Đam mê âm nhạc và học piano từ lúc 5 tuổi
Khác với nhiều nghệ sĩ cùng thời, Lệ Thu có tuổi thơ êm ấm trong một đại gia đình bề thế mà cả nội và ngoại đều rất khá giả. Tên thật của nữ danh ca là Bùi Thị Oanh. Bà sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Suốt thời thơ ấu của mình, Lệ Thu chủ yếu sống tại Hà Đông, rồi sau đó chuyển lên Hà Nội. Lệ Thu là con thứ 8 trong nhà, tuy nhiên những anh chị trước cùng mẹ của bà đều chỉ sống đến năm 3 tuổi là mất. Vì vậy toàn bộ tình thương của cha mẹ, của gia đình đều dồn hết lên đứa con út còn lại là Lệ Thu.
Kể về cuộc sống thời thơ ấu của mình, nữ danh ca từng tâm sự:
“Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “em ơi”, “cô ơi”. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.
Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên 5 cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.”
Sống trong một gia đình quyền quý, được yêu chiều hết mực, nhưng vì là con vợ lẽ, tuổi thơ của bà cũng đột ngột bị đổi hướng vào năm lên 10, danh ca Lệ Thu kể:
“Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải dang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay. Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.”
Đó là năm 1953, Lệ Thu theo mẹ chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tuy không còn học piano nữa nhưng ngay cạnh nhà lại có ông thầy dạy guitar và Lệ Thu cũng được cho theo học một thời gian. Mỗi lúc không học đàn, Lệ Thu vẫn thường lắng nghe và hát theo tiếng nhạc phát ra từ nhà thầy. Nhiều người đi qua nghe được cứ mãi suýt xoa khen tiếng hát hay. Ngoài việc học ở trường, học đàn với thầy riêng, Lệ Thu còn tham gia ca hát trong ban nhạc thiếu nhi Tuổi Xuân của nhạc sĩ Ngọc Bích. Ban nhạc này là xuất phát điểm của nhiều tài năng âm nhạc thành danh sau này như: Khánh Ly, Mai Hương, Quỳnh Giao,..
Sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy, suôn sẻ
Lệ Thu bắt đầu dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp trong một dịp rất tình cờ. Đó là năm 1959, Lệ Thu đang theo học chương trình trung học Pháp tại trường tư thục Les Lauriers ở Tân Định. Lệ Thu kể:
Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà áo xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết. Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối. Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.
Với niềm đam mê âm nhạc chảy sẵn trong máu huyết, cô học trò Bùi Thị Oanh 16 tuổi bắt đầu lén mẹ, tối tối lại bước lên sân khấu, lột xác trở thành nữ ca sĩ Lệ Thu. Nhiều lần vội vã không kịp thay đồ, cô ca sĩ mang cả đồng phục học trò lên sân khấu âm nhạc. Đi hát được một thời gian, Lệ Thu bị mẹ phát hiện và cấm cửa không cho ra khỏi nhà mỗi tối. Ông chủ phòng trà Bồng Lai sau nhiều ngày thấy cô ca sĩ trẻ bặt tăm bặt tích thì liền tìm đến tận nhà. Ông ra sức thuyết phục mẹ Lệ Thu cho phép cô đi hát vì cô có một giọng hát thiên phú, rất được nhiều người yêu thích. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, mẹ Lệ Thu mới quyết định nhận lời mời của ông chủ phòng trà đi xem cô hát. Sau nhiều lần tận mắt chứng kiến con gái trình diễn trên sân khấu âm nhạc và được nhiều người hâm mộ tán thưởng giọng hát, bà mới đồng ý cho phép cô con gái dấn thân vào âm nhạc. Sau hai năm bám sát từng bước chân con mỗi khi cô đến biểu diễn ở phòng trà, bà mới yên tâm để Lệ Thu đi một mình.
Sau khi đi hát ở phòng trà Bồng Lai một thời gian, được sự ủng hộ và cho phép của mẹ, Lệ Thu quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Nhiều phòng trà, vũ trường biết đến tên tuổi của Lệ Thu, đã mời nữ danh ca về cộng tác, trong đó có những địa chỉ rất nổi tiếng thời bấy giờ như Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, vũ trường Tự Do, vũ trường Queen Bee, vũ trường Ritz,..
Khi mới bắt đầu đi hát, theo chân các đàn chị trong làng nhạc Sài Gòn thời đó như Bích Chiêu, Bạch Yến,… Lệ Thu hát chủ yếu dòng nhạc ngoại quốc lời Pháp và lời Anh vốn rất được ưa chuộng khi đó như: La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing...
Sau này, Lệ Thu chuyển sang hát nhạc Việt nhiều hơn. Ca khúc nhạc Việt đầu tiên mà Lệ Thu thể hiện là ca khúc Xin Mặt Trời Ngủ Yên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được thu trong dĩa Sóng Nhạc. Trước khi Khánh Ly nổi tiếng, Lệ Thu chính là giọng ca gắn liền với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời kỳ giữa thập niên 1960. Khi vứa sáng tác xong ca khúc Hạ Trắng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời Lệ Thu hát ca khúc này đầu tiên để thu thanh vào dĩa nhựa. Lệ Thu cũng là nữ ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời đi hát du ca ở các trường đại học. Tuy nhiên, mối duyên âm nhạc giữa Trịnh Công Sơn và Lệ Thu đã không thể trở thành cặp đôi huyền thoại, bởi sau khi tham gia hát du ca một thời gian ngắn thì Lệ Thu nhận lời mời thu âm băng nhạc và hát độc quyền cho chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee vào năm 1968.
Thời kỳ giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 có thể coi là thời kỳ đỉnh cao của tên tuổi Lệ Thu. Báo chí Sài Gòn khi đó phong tặng cho Lệ Thu danh hiệu “nữ hoàng phòng trà”, bởi tên tuổi và tiếng hát của Lệ Thu chính là bảo bối để hút khách cho các tụ điểm âm nhạc thời điểm này. Đây cũng là thời gian Lệ Thu hát ca khúc “Ngậm Ngùi” của nhạc sĩ Phạm Duy, được đánh giá là tiếng hát làm sống lại nhạc phẩm này sau một thời gian dài bị lãng quên. Đặc biệt, nhà văn Duyên Anh đến phòng trà Queen Bee nghe Lệ Thu ca nhạc phẩm “Ngậm ngùi” khi trở về đã viết liền một bài báo, đánh giá tiếng hát Lệ Thu là “giọng hát vàng mười”, nghĩa là giọng hát quý hiếm, lóng lánh như vàng nguyên chất.
Trước năm 1975, Lệ Thu cùng chồng là ký giả Hồng Dương đã thành lập một hãng băng đĩa riêng, phát hành một số băng nhạc cho chính cô. Ngoài ra, Lệ Thu cũng tham gia nhiều chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, Mẹ Việt Nam,.. và cộng tác thu âm với nhiều hãng băng đĩa như: hãng đĩa Sóng Nhạc, Sơn Ca, Việt Nam, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Capitols; thâu băng cho nhiều chương trình như: Jo Marcel, Mây Hồng, Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Việt Nam, Trường Sơn Duy Khánh, Cỏ May-Duy Khánh, Sơn Ca-Continental-Premier, Nhạc Trẻ, Song Ngọc, Siêu Âm, Anh Việt Thu, Trần Ngọc Đức. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến băng nhạc Sơn Ca 9 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.
Biến cố năm 1975, dù đã ra đến phi trường chuẩn bị lên máy bay để di tản sang Mỹ, nhưng nghĩ đến mẹ chỉ còn một mình, cô quay trở lại. Thời gian ở lại Việt Nam, có thời gian cô đi hát cho đoàn kịch Kim Cương. Năm 1978, cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện, Lệ Thu mở một quán cafe trên đường Phan Tôn, Tân Định lấy tên con gái út là Thu Uyển đặt tên cho quán. Sau khi qua Mỹ vào năm 1979, Lệ Thu tiếp tục đi hát cho các hãng nhạc và thu âm thành công nhiều băng đĩa, được yêu thích cho đến ngày nay.
Bàn về sự nghiệp cầm ca lẫy lừng, suôn sẻ của mình, Lệ Thu tâm sự: “Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.” Đồng thời, cô cho rằng sự thành công trong âm nhạc của mình là do cô có giọng hát alto khác biệt với cách lấy hơi từ bụng chứ không phải hát bằng giọng mũi như các đàn chị và đồng nghiệp khác nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Lệ Thu cũng là một trong những nữ ca sĩ được nhiều nhạc sĩ viết nhạc cho nhiều nhất, có thể kể đến Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa, Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn.
Nói về nghệ danh Lệ Thu, từng là nguồn cảm hứng âm nhạc cho hai nhạc phẩm nổi tiếng là Nước Mắt Mùa Thu của nhạc sĩ Phạm Duy và Chiếc Lá Thu Phai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nữ ca sĩ chia sẻ: “Khi ông chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.”
Khờ khạo trong tình yêu
Lệ Thu kể, khi cô được khoảng 13-14 tuổi, tại Sài Gòn, hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Có một anh chàng hàng xóm rất thích Lệ Thu. Anh chàng thường để dành trái cây tráng miệng sau bữa ăn để tặng cho cô thiếu nữ xinh xắn nhà bên. Tuy nhiên, chẳng lần nào anh chàng dám đưa tận tay mà lén canh chừng khi cô vừa xuất hiện thì quăng trái cây cho cô rồi chạy biến vô nhà. Nàng thiếu nữ Lệ Thu ngây thơ cũng hồn nhiên nhận quà. Chàng học trường Việt, nàng học trường Tây nhưng suốt 4 năm trời, giờ ra chơi nào anh chàng cũng đạp xe qua trường nàng đứng ngóng chỉ để nhìn thấy nàng ra chơi rồi đạp xe về. Tuy nhiên, mối tình học trò ngây thơ cũng bi hài không kém. Đó là khi nàng bắt đầu đi hát vào buổi tối, chàng trai có lẽ tò mò đi theo nàng nên biết được sự việc và đem chuyện mách lại với mẹ nàng, khiến nàng phải chịu một trận nổi giận lôi đình của mẹ. Mãi về sau này, gặp lại nhau nơi xứ người, sau khi cả hai đều đã trải qua những cuộc hôn nhân đổ vỡ, chàng nhắc lại chuyện cũ và bày tỏ vẫn còn nhớ nhung bóng dáng của cô thiếu nữ xinh đẹp năm xưa.
Người chồng đầu tiên đến với nữ ca sĩ khi cô chưa tròn hai mươi tuổi. Thời đó, con gái đến tuổi lấy chồng mà chưa có mối nào ngó nghiêng thì các bậc phụ huynh sẽ vô cùng lo lắng. Dù Lệ Thu đã là một ca sĩ nổi tiếng, mẹ cô không những không yên tâm và còn lo lắng nhiều hơn, phần vì sợ con gái bị ế, phần sợ con sa ngã trong môi trường đầy cám dỗ của giới nghệ thuật. Vì vậy, ngay khi có anh chàng không quân đem sính lễ đến xin cưới hỏi, mẹ Lệ Thu đồng ý ngay, dù rằng hai bên chỉ mới quen biết chưa tròn một tháng. Tuy nhiên, vốn được yêu chiều từ bé, dù dấn thân vào con đường nghệ thuật sớm nhưng lại được gia đình nhất mực bảo bọc nên Lệ Thu dù đến tuổi đi lấy chồng vẫn còn rất ngây thơ, chưa từng biết yêu là gì. Chuyện nữ công gia chánh của người vợ, cô lại càng không biết. Gia đình chồng là người gốc Huế rất khắt khe với dâu con nên một cô ca sĩ “trẻ con”, ngờ nghệch như thế thật khó để được chấp nhận.
Lệ Thu kể: “Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não về về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên quyết định bỏ” (Trích Hoàng Nguyên Vũ – Thân Phận Và Hào Quang). Do còn rất hồn nhiên như vậy, lại không có tình cảm sâu đậm nên dù bị chồng bỏ, Lệ Thu tâm sự rằng cô không hề cảm thấy buồn phiền hay vướng bận gì, thậm chí còn vui mừng ôm quần áo về nhà với mẹ.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Lệ Thu diễn ra ngay sau đó không lâu, khi cô tròn 20 tuổi. Người chồng này là một chàng Việt kiều giàu có, đẹp trai, sành điệu, đã có vợ con ở Pháp, nhưng mê Lệ Thu nên quyết định bỏ vợ để cưới cô. Tuy nhiên, mãi tận sau này, khi Lệ Thu biết chuyện chồng mình lừa dối thì ván đã đóng thuyền. Họ tổ chức đám cưới sau một năm tìm hiểu. Và cũng như cuộc hôn đầu, cô nhắm mắt đưa chân những mong tìm được một nơi chốn bình yên để trao thân gửi phận chứ không phải là quả ngọt của một tình yêu đẹp. Dấn thân vào cuộc sống hôn nhân rồi, nữ ca sĩ trẻ mới phát hiện ra chồng mình có một lối sống quá Tây, lại hào hoa và có phần lăng nhăng. Hai cô con gái lần lượt ra đời cũng không thể níu giữ lại cuộc hôn nhân chông chênh của họ. Lệ Thu quyết định chia tay chồng sau 7 năm chung sống (từ 1963 – 1970). Sau này, nhìn lại cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai, Lệ Thu gọi đó là một cuộc hôn nhân bi thảm.
Lệ Thu có cuộc hôn nhân thứ 3 vào năm 1974 với ký giả Hồng Dương. Hai vợ chồng chung tay thành lập hãng băng đĩa riêng mang tên Lệ Thu và đã phát hành thành công một số băng đĩa. Trong suốt thời gian chung sống, Hồng Dương luôn tỏ ra một người chồng yêu thương, lo lắng cho vợ con. Cô con gái Thu Uyển ra đời, kết trái từ cuộc hôn nhân hạnh phúc của cha mẹ. Tuy nhiên, sự đời có những bước ngoặt khó ngờ, năm 1979, trong khi Lệ Thu đưa con gái Thu Uyển sang Mỹ thì ở Việt Nam Hồng Dương chung sống với người phụ nữ khác.
Dù có tài năng, có nhan sắc, có đầy đủ danh vọng tiền tài nhưng trong tình yêu, Lệ Thu vẫn nói rằng mình là kẻ khờ khạo và nhút nhát. Trong mỗi cuộc tình đi qua, Lệ Thu luôn là kẻ bị động. Vậy nên, dù sau này, có lúc cô đã rơi vào một cuộc tình say đắm, rung động đúng nghĩa nhưng cô cho biết vì sợ “khờ khạo” của mình, mà cô cũng đã không giữ lại được tình yêu đó.
Thấu hiểu hai chữ duyên nợ ở đời nên đến sau này, Lệ Thu quyết định hoá giải hết mọi chuyện không vui trong quá khứ. Cả 3 người đàn ông đi qua đời cô và cả anh hàng xóm si tình năm xưa, cô đều chỉ giữ lại những gì tốt đẹp, coi họ như những người bạn cũ. Lệ Thu từng tâm sự: “Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi.”
Dù có một sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy, danh vọng đỉnh cao, nhưng sau tất cả, điều hối tiếc nhất của Lệ Thu, theo như lời cô tâm sự với báo giới, đó là đã không thể thực hiện trọn vẹn bổn phận của người làm mẹ là trực tiếp kề cận, chăm sóc các con cho đến lúc trưởng thành. Nhưng biết làm sao được, người nghệ sĩ đã mang trong mình cái nghiệp cầm ca, hiến thân cho âm nhạc, cho sân khấu nghệ thuật thì chắc chắn sẽ không thể nào sống một cuộc sống của người bình thường, với những vai trò bổn phận theo giờ giấc của người bình thường. Điều này, chắc hẳn những người con của nữ danh ca Lệ Thu sẽ thấu hiểu hơn ai hết.
Những năm tháng cuối đời
Năm 2007, Lệ Thu bắt đầu trở về nước hoạt động âm nhạc. Sang thập niên 2010, cô vẫn tham gia thường xuyên các liveshow trong và ngoài nước, nhận lời ngồi ghế giám khảo trong một vài gameshow. Ở tuổi U80, Lệ Thu vẫn hát live tốt và chưa có kế hoạch giải nghệ. Năm 2020, dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, và mặc dù Lệ Thu được đồng nghiệp nhận xét là sống văn minh, sạch sẽ, rất chăm chút cho sức khỏe, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, nên thông tin Lệ Thu bị nhiễm nCoV và sức khỏe bị nguy kịch từ cuối năm 2020 đã gây chấn động với công chúng. Sau hơn 1 tháng được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, danh ca Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng vào 19h ngày 15/1/2021 (giờ địa phương), hưởng thọ 78 tuổi, để lại nhiều thương tiếc đối với gia đình, bạn bè và hàng triệu khán giả yêu nhạc.
Lệ Thu và 30 bài nhạc trữ tình chọn lọc (thu âm trước 1975)
nhacxua.vn biên soạn
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire