vendredi 24 août 2018

"We Are Here" - Tự truyện của thế hệ người Việt thứ hai

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/we-are-here-my-fami-courage-journey-survive-08212015124849.html/site_197_Vietnamese_412363-400.jpg/imageNguyễn Cát Thảo, luật sư trẻ Australia gốc Việt, ra đời trong trại tị nạn Sikiew ở Thái Lan sau  khi ba mẹ cô vượt đường bộ từ Việt Nam sang Kampuchia rồi đến được Thái Lan năm 1979.
Ba tháng sau khi cô chào đời, gia đình Nguyễn Cát Thảo được Australia nhận cho định cư. Năm 2004, khi đang còn học Trung Học, Nguyễn Cát Thảo là người đầu tiên gốc tị nạn được chọn làm đại diện giới trẻ Australia đến diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York.
Năm 2015, kỷ niệm 40 năm người Việt bỏ xứ đi tị nạn, Nguyễn Cát Thảo ra mắt cuốn tự truyện We Are Here mà cô ấp ủ bao năm:

"We Are Here" - Tự truyện của thế hệ người Việt thứ hai Thanh Trúc, phóng viên RFA 

Đó là giọng đọc của Nguyễn Cát Thảo với đoạn văn mở đầu mà cô nghĩ có thể nói lên lý do thôi thúc cô phải viết tập truyện We Are Here bằng Anh ngữ này:
Gia đình Thảo định cư ở Sydney, tiểu bang  New South Wales. Hiện Thảo là một luật sư. Từ nhỏ tới lớn Thảo đã chứng kiến sự hy sinh của cha mẹ. Những khó khăn không phải thuộc  về gia đình Thảo thôi nhưng mà thuộc về rất nhiều gia đình Việt Nam ở bên Úc và  cả cộng đồng Việt Nam mình ở khắp nơi trên thế giới.
Thảo đã chứng kiến sự đau khổ của những người phải rời khỏi quê hương mình và đến một xứ lạ mà mình không biết ngôn ngữ. Thảo thấy cha mẹ lớn tuổi mà phải nhờ một đứa trẻ 6 tuổi như Thảo phải dịch cho cha mẹ phải làm  đầy đủ cho cha mẹ, và sự khó khăn là mình phải hòa nhập vào xã  hội của một nước khác.
Lúc Thảo lớn lên rồi, tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân thương mại thì Thảo không biết bây giờ phải trả ơn cha mẹ như thế nào. Thế hệ sau này sinh ra  lớn lên ở Úc thì cách nào để duy trì lại câu chuyện của cha mẹ và câu chuyện cộng đồng Việt Nam của mình, cái sức sống và sự can đảm của dân tộc mình? Thảo viết cuốn sách We Are Here,  dịch ra tiếng Việt là Chúng Ta Đã Đến, để giữ lại cho thế hệ sau.
Thanh Trúc: Thảo có thể nói rõ hơn không, vì Thanh Trúc nhận thấy sau chương đầu trở đi  hình như Thảo chú trọng khá nhiều  đến tâm trạng của người trẻ lớn lên giữa nền văn hóa Việt trong gia đình và văn hóa Úc ở học đường cũng như xã hội? 

Nguyễn Cát Thảo: Chương đầu tiên kể lại hành trình của cha mẹ Thảo đi vượt biên khỏi Việt Nam. Nhưng mà chủ để chính của cuốn sách We Are Here là về một thế hệ sau này chính là thế hệ của Thảo. Lớn lên ở Úc, ngôn ngữ Việt không rành bằng tiếng Anh, cái khó khăn cho thế hệ này là những giây phút cô đơn, là mình thấy tuy rằng mình đang lớn lên ở một môi trường rất tây phương nhưng mà những sự mâu thuẫn về văn hóa, những đòi hỏi bởi xã hội bởi gia đình, những giây phút mình không biết bản thân mình như thế nào. Thảo muốn chia sẻ với độc giả sự khó khăn của một đứa em là Thảo và lớn lên trong môi trường như vậy là như thế nào. Thảo hy vọng cuốn sách We Are Here có thể chia sẻ và là nguồn thảo luận thêm với gia đình mình.
Thanh Trúc: Năm 2007 Nguyễn Cát Thảo khởi sự cuốn tự truyện We Are Here, mãi đến 2014 mới hoàn tất, có thể cho biết vì sao phải mất những 7 năm như thế?
Nguyễn Cát Thảo: Tại vì thứ nhất viết lại tất cả, nói chung là những khó khăn của một gia đình, là có nhiều ký ức mà cha mẹ Thảo đã bỏ quên, đã không muốn nhớ, vì nó quá đau khổ. Cho nên, để tìm những ký ức đó, Thảo phải đi hỏi không những cha mẹ không nhưng cũng hỏi bà con, ông ngoại, bà nội và những người còn sống. Cái đó cũng mất rất nhiều thời gian.
Hình ảnh của cha mẹ, lúc mẹ may đồ đến 3 giờ sáng, những cái kim đâm vào ngón tay mẹ, mẹ ngủ gục tại máy may vì làm quá sức. Ba thì về từ nhà máy lúc 2, 3 giờ sáng, thì cũng rất khó  khăn cho Thảo để sống lại những hình ảnh đó trong quá trình viết cuốn sách này.
Nếu mà những ký ức đó đơn giản thì Thảo nghĩ Thảo có thể viết trong một thời gian  ngắn, nhưng vì phải sống lại là quá đau khổ đi nên nó mới kéo dài bảy năm trời.
Thanh Trúc: Trong cuốn We Are Here, viết lại cuộc sống của những người Việt Nam đến định cư bên Australia có khó như là đào bới trong ký ức của gia đình mình hay không?
Nguyễn Cát Thảo: Thảo nghĩ kinh nghiệm của gia đình Thảo cũng là kinh nghiệm của rất nhiều gia đình Việt Nam ở Úc nói riêng và cộng đồng Việt hải ngoại nói chung. Tuy rằng có nhiều khó khăn, như vậy mà ba mẹ Thảo và những gia đình Việt Nam lúc nào cũng giữ tư cách, tự trọng và minh bạch. Thảo thấy những quan điểm sống về  trách nhiệm bản thân, gia đình và xã hội,  hành động của mình là đại diện cho dân tộc của mình, thì Thảo thấy phải ghi lại. Thảo viết cuốn sách Chúng Ta Đã Đến là chúng ta đã đến nơi có tự do và mình có thể được yên bình.
site_197_Vietnamese_424689-700.jpg  

Thanh Trúc: Trong lúc viết tập tự truyện này, như Thảo nói, Thảo cũng phải nghiên cứu tìm tòi số liệu phải không?
Nguyễn Cát Thảo: Xem lại thống kê của những người được sống sau hành trình vượt biên là không có nhiều, nhất là những người đi đường bộ. Sau khi nghiên cứu Thảo người đi vượt biên bằng thuyền cỡ 50% sống, vượt biên bằng đường bộ như cha mẹ Thảo là 10% sống, vậy là 90%  đã chết, Thảo  mới thấy  10% sống này mới là phép lạ, cái phép lạ là chúng ta đã đến nơi này.
Thanh Trúc: Cuốn sách We Are Here, Chúng Ta Đã Đến, được nhà xuất bản nào ở Australia phát hành cho Thảo?
Nguyễn Cát Thảo: Nhà xuất bản ALLEN&UNWIN,  cũng là nhà xuất bản rất uy tín đã xuất bản cuốn sách Harry Potter rất nổi tiếng. ALLEN&UNWIN   hợp tác với Thảo vì họ nhận xét câu chuyện này đáng để  kể và chia sẻ.
Thanh Trúc: Tập  truyện Anh ngữ về đời tị nạn và hội nhập của thế hệ thứ nhất, dưới ngòi bút của người thuộc thế hệ thứ hai như Thảo, được những bạn đồng trang lứa đón nhận ra sao? 
Nguyễn Cát Thảo: Rất là nhiệt tình, Thảo thấy rất xúc động là những người thế hệ thứ nhì, thế hệ như Thảo, đã đọc đã viết email cho Thảo. Những email đầy cảm xúc nói với Thảo là sự khó khăn về ngôn ngữ đã tạo ra một bức tường giữa cha mẹ và con cái, và mối quan hệ  giữa cha mẹ với con cái trở thành một quan hệ về giao dịch, không có chiều sâu. Ví dụ “ăn  cơm chưa”, “đi học thế nào”  vậy thôi. Họ cũng chẳng hỏi cha mẹ về cái lai lịch của mình, về câu chuyện của mình ở Việt Nam, hồi thời trẻ cha  mẹ mình như thế nào như là Thảo kể trong cuốn sách We Are Here.
Thanh Trúc: Vậy là We Are Here đã đóng góp phần nào trong việc đưa hai thế hệ thứ nhất và thứ nhì lại gần nhau, hiểu nhau hơn, phải không?
Nguyễn Cát Thảo: Thì sự đóng góp nhỏ của Thảo thông qua cuốn sách này là mới là đầy ý nghĩa và Thảo cũng rất là xúc động. Ở Úc thì Thảo đã nhận được rất nhiều email từ những người trẻ, sinh ra  và lớn lên ở Úc, nói với Thảo rằng  cuốn sách của Thảo thúc đẩy họ mong muốn, thúc đẩy họ tìm hiểu chính cái lịch sử của gia đình họ, tạo cách có thể gần gủi và hiểu cha mẹ của họ hơn.
Thanh Trúc: Thảo sinh ra trong trại tị nạn Thái Lan, lớn lên rồi đi học ở Úc, làm cách nào mà Thảo nói tiếng Việt giỏi như vậy?
Nguyễn Cát Thảo: Thứ nhất Thảo vô cùng cám ơn ba mẹ vì ba mẹ giáo dục Thảo là Uống Nước Nhớ Nguồn, tuy rằng sống ở hải ngoại mà luôn luôn mình phải nhớ nguồn của mình ở đâu. Mình là người Việt Nam nhưng cũng phải biết là mình đang sống ở Úc. Thảo là người Úc nhưng Thảo cũng là người Việt Nam, ba mẹ đã hướng dẫn cho Thảo biết những cái tốt đẹp của văn hóa Việt Nam như thế nào để mình luôn luôn tự hào về dân tộc Việt Nam của mình. Thảo giữ được ngôn ngữ và phong tục Việt Nam vì cha mẹ của Thảo.
Thanh Trúc: Hãy kể lại một chút về chuyện Nguyễn Cát Thảo từng đại diện giới trẻ Australia đến Diễn Đàn Liên Hiệp Quốc ở New York 11 năm về trước, khi đó Thanh Trúc đã phỏng vấn em rồi, nhớ không?
Nguyễn Cát Thảo: Năm 2004 Thảo được chọn là người đại diện cho tuổi trẻ người Úc ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York. Năm đó Thảo là người đầu tiên gốc tị nạn và người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này. Đó cũng là cơ hội rất đặc biệt và Thảo đã học hỏi  được rất nhiều lúc làm việc cho Liên Hiệp Quốc ở New York.
Thanh Trúc: Bây giờ Thảo là luật sư, Thảo có nghĩ mình đã thành công trong cuộc sống hay chưa, những chuyện gì Thảo sẽ làm trong những ngày tới?
Nguyễn Cát Thảo: Hiện tại Thảo cũng là thành viên tư vấn hoặc là giám đốc vài tổ chức từ thiện hoặc tổ chức phát triển cộng đồng. Nhưng cái điều ba mẹ dạy cho Thảo và Thảo muốn nhấn mạnh rằng một cuộc sống ý nghĩa và sự thành công là một cuộc sống mình có thể đóng góp cho xã hội.
Thảo nghĩ Thảo có tham vọng làm những chuyện lớn nhưng mà thật ra những việc Thảo muốn thực tập hàng ngày là phải luôn luôn có một tư tưởng giúp người khác, đóng góp cho xã hội và sống không phải cho riêng mình. Có thể một chuyện rất nhỏ nhưng mình phải thường xuyên làm, giống như cái consciousness (ý thức) cái practice (tập luyện) hàng ngày. Điều quan trọng là cách sống hàng ngày có trách nhiệm cho bản thân, cho  cộng đồng, cho xã hội hay không.
Thanh Trúc: Cảm ơn Nguyễn Cát Thảo về bài phỏng vấn nhân đề cập đến tập truyện We Are Here Chúng Ta Đã Đến mà Thảo mất 7 năm để viết xong. 

Thanh Trúc, phóng viên RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/we-are-here-my-fami-courage-journey-survive-08212015124849.html 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire