70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam - Nguyễn Văn Tuyên
Lời giới thiệu: “70 năm Tình Ca trong tân nhạc Việt Nam” do
Hoài Nam phụ trách và đã phát sóng trên đài phát thanh SBS ở Úc châu. Là
một chương trình có sức hút mạnh mẽ đến thính giả và được lan truyền
khắp nơi. Nhận thấy đây là một công trình biên soạn rất giá trị, nhạc sĩ
Nam Lộc đã giúp chúng tôi liên lạc tác giả Hoài Nam và được phép tác
giả đăng lại trên Trẻ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Theo lời Hoài Nam – người biên soạn – đây chỉ là một chương
trình giới thiệu tân nhạc, với mục đích chính là phục vụ nhu cầu thưởng
thức của thính giả, tác giả tự xét không có tham vọng và cũng không đủ
tư cách để đánh giá các tác phẩm và các tác giả như một nhà phê bình, và
trong chủ đề chỉ chuyên về tình ca này, tác giả tạm gác qua lập trường
chính trị cũng như cuộc sống cá nhân của từng người. Mời quý bạn đọc
theo dõi và xin được lắng nghe tất cả ý kiến từ quý bạn đọc…
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản
Từ ngàn xưa tình yêu đã là đề tài muôn thuở của thi ca, âm nhạc.
Riêng trong nền âm nhạc Việt Nam ca khúc đầu tiên bản “Kiếp Hoa” của
Nguyễn Văn Tuyên, cũng chính là một bản tình ca. Cho nên, khi nền tân
nhạc của Việt Nam tròn 70 tuổi, thì nhạc tình của chúng ta cũng trải qua
ngần ấy Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Trước khi đề cập đến nhạc tình, chúng tôi
cũng xin sơ lược về sự hình thành và phát triển bước đầu của nền tân
nhạc Việt Nam nói chung. Cho tới nay, mặc dù chưa có một công trình
nghiên cứu nào được chính thức nhìn nhận là lịch sử của nền tân nhạc
Việt Nam, nhưng cứ theo ký ức của những người đi tiên phong, thì nền tân
nhạc này được hình thành trong thập niên 1930. Ðây là khoảng thời gian
có nhiều diễn tiến và biến đổi trong cuộc sống tinh thần và văn hóa của
người Việt. Về mặt khách quan, nghệ thuật và văn hóa lãng mạn của Tây
phương, chủ yếu là của Pháp đã bén rễ. Tiểu thuyết, phim ảnh có tiếng
nói, và đĩa nhạc đã được du nhập vào. Về mặt chủ quan, chữ Quốc ngữ đã
thực sự phát triển với những tác phẩm hoàn toàn thoát khỏi truyền thống
văn học từ chương viết bằng Hán Văn, mà quan trọng nhất là phong trào
thơ mới và các tác phẩm văn học của “Tự Lực Văn Ðoàn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên
Bài nhạc Một Kiếp Hoa
Trong lĩnh vực ca nhạc, ngay từ sau Ðệ Nhất Thế Chiến, một số ca khúc
của Pháp đã bắt đầu được người Việt ưa chuộng. Từ những suất hát cải
lương ở Việt Nam với hai ban nhạc, một cổ truyền, một sử dụng nhạc khí
Tây Phương, cho đến những người hát rong, hát dạo ngoài đường trình tấu,
trình diễn các ca khúc mang từ mẫu quốc sang. Tới khoảng năm 1933-34,
hai nghệ sĩ tiền phong ở trong Nam là Tư Chơi tức Huỳnh Thủ Trung và Năm
Châu tức Nguyễn Thành Châu, đã đề xướng việc đặt lời cho các ca khúc
Pháp, để trình diễn trên các gánh hát Trần Ðắc và Phước Cương mà người
ta gọi là những bài hát Ta điệu Tây. Tới năm 1937, thể loại bài hát này
đã phổ biến khắp nơi. Tại các Ðài phát thanh ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội, đâu
đâu cũng thấy ca hát theo giọng Tino Rossi, nam danh ca Pháp được ưa
chuộng nhất thời bấy giờ. Nhiều hãng đĩa nhạc bắt đầu tung ra thị trường
những bài hát Ta điệu Tây do hai cô Ái Liên và Kim Thoa trình bày. Theo
cố nhạc sĩ Lê Thương, việc truyền bá những bài hát Ta điệu Tây đã tạo
một ảnh hưởng quan trọng là thay đổi thị hiếu của công chúng khiến họ
càng thêm chuộng cái mới lạ và muốn quên lãng những gì không thay đổi
trong âm nhạc cổ truyền. Thế nhưng các nhạc sĩ tiên phong đã không thỏa
mãn với những bài hát Ta điệu Tây, mà muốn viết những bài hát hoàn toàn
Việt Nam từ nhạc cho tới lời. Bản nhạc đầu tiên của thể loại này là bản “Kiếp Hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (Kiếp Hoa hay Một Kiếp Hoa – Nguyễn Văn Tuyên-thơ Nguyễn Văn Cổn- Ngọc Hà trình bày https://www.youtube.com/watch?v=LZ3MGjjCygs), một người gốc Huế, sống ở Sài Gòn, đã được phổ biến trên Ðài phát thanh Ðông Dương tức Radio Indochine. Vào cuối năm 1937, bản “Kiếp Hoa”
cùng với 2 sáng tác khác của Nguyễn Văn Tuyên là “Anh Hùng Ca” và “Bông
Cúc Vàng” về sau đã được ghi nhận là 3 ca khúc đầu tiên của nền Tân
Nhạc Việt Nam, mà lúc đó được gọi là Âm Nhạc Cải Cách dịch từng chữ
Musique Renovée của Ðài phát thanh Ðông Dương. Tuy nhiên trên thực tế ba
sáng tác nói trên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, chỉ là 3 ca khúc đầu
tiên được phổ biến chứ chưa hẳn là những ca khúc đầu tiên được sáng tác,
bởi vì vào khoảng thời gian này ở ngoài Bắc các nhạc sĩ tiên phong của
nền tân nhạc Việt Nam như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Chung, Doãn
Mẫn, Canh Thân, Lê Thương, Hoàng Quý, Ðặng Thế Phong, v.v… cũng đã sáng
tác Âm Nhạc Cải Cách rồi nhưng chỉ phổ biến trong nội bộ các nhóm nhạc
của mình cho tới khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc. Tháng Tư năm 1938,
được sự trợ giúp của Thống Ðốc Nam Kỳ và sự bảo trợ của Ðài Phát Thanh
Ðông Dương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc để diễn thuyết cổ động cho
Âm Nhạc Cải Cách. Chuyến đi của ông đã được báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh
Thúc Kháng và báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn hết lòng ca ngợi và trân
trọng giới thiệu. Riêng báo Ngày Nay, cơ quan ngôn luận uy tín nhất tại
miền Bắc thời bấy giờ, sau đó đã khởi xướng hô hào các nhạc sĩ ở miền
Bắc phổ biến các sáng tác của nền nhạc mới. Ðể rồi tới tháng 9 năm đó
những tác phẩm đầu tiên của các nhạc sĩ đã lần lượt xuất hiện trên mặt
báo. Ngoài hai bản Kiếp Hoa và Bông Cúc Vàng của Nguyễn Văn Tuyên, còn
có Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ, (Bình minh -Lê Dung
trình bày http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/binh-minh-le-dung.dtPe5poDDI8E.html), Bản Ðàn Xuân của Lê Thương (Bản Ðàn Xuân-Tâm Vấn trình bày http://cuongde.org/index.php/nghe-nhac/N/2-nhac-tuyen/309-tinhxuan/3560-ban-dan-xuan-le-thuong-tam-van),
Khúc Yêu Ðương của Thẩm Oánh v.v… Các ca khúc này đã được dùng vào việc
khiêu vũ và trình diễn trong các buổi hoà nhạc vì chuyến đi của nhạc sĩ
Nguyễn Văn Tuyên trong năm này cũng như sự hưởng ứng của các nhạc sĩ
tại miền Bắc về sau, mốc điểm của thời gian 1938 đã được hầu hết các nhà
nghiên cứu cũng như các nhạc sĩ tiên phong xem là khởi điểm của nền tân
nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân KhoátBài Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh
Ghi chú thêm
Kiếp Hoa hay Một Kiếp Hoa, còn được biết đến với tên Hoa Tàn. Nguyên là một bài thơ của cụ Nguyễn Văn Cổn và được cụ Nguyễn Văn Tuyên phổ thành ca khúc năm 1938. Ðây được coi là bài hát đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Tuyên người gốc Huế nhưng sinh sống tại Sài Gòn và đã mang bài hát này ra trình bày trong các buổi diễn thuyết về đề tài “Âm Nhạc Cải Cách” tức ‘Tân Nhạc” ngày này tại Huế, Hải Phòng và Hà Nội năm 1938.
Bản ghi âm trong clip này được trích từ buổi hội thảo và triển lãm về đề tài “Báo Phong Hóa-Ngày Nay” và nhóm “Tự Lực Văn Ðoàn” trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 tại tòa soạn báo Người Việt, Nam California, Hoa Kỳ.
Một Kiếp Hoa – Nguyễn Văn Tuyên-Nguyễn Văn Cổn – Ngọc Hà trình bày
https://www.youtube.com/watch?v=LZ3MGjjCygs
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire