Mùa Thu tại trại Sikew
Bài viết Trần Trung Đạo-MộtNgườiLính trình bày
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Hai câu thơ trên không phải viết cho người tình, người yêu đã qua đời như "nằm trong đất lạnh chắc em sầu" trong bài "Gửi người dưới mộ" của Đinh Hùng mà viết cho cô gái Việt 26 tuổi treo cổ chết tại trại Sikiew Thái Lan tháng 12, 1992 sau khi bị bác bỏ quy chế tỵ nạn. Tên em là mùa thu nên post lại bài thơ như một lời nhắc nhở về một thời đã qua nhưng sẽ không bao giờ qua trong lịch sử:
VĨNH BIỆT EM, THU CÚC
( Gửi hương hồn em Hoàng Thị Thu Cúc Trại Sikiew, Thái Lan)
Con chim nhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Ðôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Ðường về Nam phảng phất một linh hồn
Em trở lại bóng ma từ viễn xứ
Cổng trường xưa nghe đá rỉ mồ hôi
Như nước mắt đong đầy trong quá khứ
Bướm hoa ơi, vườn mộng cũ đâu rồi?
Khi treo cổ bằng sợi dây oan nghiệt
Em nghĩ gì về đất nước mai sau
Chúng ta có quá nhiều điều thua thiệt
Trách chi em ước vọng đã phai màu
Hai chữ tự do treo trên thánh giá
Tiếng kinh cầu không đủ sáng vô minh
Em run sợ nhìn loài người giương ná
Con chim non trúng đạn chết vô tình
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên
Chúng ta lớn với trăm điều mất mát
Tuổi thơ qua theo dấu đạn bom cày
Quê hương đó vẫn chìm trong tiếng khóc
Vẫn hận thù chồng chất xuống tương lai
Vĩnh biệt em, người con yêu xứ Huế
Ngủ đi em, đừng oán hận cuộc đời
Anh đứng lặng nghe đau từ tim phế
Xin thơ này lau vết máu em rơi.
Trần Trung Ðạo
*
* *
* *
Thì Thầm Với Mùa Thu
nhà trời đã sang đông nhưng ở đây vẫn còn là mùa thu. Mùa thu năm nay đến chậm và ra đi cũng chậm. Giữa tháng mười một rồi, hôm qua ngay cả một cơn tuyết nhẹ đến thăm nhưng lá vẫn chưa rơi hết. Nhiều hàng cây vẫn còn choàng trên thân chiếc áo màu vàng .Chung quanh nhà đâu cũng lá và lá. Mùa thu New England, tuy không “có gốc sim già đó” nhưng vẫn nghe đâu đây như có tiếng “thu hát cho người”.
Những buổi sáng trời không mưa, như sáng hôm nay, tôi ngồi nghe tiếng chổi vọng qua từ ngôi chùa nhỏ bên kia đường. Các thầy trong thiền viện dậy rất sớm. Thay vì dùng chiếc máy thổi lá như nhiều người ở xứ này, các thầy vẫn quét lá bằng chổi như những ngày còn ở Việt Nam. Thật lạ, giữa thị trấn sầm uất của phía nam thành phố Boston lại có một khoảng đất nhỏ mang trọn vẹn một khung cảnh, một nếp sống Việt Nam. Thiền viện với mái ngói cong, với tiếng chuông ngân dài hòa trong tiếng lá rơi xào xạc buối sáng cuối thu. Êm dịu. Một không khí êm dịu khó có thể tìm đâu trong thành phố kỹ nghệ này.
Gia đình tôi dọn về thị trấn phía nam này đã 8 năm rồi. Không bao lâu sau khi ổn định chỗ ở, ngày nọ nhìn ra đường, một thầy còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán.Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là có chùa theo đó.” Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng bên kia đường trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Một phần vì bận rộn với đời sống và phần khác cũng không cảm thấy cần thiết. “Trong núi không có Phật” như thiền tổ Trúc Lâm đã dạy, thì trong chùa cũng chưa hẳn có Phật. Đến để tìm gì? Tôi niệm Phật và nghĩ đến những lời dạy của ngài ở bất cứ nơi đâu dù khi ngồi nhìn những đám mây bay bên kia cửa sổ phi cơ, những đêm thao thức và ngay cả những chiều kẹt trên xa lộ.
Công việc làm buộc tôi thường dậy sớm, như sáng nay. Pha một tách cà-phê và ngồi nghe tiếng lá thu rơi, tiểng chổi của các thầy nhẹ vang. Một âm thanh quen thuộc vọng về. Kỷ niệm. Vâng, cũng ngôi chùa nhỏ, cũng quét lá trong sân chùa như thế. Mới đó mà đã 40 năm rồi. Bốn mươi năm mà như mới hôm qua. Cậu bé trong tâm hồn tôi cũng chẳng lớn hơn chút nào từ những mùa thu cũ. Ngày đó, năm giờ sáng, khi phần đông người trong chùa còn ngủ, cậu bé thức dậy bắt đầu công việc mỗi ngày của mình. Cậu bé phải quét lá sớm để bảy giờ thì đi bộ đến trường. Sân chùa rộng, nhiều khi vừa quét xong nhìn lại phía đầu sân bên kia, lá rơi đầy như trước, lại phải quét thêm lần nữa, nếu không thầy trụ trì thức dậy sẽ trách vì nghĩ là cậu bé chưa quét.
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.
Nhiều buổi sáng khi quét lá xong, trời còn sớm cậu bé ngồi trên bệ đá trước giảng đường học bài. Nhìn những chiếc lá đang nhẹ nhàng rơi xuống, cậu bé nghĩ về mình và những đứa bé cùng cảnh ngộ. Số phận của chúng cũng mang nổi cô đơn sâu thẳm và mong manh như chiếc lá đang rơi.
Thế hệ của cậu bé ngày đó là thế hệ của những chiếc lá bị cuốn đi trong mùa bão lửa. Lá rơi trên đường phố Đà Nẵng. Lá rơi dọc bến xe đò Hùng Vương. Lá rơi vào những hố rác hôi thối ở Hòa Cầm. Lá rơi bên ngoài các căn cứ lính Mỹ. Mỗi sáng, bên ngoài các hãng kem, hàng trăm chiếc lá tuổi mười hai, mười ba sắp hàng chờ nhận kem đi bán. “Trường học”, “mái ấm gia đình”, “tình thương cha mẹ”, “một bữa cơm ngon”, hình như lâu lắm rồi không ai nhắc với chúng những chữ gần như xa lạ đó nữa. Cuộc hành trình chúng đi không có bóng mát. Những bàn chân nhỏ nhoi trên con đường Việt Nam đầy hố đạn. Cám ơn Đức Phật và những lời dạy của ngài. Tình thương, bao dung và tha thứ như những giọt nước mát rót vào tâm hồn cháy bỏng hờn căm của cậu. Nếu không có tiếng chuông chùa, không có lời kinh khuya ru tuổi thơ nhiều mất mác, cuộc đời cậu, như hàng triệu chiếc lá chiến tranh khác đang lang thang khắp ba miền đất nước sẽ về đâu?
Năm năm sau, vào một buổi chiều mùa thu, cậu bé đã trở thành một thanh niên 18 tuổi, lạy Phật ra đi. Hôm đó trời đã vào thu. Lá chưa rơi nhiều như sáng hôm nay nhưng tiếng xào xạt hòa trong gió lớn hơn. Hai cây đa già cùng tấu lên khúc nhạc tiễn đưa cậu bé. Tạm biệt chiếc đại hồng chung và những tiếng ngân dài, tạm biệt chiếc giường gỗ và bầy rệp đỏ, tạm biệt chiếc mùng ngăn muổi nhiều chỗ vá. Không giọt nước mắt nào nhỏ xuống trong giờ chia tay người đi kẻ ở, không, cậu tự tay mở cánh sắt nhỏ ngăn hai thế giới, và ra đi âm thầm như ngày mới đến chùa:
Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly.
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly.
Sáng nay ngồi nhớ lại mình và những đứa bé bất hạnh thời chiến tranh. Tự hỏi, những chiếc lá vàng trên hè phố Đà Nẵng, trên bến xe đò Nam Lộc, trong hố rác Hòa Cầm ngày xưa đã bay về đâu. Thời gian âm thầm trôi như giòng sông bất tận. Bỗng dưng thấy thương mình hơn bao giờ. Bỗng dưng thèm được về bên sân chùa cũ ngồi dưới ánh trăng thu để lắng nghe tiếng lá ru như tiếng mẹ vỗ về. Bỗng dưng thèm được hát, bài hát của một thời hoa niên đầy nước mắt. Nhưng không, tuổi thơ sẽ không bao giờ trở lại như những chiếc lá chiến tranh ngày xưa nay đã già, đã rơi tan tác ở một nơi nào đó trên quê hương hay đang thì thầm với mùa thu ở một góc phía nam của thành phố Boston xa lạ.
Dù bay bao xa, một ngày, chiếc lá cũng sẽ trở về, để được hôn lên mảnh đất đầy oan nghiệt nơi giữ gìn xương thịt của mẹ cha, và cũng để lần cuối cùng viết nốt những bài thơ dang dở.
Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.
Trần Trung Đạo
Thì thầm với mùa thu - Tác giả: Trần trung Đạo -Hoa Pensee trình bày
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire