Phạm Đình Chương là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Việt từ sau năm 1950. Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, ông còn là một ca sĩ của ban hợp ca Thăng Long với nghệ danh là Hoài Bắc.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Từ trái qua: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) – Thái Thanh – Hoài Trung (Phạm Đình Viêm)
Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng
Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Từ nhỏ, Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, ông cùng các anh em cùng cha là Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV với tư lệnh là tướng Nguyễn Sơn (là người làm chủ hôn cho nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng).
Từ nhỏ, Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, ông cùng các anh em cùng cha là Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV với tư lệnh là tướng Nguyễn Sơn (là người làm chủ hôn cho nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng).
Ban Thăng Long hát ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, sau đó là Hò Leo Núi, đều có không khí hào hùng, tươi trẻ. Năm 1951, ông rời chiēn khu để về Hà Nội, sau đó đi thẳng vào Sài Gòn để định cư, rồi cùng với các anh chị em là Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng thành lập ban hợp ca Thăng Long lừng danh một thuở. Khoảng năm 1953-1954, ban Thăng Long có quay ngược lại Hà Nội để lưu diễn với cái tên là Gió Nam cùng với nhiều nghệ sĩ danh tiếng của miền Nam. Cũng trong năm 1953, nhạc sĩ Phạm Đình Chương lập gia đình với ca sĩ – minh tinh điện ảnh xinh đẹp là Khánh Ngọc.
Trong thập niên 1950, Phạm Đình Chương đã viết những tác phẩm để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân Tha Hương, Thuở Ban Đầu, Tiếng Dân Chài... Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.
Nhiều người đã xếp Hội Trùng Dương ngang hàng với những bản trường ca nổi tiếng trước đó như Sông Lô của Văn Cao hay Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Ca khúc được sáng tác vào năm 1954 khi đất nước bị chia cắt, ông muốn nói lên tâm tư của những dòng sông trôi về biển Mẹ. Tiếng Sông Hồng tha thiết với những âm thanh Quan Họ. Tiếng Sông Hương da diết với những đồng vọng giọng hò xứ thần kinh, và Tiếng Sông Cửu Long vui tươi với những tiếng dân ca mộc mạc.
Hội Trùng Dương do Ban Thăng Long trình bày lần đầu vào dĩa đá 78 vòng vào thập niên 50.
Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Phạm Đình Chương là Ly Rượu Mừng, rất phổ biến nhất trong các dịp Tết trước 1975. Bài hát có những âm điệu rộn ràng, vui tươi, như một lời chúc tết tốt đẹp trong ngày Tết truyền thống với những câu vè quy tụ hầu hết các tầng lớp dân cư đương thời như: “anh nông phu vui lúa thơm hơi” , “người thương gia lợi tức”, “người công nhân ấm no”, “người binh sĩ lên đàng”…
Ca khúc phổ biến đến mức đã có xuân thì phải có Ly Rượu Mừng và được xem là một Đệ Nhất Xuân Ca đương thời. Mời bạn nghe lại bản thu âm trước năm 1975 của ban Thăng Long ở dưới đây:
ca khúc Ly Rượu Mừng do Ban Thăng Long trình bày
Một sáng tác lãng mạn và để đời trong thập niên 1950 đã gắn liền vào tên tuổi Phạm Đình Chương là ca khúc bất hủ phổ thơ Đinh Hùng nhan đề Mộng Dưới Hoa. Riêng nói về Mộng Dưới Hoa, ca khúc này đã theo năm tháng để trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt.
Elvis Phương hát Mộng Dưới Hoa
Nhạc sĩ Vũ Thành đã viết về ca khúc này như sau: ”Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng Dưới Hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng Dưới Hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc “mẫu” trong các sách giáo khoa về sáng tác. Mộng Dưới Hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được âm bằng trắc của từng chữ. Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.”
Sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong thời gian tiếp theo (khoảng thập niên 1960-1970) có thể không nhiều bằng các nhạc sĩ miền Nam khác, nhưng hầu như đều nổi tiếng và được yêu thích trong nhiều năm qua, như Xóm Đêm, Đón Xuân, Đêm Cuối Cùng, Anh Đi Chiến Dịch… Đặc biệt là ông đã sáng tác một loạt ca khúc phổ thơ rất thành công như Nửa Hồn Thương Đau, Ngợi Ca Tình Yêu và Đêm Màu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền), Khi Cuộc Tình Đã Chết (thơ Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ) và nổi bật nhất là ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng). Từ đó, Phạm Đình Chương thường được cho là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Giai đoạn này cũng là lúc ông lập ra phòng trà tên gọi Đêm Màu Hồng, và với ban hợp ca Thăng Long, ông đã biến nơi này thành chỗ hội tụ của các văn nghệ sĩ đương thời.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và em gái là danh ca Thái Thanh
Thời gian này (trước năm 1985), khi Thái Thanh chưa sang hải ngoại, Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) cùng với Hoài Trung và cô cháu ruột là Mai Hương tái lập ban Thăng Long để trình diễn ở phòng trà, sân khấu hải ngoại.
Mặc dù toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều được sáng tác sau năm 1945, nhưng nhiều người vẫn gọi nhạc của ông là “nhạc tiền chiến”, có lẽ là vì những ca khúc như Mộng Dưới Hoa, Nửa Hồn Thương Đau, Thuở Ban Đầu… đều có giai điệu mượt mà, ca từ lãng mạn đúng như tính chất thường thấy của dòng nhạc tiền chiến, vốn là tên gọi của những ca khúc sáng tác trong thập niên 1930-1940.
Ngoài tài sáng tác, nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn là một ca sĩ thượng thặng với cái tên Hoài Bắc mà có thể nhiều người không biết đến. Ca sĩ Quỳnh Giao đã nhận xét tiếng hát của ông như sau:
“Hoài Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng có lẽ Phạm Ðình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.
Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Ðình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả”.
Về đời tư của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, có một sự việc luôn được người ta nhắc đến và bàn tán từ những năm 1960 đến nay, đó là cuộc hôn nhân buồn với ca sĩ – diễn viên tài danh Khánh Ngọc. Họ chia tay nhau vào năm 1960 sau vụ tai tiếng khắp Sài Gòn lúc đó, để lại vết thương lòng không thể nào nguôi ngoai cho người nhạc sĩ này, thể hiện qua những ca khúc đầy bi thương mà ông sáng tác trong thập niên 1960, điển hình là Người Đi Qua Đời Tôi, Khi Cuộc Tình Đã Chēt và Nửa Hồn Thương Đau.
Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau
Có một sự nhầm lẫn là nhiều câu chuyện đã kể rằng Phạm Đình Chương sáng tác ca khúc bất hủ Nửa Hồn Thương Đau ngay thời điểm chia tay Khánh Ngọc. Tuy nhiên sự thực là 2 sự việc đó cách nhau đến 10 năm. Chia tay vợ năm 1960, đến năm 1970, ông mới hoàn thành bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau được sử dụng trong phim Chân Trời Tím (diễn viên chính là Hùng Cường và Kim Vui). Trong phim này, minh tinh Kim Vui đóng vai ca sĩ hát ca khúc Nửa Hồn Thương Đau, được lồng vào bằng giọng hát Thái Thanh.
Vào mùa hè năm 1991, Phạm Đình Chương lâm bệnh và mất đi vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại California. Theo như gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành Hoài Trung qua đời tám năm sau đó, vào năm 1998, vào một buổi sáng nắng ấm tại miền nam Cali, gia đình ông đã đem cốt của hai ông và rải ngoài biển, như trong một ca khúc ông viết trong thời gian cuối cùng, nhan đề “Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển”, phổ từ thơ thi sĩ Du Tử Lê.
nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn
*
* *
* *
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương , Tình tự Quê Hương Tình Yêu Thân phận .
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire