báo trân trọng giới thiệu bài của nhà thơ Du Tử Lê, với lời chúc mừng người bạn chung của chúng ta.
1. Đã bắt đầu chút se sắt của mùa đông. Nhưng cho tới nay, tôi vẫn còn có được cho mình những buổi sáng. Café. Và bạn hữu. Với cả người còn và những người đã khuất. Ký ức vẫn sống động nơi chiếc bàn kê sát cửa thoát hiểm của nhà hàng Song Long - Cách khu chung cư dành cho lớn tuổi chỉ vài bước… Đó là nơi ở cuối cùng của nhà văn hàng đầu Việt Nam: Mai Thảo. Và đây là cái bàn nhà hàng mà ông ngồi nhiều nhất trong những năm cuối đời.


https://vietbao.com/images/file/qsmcxTxS1AgBAIEz/w600/kc-berkeley.jpg 
Kiều Chinh nói chuyện về điện ảnh tại University of Berkeley ngày 17 tháng 10, 2016, trong cuộc hội thảo về 20 năm Việt Nam Cộng Hòa: Trước 1975, Saigon từng đã là nơi tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Á Châu. Phim ảnh và nghệ sĩ Việt Nam mạnh mẽ hội nhập vào sinh hoạt chung của điện ảnh thế giới.(Photo Trang Nguyễn)

Mới đây, Kiều Chinh vừa có dịp nói chuyện tại Đại Học Berkeley. Tấm hình nhắc tôi nhớ "Hồi Chuông Thiên Mụ", cuốn phim đầu tay Kiều Chinh đóng vai chính năm 1957. Năm mới 2017 đang tới. Vừa tròn 60 năm. Một mình tới Song Long, tôi ngồi quay lưng lại khu chung cư. Căn studio-Mai-Thảo. Và bỗng nghe âm vang lời tác giả "Ta thấy hình ta những miếu đền".

"Chỉ nói đến Kiều Chinh như một minh tinh màn bạc lẫy lừng, chưa đủ. Giữa hai vai trò, bà còn là một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình". Nhà văn hàng đầu của Việt Nam đã viết và nói về Kiều Chinh như thế, trong dịp kỷ niệm "25 Năm Điện Ảnh Kiều Chinh" tại sân khấu Performing Art Center, Costa Mesa, California.
Lời ông từ một góc thế kỷ trước ngày càng chính xác hơn, khi hình ảnh Kiều Chinh vẫn tiếp tục toả sáng.
2.
https://vietbao.com/images/file/0tognj5S1AgBAPQp/w600/b5-award-by-president-n-v-thieu-1969.jpg 
Kiều Chinh nhận giải Điện Ảnh 1969 do Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trao tặng.

Tôi biết, thời còn Saigon, Kiều Chinh đã 2 lần nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của VNCH (1969) và giải nữ tài tử chính xuất sắc nhất của đại hội Điện ảnh Á Châu (Asia Film Festival – 1973.)

Tôi biết, thời lưu vong, Kiều Chinh từng xuất hiện trước Quốc Hội Hoa Kỳ để nhận tước danh “Người Tị Nạn Xuất Sắc”, trong buổi lễ tuyên xưng “Ngày Tị Nạn” đầu tiên tại Mỹ năm 1990.

Nhìn lại sáu mươi năm Kiều Chinh, tôi nhớ hình ảnh người nữ diễn viên đã thủ diễn những vai nữ thuộc đủ mọi sắc dân Á Châu Thái Bình Dương. Từ Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, tới Hawaii… Rất nhiều phim trong số này, trở thành tài liệu giảng dạy về văn hóa, lịch sử Á Châu tại các trường học Hoa Kỳ.

KC-Cup_DSC00446_1Sau hàng trăm vai diễn trong phim ảnh thế giới, Kiều Chinh nhập vai một bà mẹ thuyền nhân Việt Nam trong phim “Journey from the Fall”. San Diego Asian Film Festival 2006 vinh danh Kiều Chinh bằng giải "Lifetime Achievement Award."

Tôi biết Kiều Chinh từng nhận giải Emmy 1996 do Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật Truyền Hình Mỹ trao tặng. Bà còn được vinh danh bởi nhiều Đại hội điện ảnh, với các giải thưởng như: “Lifetime Achievement Award” by San Diego Asian Film Festival (2006); “American Heritage Award” của American Immigration Law Foundation (2005); Roma Film Festival (Italy, 2003)-

Với tôi, Kiều Chinh là “niềm hãnh diện Việt”. Hành trình 60 năm Điện ảnh của bà chưa một lần gián đoạn, dù đó là cái năm 1975 đổi đời.
Đúng như Mai Thảo nói, "giữa hai vai trò" của một tài tử điện ảnh, Kiều Chinh còn có hơn 20 năm làm diễn giả nhà nghề -hiểu theo nghĩa đi nói chuyện có thù lao- và liên tục được các đại học và tổ chức văn hóa uy tín của nước Mỹ mời đi nói chuyện khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Vẫn "giữa hai vai trò", Kiều Chinh đã không ngừng xả thân trong những hoạt động văn hóa, xã hội. Tiêu biểu là hơn 20 năm đồng Chủ tịch sáng lập tổ chức bất vụ lợi VCF, sánh vai cùng các cựu chiến binh Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, quyên góp từ nước Mỹ để xây tặng trẻ em khắp Việt Nam, không chỉ một vài mà, tới 51 trường học khang trang theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, tính tới hôm nay…

Nhưng trước hết, tôi thấy phải nhớ thêm điều này: Như chúng ta, là một người Việt Nam, Kiều Chinh có chung số phận với đồng bào của mình, từng biết thế nào là tan nát, khổ đau, quị ngã và đứng dậy.

Với tôi, đó mới là những điều thôi thúc tôi viết về người bạn chung của chúng ta.

3. Đầu năm 2007, sách "Kieu Chinh, Vietnamese American / Bio-photo Book" ra mắt tại bảo tàng viện Smithsonian ở Virginia trong cuộc triển lãm Di Sản Người Mỹ Gốc Việt tại Hoa Kỳ. Cuốn sách này cho tôi thấy nhiều hình ảnh đặc biệt.

Đệ Nhị Thế Chiến, phi cơ đồng minh oanh tạc quân Nhật tại Hà Nội, Kiều Chinh mồ côi mẹ.

Hà Nội, Tết 1954, tôi đã thấy hình ảnh cô Kiều Chinh tuổi teen an lành bên ông Bố. Ba anh chị em bên nhau trong vườn nhà. Nhưng rồi tháng Bẩy năm Ngọ ấy, đất nước chia đôi. Người chị theo chồng sang Pháp. Đêm trước ngày di cư, người anh bỏ nhà bỏ đi với bạn. Hôm sau, hai bố con ra phi trường Bạch Mai. Phút cuối, Kiều Chinh bị Bố đẩy lên phi cơ, nói "Con vào Sài Gòn trước, bố ở lại tìm anh sẽ vào sau." Bố và anh từ đó kẹt luôn tại nhà tù miền Bắc, và Kiều Chinh 17 tuổi mồ côi, thành người di cư tị nạn bơ vơ tại miền Nam.

4.
Tháng Tư 1975, Kiều Chinh ở Singapore, vừa diễn xong vai chính phim "Full House," một phim của tuổi trẻ vui vẻ. Hội hè, báo chí xứ "Sư Tử Thành" đầy hình ảnh Kiều Chinh.

Nhưng đó cũng là lúc dồn dập tin VNCH co cụm chờ sụp đổ. Điện tín gia đình từ Saigon, điện tín các con đang du học từ Canada đềàu nhắc nhở "Ở lại. Đừng trở về Saigon." Nhưng những người thân đang trong cơn nguy khốn. Không thể không về. Chuyến bay Singapore -Saigon, ngày 16 tháng 4-1975, Kiều Chinh là hành khách duy nhất. Ở phi trường Tân Sơn Nhất, số tiền 75,000 Mỹ kim mang về được đổi thành một… bao bố tiền VNCH thời đó. Để rồi, chỉ một tuần sau, phải lên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Saigon, không hành lý, ngoài chiếc ví tay nhỏ trong đó vài chục mỹ kim và cuốn sổ điện thoại.

Phi cơ đáp xuống Singapore. Ngay khi trình thông hành, Kiều Chinh được mời vào... nhà tù. Lý do, chế độ VNCH đang sụp đổ, thông hành ngoại giao vô giá trị. Trong nhà tù, có lúc Kiều Chinh thấy một cai tù đang cầm tờ báo hình bìa là chính mình. Bà mừng rỡ, chỉ bìa báo, "Đây là tôi. Làm ơn giúp tôi…" Người cai tù nhìn bìa báo, nhìn người, hiểu ra. Nhờ được giúp gọi vài cú điện thoại, Kiều Chinh được Đại sứ VNCH Trương Bửu Điện ở Tân Gia Ba làm giấy lãnh ra; với điều kiện bà phải rời bỏ xứ này trong vòng 24 giờ. Không tòa đại sứ nào chịu cấp giấy nhập cảnh. Giải pháp sau cùng là một vé bay lòng vòng hai ba lục địa, để... mua giờ, chờ tình hình miền Nam ngã ngũ, mới có thể xin tị nạn đâu đó.

Sáu giờ chiều ngày 30 tháng 4, máy bay đáp xuống phi trường Toronto, nơi các con của bà đang du học. Sài gòn đã thật sự sụp đổ.
https://vietbao.com/images/file/NsLoHD9S1AgBAMtH/kc-emmy-1996.jpg
“Cầu cho mọi gia đình bị chia lìa vì chiến tranh được đoàn tụ”. Kiều Chinh phát biểu khi nhận Emmy Award 1996 cho phim tài liiệu “Kieu Chinh, a Journey Home” do Patrick Perez thực hiện cho Fox Television.”


Kiều Chinh trở thành người Việt tỵ nạn đầu tiên tại xứ lá phong Canada. Và công việc đầu tiên cho người nữ tài tử là "Cleaning after the chicken."

(Làm sạch chuồng gà), với mức lương 2 dollars / 1 giờ. Mỗi ngày, việc làm bắt đầu lúc 6 giờ sáng khi gà mới mở mắt. Dậy sớm từ 5 giờ sáng, đi xe lửa ra ngoại ô Salboro. Tới nơi, nhân viên trại gà phát cho đôi giày boot cao su cao tới đầu gối, áo mưa dầy, băng bịt miệng và chỉ ra nơi để kéo vòi nước. Không phải thứ vòi nước nhẹ nhàng như vòi cao su tưới ở nhà, mà là vòi to, nặng như vòi của xe cứu hỏa. Khi bật nước lên, sức phản hồi mạnh tới mức có thể xô ngã mình, phải luôn cố trụ vững, bước tới.

Chuyện kể của Kiều Chinh làm tôi nhớ những ngày đầu tị nạn. Nhạc sĩ Phạm Duy ngày ấy cũng đã nhận công việc làm tài xế đưa rước bệnh nhân cho phòng mạch bác sĩ… Giáo sư triết, thi sĩ Nguyên Sa từng là công nhân dây chuyền cho một hãng điện tử… Nhạc sĩ danh ca Hoài Bắc Phạm Đình Chương phải sống với nghề vẽ đồ họa bằng computer. Nhưng rồi người nghệ sĩ sẽ vẫn là chính mình.
https://vietbao.com/images/file/xSeu5j9S1AgBAJdv/w600/kieuchinh-tren-xe-cnd.jpg 
Xe hoa CND Tết Bính Thân 2016 tại Little Saigon: Kiều Chinh, Jan Nordstrom Arnold, CND Co-Founder, và nữ tài tử Tippi Hedren, bà mẹ đỡ đầu ngành Nail của người Việt tại Hoa Kỳ. 
Nhờ tiền dọn chuồng gà, Kiều Chinh điện thoại cầu cứu các bạn trong giới tài tử Hollywood, và nhận được sự bảo trợ sau cùng nhận được giấy mời vào Hoa Kỳ để “dự lễ” khai trương một trại tạm cư cho người Việt tị nạn tại Sacramento đang do nữ tài từ Tippi Hedren trực tiếp điều hành. Chính từ trại “Hope Village” này, khi cùng Kiều Chinh thăm hỏi nhu cầu các trại viên, Tippi Hedren đã giúp mở lớp dạy làm nail và lo cho các bà các cô đi thi bằng hành nghề.

Ba tháng sau khi đặt chân tới nước Mỹ, Kiều Chinh nhận vai diễn đầu tiên trong TV-show "Joe Forrester" và ít lâu sau đã là vai nữ chính, đồng diễn với Alan Alda trong M*A*S*H, một TV-show lừng lẫy nhất thời đó. "Nàng tài ba như thế, Hollywood phải có một chỗ đứng cho nàng." Alan Alda nói về Kiều Chinh (hình bên).
5.

D3_JoyLuckClub 1993Năm 1993, người tài tử gốc Việt vào vai bà mẹ chính trong The Joy Luck Club, cuốn phim tiêu biểu về các bà mẹ Trung Hoa: Trong phim, Kiều Chinh là Suyuan, bà mẹ thời thế chiến thứ 2, bị buộc phải bỏ rơi hai con song sinh bên đường chạy loạn. Phim quay tại Quế Lâm tháng Hai, 1993, khi nước Tầu đỏ còn trong bức màn tre.

Nếu không kể những bộ phim TV nhiều kỳ, mà Kiều Chinh xuất hiện rất sớm, tôi nghĩ, phải kể tới phim "The Joy Luck Club" mà, người tài tử gốc Việt" được mời thủ diễn một bà mẹ chính trong cuốn phim tiêu biểu nhất về các bà mẹ Trung Hoa: Vai Suyuan, bà mẹ ở Quế Lâm thời thế chiến thứ 2, bị buộc phải bỏ rơi hai đứa con song sinh trên đường chạy loạn - Dựa theo cuốn truyện cùng tên của nhà văn Hoa Kỳ, gốc Trung Hoa, Amy Tan.

Ở đây, tôi không muốn kể lại những thành tựu lớn mà, "The Joy Luck Club" đã đạt được như: Phim này đã được tổ chức National Board of Review Awards chọn vào danh sách "Top Ten" của thế giới năm 1993… (Mà,) tôi chỉ muốn nhấn mạnh, có 3 ngôn ngữ được dùng cho toàn bộ cuốn phim là tiếng Mỹ, tiếng Quan Thoại và Quảng Đông. Nhưng gần cuối phim, khi Kiều Chinh trong vài bà mẹ Trung Hoa tên Suyuan, lúc phải từ bỏ 2 đứa con song sinh của mình, đã thốt kêu hai tiếng "con ơi!"

"Con ơi!" Hai tiếng Việt duy nhất của cuốn phim dài 139 phút.

Tôi nghĩ, phần nào nhờ nơi hai tiếng "con ơi" này của Kiều Chinh mà, tờ Entertainment Weekly số đề ngày đề 28 tháng 10-2014 đã bình chọn "The Joy Luck Club" là cuốn phim thứ 22 trong số 50 phim của lịch sử điện ảnh thế giới - - Đạt "số thu" nhiều nhất về… nước mắt. Và cúp nước mắt "The Trophy of Tear" được trao cho Kiều Chinh, "niềm hãnh diện Việt" (4)

Tôi không nghĩ, trong số hàng triệu khán giả trên thế giới khi coi "The Joy Luck Club", phải lệ nhỏ vì hiểu được hai chữ "con ơi!" của Kiều Chinh. Mà, tôi tin, vì họ được những dòng nước mắt dàn dụa trên gương mặt của người nữ diễn viên này, "thông dịch" qua ngôn ngữ của họ. Bởi, những dòng nước mắt dàn dụa kia, chính là những dòng nước mắt đau thương, được bà kìm, giữ mấy chục năm - Khi bà hình dung đó là hai tiếng cuối cùng trước khi thân phụ bà từ trần, đã gọi bà, sau 22 năm chia, ly. Bằn bặt!

Tôi đồ chừng, sở dĩ nước mắt Kiều Chinh "thông dịch" được hai tiếng "con ơi", qua bất cứ một ngôn ngữ nào khác, cũng bởi vì, bà đã nói thay cho những bậc cha, mẹ mất con; cho những ông, bà mất cháu… Và, hiểu theo một nghĩa nào, thì đó cũng là tiếng kêu cuối cùng của những người vợ mất chồng, trong chiến tranh…

1 the WallKiều Chinh là diễn giả chính trong ngày Veterans Day 11 tháng 11, 1993, tại Bức Tường Đá Đen, Tưởng Niệm 58,000 tử sĩ Mỹ thời chiến tranh VN.
Chính từ nơi này, Kiều Chinh đã khởi xướng và được các cựu chiến binh Hoa Kỳ danh tiếng nhất hưởng ứng, thành lập Vietnam Children Funds, quyên góp xây trường tặng trẻ em Việt Nam.

6.
Người xưa từng nhắc nhở, nếu chúng ta không làm được việc gì hữu ích cho người, thì hãy trồng một gốc cây, cho đời sau có bóng mát.

Nhân vật phụ nữ lỗi lạc mà Mai Thảo nhắc tới không chỉ trồng một gốc cây!

Bà ta đã bền bỉ gieo, trồng, vun, tưới cả một rừng cây, cho bóng mát hôm nay và, mai sau.

Có rừng cây mang tên điện ảnh. Có rừng cây mang tên diễn giả. Rừng cây mang tên… VCF School, những ngôi trường giúp hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam tại các vùng bị chiến tranh tàn phá.

Đó là những rừng cây "mang cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình," như Mai Thảo nói.

Và, với riêng tôi, xin gọi bằng cái tên giản dị: Rừng Cây Kiều Chinh.

Chúc mừng bạn chúng ta, Rừng Cây 60 Năm.

Du Tử Lê
https://vietbao.com/a263927/kieu-chinh-rung-cay-60-nam 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire